Thứ Ba, 26/07/2011 08:44

Ông Nguyễn Duy Hưng: Cần “bàn tay sắt” để chuẩn hóa TTCK

Ông Nguyễn Duy Hưng

TTCK suy thoái và chưa có cơ sở để ổn định trở lại chính là vì đang thiếu một "bàn tay sắt", đủ sức mạnh, đủ niềm tin để lập lại các quy chuẩn của DN niêm yết, công ty chứng khoán, quy chuẩn về sự minh bạch và công bằng trên TTCK Việt Nam. Đó là quan điểm của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI.

Sau 11 năm hoạt động, vấn đề lớn nhất mà TTCK Việt Nam phải đối mặt hiện nay là gì, thưa ông?

Đó là thiếu minh bạch, thiếu công bằng và thiếu những nguyên tắc đủ mạnh. Không thể phủ nhận rằng, 11 năm qua, chúng ta đã tạo lập nên một TTCK hoàn toàn mới tại Việt Nam, một lớp DN trưởng thành mạnh mẽ cùng TTCK như ACB, SSI, REE, VNM, FPT, HAG… và hệ thống đông đảo nhà đầu tư, các định chế tài chính. Tuy nhiên, lẽ ra thị trường sẽ thành công hơn rất nhiều nếu nó luôn nằm trong tầm kiểm soát và những người tham gia không bị đẩy vào thế toàn "ăn xổi, ở thì". Sự phát triển quá nhanh về quy mô đã khiến TTCK có quá nhiều hàng hóa kém chất lượng, quá nhiều DN yếu kém và đây chính là nơi nảy sinh những mặt trái không kiểm soát được. Tình trạng giao dịch nội gián, lũng đoạn thông tin, câu kết làm giá như vụ DVD chẳng hạn đã làm suy giảm niềm tin thị trường. Xây dựng niềm tin là rất khó, nhưng để lấy lại niềm tin đã mất còn khó hơn rất nhiều.

Vậy theo ông, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

Nên bắt đầu từ việc lập lại quy chuẩn niêm yết và quy chuẩn kinh doanh trên TTCK. Một DN xứng đáng niêm yết là một DN đã xây dựng và thực thi một chuẩn mực về công bố thông tin minh bạch. Có thể trong giai đoạn đầu, TTCK cần hàng hóa nên tiêu chuẩn đưa ra còn thấp, nhưng nay khi số lượng đã nhiều và không tương xứng với chất lượng thì chúng ta phải định vị lại chất lượng hàng hóa. Cần tạo lập một quy chuẩn niêm yết cao hơn, trong đó yêu cầu minh bạch thông tin là quan trọng nhất. Nhà đầu tư cần nhận được thông tin đầy đủ về DN và bất cứ điều gì làm nhà đầu tư hiểu sai về DN đều phải được xử lý nghiêm khắc, công bằng. Quy chuẩn niêm yết không chỉ thực thi với các DN sắp niêm yết, mà với các DN đang niêm yết, cần có một lộ trình buộc họ phải tuân thủ. Thị trường cần một "bàn tay sắt" để lập lại quy chuẩn hoạt động, từ đó mới hy vọng khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư.

Tính đến tháng 6/2011, tức là sau 11 năm TTCK hoạt động, TTCK Việt Nam có trên 60% số CTCK bị lỗ lũy kế. Có phải môi trường kinh doanh quá khắc nghiệt nên khối công ty này có kết quả kinh doanh kém khả quan như vậy, thưa ông?

Khối CTCK và các tổ chức tài chính trung gian nói chung gặp khó khăn là do chiến lược phát triển hệ thống này không đúng. Trong bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào, khi mới thành lập, người sáng lập cũng xây dựng cho mình một kế hoạch kinh doanh khả thi, triển vọng, nhưng trong thực tế vận hành, việc thất bại là bình thường. Với TTCK, vấn đề là ở chỗ chúng ta đã để hơn 100 CTCK cùng hoạt động trong một thị trường còn rất hẹp, nên sự thua lỗ của phần lớn CTCK trở nên khốc liệt hơn, tạo ra nhiều hệ lụy hơn. Đã đến lúc chúng ta phải chuẩn hóa hoạt động của khối CTCK, đưa ra những tiêu chuẩn thế nào là một CTCK đủ điều kiện hoạt động. Chỉ khi hệ thống các định chế tài chính trung gian đủ mạnh thì TTCK mới có thể phát triển lành mạnh, vững bền.

Trong dự thảo Chiến lược Phát triển TTCK đến 2020, UBCK đề ra rất nhiều mục tiêu cần hướng tới. Với hoàn cảnh hiện tại, theo ông, mục tiêu nào là quan trọng nhất mà TTCK cần thực hiện?

Vai trò của TTCK là tạo kênh huy động vốn cho DN, tạo kênh đầu tư cho công chúng. Theo đó, mục tiêu quan trọng số 1 là phải tạo được hệ thống thị trường đủ minh bạch, một hệ thống DN có khả năng huy động vốn và sử dụng vốn hiệu quả. 11 năm qua, chúng ta luôn chạy theo mục tiêu quy mô, nhưng thực chất quy mô thị trường không phải là mục tiêu, đó chỉ là hệ quả của quá trình thực hiện mục tiêu. Cùng với việc phải xác định đúng mục tiêu cho TTCK, cần phải có giải pháp kịp thời, hợp lý để dẫn dắt thị trường thực hiện những mục tiêu này.

Dù có đặt ra đúng mục tiêu, nhưng thực hiện được hay không lại là câu chuyện khác khi cơ chế quản lý TTCK nói chung đang có nhiều bất cập. Ông nghĩ gì về thực tế này?

Cơ chế lúc nào cũng bất cập và ở đâu cũng bất cập. Nhưng nếu cứ đổ lỗi cho cơ chế là không biết cách làm việc. Con người không tạo ra được hoàn cảnh và người làm việc tốt là người luôn tìm ra cách vượt qua được những thách thức bên mình.

Giữ thị phần môi giới vốn ngoại lớn nhất, xin ông cho biết, thực trạng dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam? Việt Nam phải làm gì để thu hút dòng vốn này, thưa ông?

Hơn 1 năm gần đây hầu như không có vốn ngoại vào TTCK Việt Nam. Đây đó có một vài quỹ huy động được vốn, nhưng không đáng kể. Với những gì xảy ra tại Vinashin, nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lo ngại hơn khi xem xét rót vốn vào Việt Nam. Làm thế nào để dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam? Câu hỏi này nên tìm câu trả lời bằng câu hỏi làm thế nào để cải thiện định mức tín nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tường Vi thực hiện

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   CTCK: “Mắc cạn” với tín dụng chứng khoán (25/07/2011)

>   Khiếu kiện ORS: Lỗi không của riêng ai (23/07/2011)

>   6 tháng, UBCK đã xử phạt vi phạm hành chính gần 5,5 tỷ đồng (22/07/2011)

>   Nên sớm soát xét báo cáo tài chính theo quý (21/07/2011)

>   Mua hay Bán chứng khoán? (25/07/2011)

>   Mất chứng khoán vì cả tin và thiếu trách nhiệm? (20/07/2011)

>   Mời doanh nghiệp hiệu chỉnh Niên giám DNNY 2011 (Đợt 3) (19/08/2011)

>   Chứng chỉ toàn cầu, kênh vốn mới cho doanh nghiệp (18/07/2011)

>   Dấu ấn 11 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam (17/07/2011)

>   Ông chủ và những cổ phần cuối cùng phải bán (16/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật