TTCK: Chén mừng… xin đợi
Không chỉ các doanh nghiệp lỗ cảm thấy bức bối và không lối thoát, qua trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo 5 doanh nghiệp làm ăn có lãi trong 6 tháng đầu năm cũng bày tỏ nhiều trăn trở.
Có doanh nghiệp vốn dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài cho hay, hiện nay đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp sụt giảm mạnh; lạm phát cao, công nhân bãi công, đình công nhiều do chất lượng cuộc sống quá thấp nên các nhà đầu tư nước ngoài cũng chán nản; với mảng bất động sản, dòng tiền thắt chặt, không có ai mua bán gì nên công ty khó khăn thực sự.
Doanh nghiệp thương mại vốn dựa trên chiến thuật mua nhanh, bán đuổi, không để đồng vốn chôn trong hàng tồn kho, nay cũng khó khăn chẳng kém các doanh nghiệp sản xuất. Lãi suất ngân hàng họ đang chịu là 23,3%/năm, nhưng còn không đáng ngại bằng việc các đối tác chiếm dụng vốn của công ty. Có những khoản nợ, ròng rã cả năm nay, công ty vẫn phải cử nhân viên theo sát để thu hồi từng vài triệu đồng.
Doanh nghiệp bất động sản không chỉ khổ vì không bán được hàng mới mà cả những sản phẩm đã ký hợp đồng, đã bán hết, nhưng giờ thu tiền đợt 2, đợt 3 không nổi. Hợp đồng ghi trả chậm, khách hàng bị phạt lãi vay nhưng chủ đầu tư vẫn phải khéo léo, phải "vui vẻ" gia hạn, bởi nếu làm căng, khách hàng trả nhà rút lại tiền thì còn khốn hơn. Thế mới có chuyện dự án BĐS không bán được, nhưng chủ đầu tư không dám giảm giá, mà trái lại còn tăng giá bán, với mục tiêu duy nhất là để giữ chân những khách hàng đã mua nhà tiếp tục đóng tiền đợt 2.
Doanh nghiệp xuất khẩu cũng than thở chưa thấy khi nào khó khăn như hiện nay, vì lãi vay trong nước cộng với các chi phí sản xuất khác như điện, than tăng mạnh, khiến cho giá thành sản phẩm bị đội lên rất nhiều, trong khi cạnh tranh về đầu ra buộc doanh nghiệp không thể tăng giá bán. Với cả 5 doanh nghiệp này, kế hoạch lợi nhuận năm giờ đều trở nên xa vời. Sự co cụm diễn ra trên mọi khía cạnh, ngay cả với những doanh nghiệp có lượng tiền mặt dồi dào cũng "nằm im" và chọn giải pháp gửi tiền ngân hàng, thay vì lao tâm khổ tứ cho kinh doanh, sản xuất.
Mỗi doanh nghiệp là một tế bào của cơ thể nền kinh tế. Cơ thể ấy đang ốm yếu, sức cạnh tranh giảm đáng kể. Nhiều tế bào đang thoi thóp, chờ đợi một chính sách mới để có thể tìm được lối đi. Người ta kỳ vọng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ có một số quyết định quan trọng như xử lý được khoản nợ 60 triệu USD mà Vinashin đã vay quá hạn 8 tháng để nâng hệ số tín nhiệm của Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài.
Bên lề kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, nhiều đại biểu đề cập đến bản kiến nghị "Kinh tế Việt Nam - những vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII vừa hoàn thành. Bản kiến nghị dài 40 trang này nêu ra nhiều giải pháp không mới, song phải có quyết tâm rất lớn Việt Nam mới có thể thực hiện được như mạnh tay cắt giảm đầu tư công và tăng cường kỷ luật tài khóa, tiết giảm chi tiêu ngân sách, thay đổi chiến lược phát triển công nghiệp dựa chủ yếu vào khu vực kinh tế nhà nước... Nhiều vấn đề đang cần Chính phủ nhiệm kỳ mới xử lý để các doanh nghiệp vơi bớt khó khăn và kinh tế có thể phục hồi.
Phong Lan
đầu tư chứng khoán
|