Thứ Hai, 18/07/2011 16:26

Chứng chỉ toàn cầu, kênh vốn mới cho doanh nghiệp

Bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Tư vấn và Bảo lãnh phát hành CTCK Phú Hưng (PHS).

Trong bối cảnh vay vốn ngân hàng gặp khó, gọi vốn qua TTCK lại không thuận lợi, DN phải làm gì nếu muốn huy động vốn? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Tư vấn và Bảo lãnh phát hành CTCK Phú Hưng (PHS) về vấn đề này.

Trong hội thảo ngày 13/7/2011, bà đã khẳng định, DN có thể tìm đến kênh vốn ở chứng chỉ lưu ký (DRs). Cơ sở nào để bà đưa ra nhận định trên?

Trước hết, phải thấy rằng, DN muốn huy động vốn qua những kênh như ngân hàng, chứng khoán hiện đều rất khó khăn. Dù DN vay được từ ngân hàng, gánh nặng lãi vay sẽ đè nặng, đẩy DN vào rủi ro tài chính. Ở kênh chứng khoán, các đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn đã không còn dễ dàng. Cả khi phát hành được thì giá chào bán cũng rất thấp.

TTCK suy yếu cũng khiến kênh gọi vốn từ tổ chức nước ngoài không còn thuận lợi. Những rủi ro trên thị trường ngoại hối cũng là lý do để giới đầu tư ngoại e dè. Tuy nhiên, qua đầu tư DRs, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tránh được những rủi ro về tỷ giá. Sức hấp dẫn từ DRs vì thế mà tăng lên.

Với DN, nhất là DN Việt Nam, DRs là lối thoát cho vấn đề vốn. Chỉ cần thuyết phục được 1 trong số 4 ngân hàng là CitiBank, JP Morgan, Deutsche Bank, Bank of New York Merlon đứng ra bảo lãnh phát hành, DN có thể tiếp cận vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Cần lưu ý, người mua DRs đều là nhà đầu tư tổ chức. Vì thế, họ thường gắn bó với DN trong dài hạn. Trong khi đó, chi phí vốn từ kênh DRs lại thấp hơn rất nhiều so với niêm yết ở nước ngoài hay đi vay hiện nay. DN chỉ cần trả phí một lần cho ngân hàng phát hành DRs, còn những chi phí sau đó như chi phí chào bán, chi phí niêm yết… sẽ không phải chịu. Phát hành DRs là tăng vốn chủ sở hữu nên DN không chịu gánh nặng lãi suất.

Vì thế, xu hướng huy động vốn bằng DRs trên thế giới ngày một tăng. Theo báo cáo hoạt động DRs của JP Morgan, năm 2010, huy động vốn DRs của thế giới là 21,9 tỷ USD, tăng trung bình trên 20% trong 3 năm trở lại đây (2008 - 2010). Trong đó, Brazil, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ là 4 nước có tỷ lệ huy động vốn bằng DRs cao nhất (trên 1 tỷ USD).

Nhưng phát hành DRs không dễ. Bằng chứng ở Việt Nam, mới chỉ có Hoàng Anh Gia Lai thực hiện được?

Đúng là để lọt vào "mắt xanh" của các ngân hàng phát hành, DN cũng phải thỏa mãn một số tiêu chí liên quan đến lợi nhuận, cổ đông…

Tuy nhiên, theo tôi, quan trọng là tính hấp dẫn của cổ phiếu DN. Cổ phiếu có thuộc ngành tăng trưởng tốt, có tiềm năng không? Cổ phiếu có được nhà đầu tư trong nước đánh giá cao không? DN có chuyên nghiệp trong công bố thông tin không?

Quy mô vốn cũng là một vấn đề. Do ngân hàng phát hành phải chịu nhiều chi phí nên giá trị mỗi đợt huy động vốn DRs ít nhất phải từ 20 triệu USD (tương đương 400 tỷ đồng) mới được xem xét đến.

DN có thể dùng lượng cổ phiếu sẵn có để gom vào và thực hiện phát hành DRs hoặc phát hành thêm cổ phiếu mới. Tuy nhiên, khi phát hành mới, ngoài nỗi lo pha loãng cổ phiếu, DN phải chú ý đến yếu tố room nước ngoài. DN phải tính toán để tỷ lệ room được đảm bảo đúng theo luật định. Đây có thể là một rào cản cho DN.

Ngoài rào cản về quy mô, có rào cản nào nữa mà DN cần chú  ý khi muốn tiếp cận kênh vốn DRs?

Cũng có những rào cản khác nhưng tôi cho rằng, DN có thể chủ động khắc phục được. Chẳng hạn, DN đã có nền tảng về công bố thông tin và quan hệ với nhà đầu tư, giờ chỉ cần nâng hoạt động này lên mức chuyên nghiệp hơn thì công bố thông tin không phải là chuyện đáng ngại

Có cách nào để những DN chưa đủ hấp dẫn (như huy động vốn dưới 20 triệu USD hoặc không thuộc ngành nghề tốt…) có thể tiếp cận được kênh huy động DRs?

Hiện tại thì hơi khó, nhưng về lâu dài thì không phải không được. DN có thể liên kết để tăng quy mô, trở thành những mục tiêu hấp dẫn hơn.

Với những DN chưa tạo được chú ý vì ở những ngành không được quan tâm hoặc đạt con số lợi nhuận chưa ấn tượng, DN có thể vận động tích cực hơn để trở nên hấp dẫn trong dài hạn. Hãy tưởng tượng DN như cô gái trước khi chọn chồng, để chọn ra được đức lang quân vừa ý, cần phải có sự đầu tư thích hợp từ ăn mặc, sức khỏe đến sắc vóc, tính tình… Nếu DN vận động tích cực để chuyển biến tốt hơn, DN đó chắc chắn sẽ được chú ý, không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài.

Hoạt động của DN sẽ chịu những thay đổi gì sau khi phát hành DRs?

Tôi nghĩ không có ảnh hưởng gì nhiều vì DN không phải chịu gánh nặng về chi phí. DRs không buộc DN phải tuân thủ các quy định sau niêm yết. Có chăng, DN sẽ phải công bố thông tin trên cả 2 nơi, quan hệ cổ đông phức tạp hơn.

Đại Nghĩa thực hiện

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Dấu ấn 11 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam (17/07/2011)

>   Ông chủ và những cổ phần cuối cùng phải bán (16/07/2011)

>   Trading theo sóng Elliott: “Mua tại đáy sóng 4”, “Bán tại đỉnh sóng 5” (15/07/2011)

>   Nhận diện “phần chìm” của hoạt động bán khống (15/07/2011)

>   Sẽ công bố DN niêm yết có khả năng phá sản (15/07/2011)

>   6 tháng, tăng 47,000 tài khoản giao dịch chứng khoán (13/07/2011)

>   Giá chứng khoán đã thấp, nhưng còn tiếp tục sụt giảm? (12/07/2011)

>   Sự chuyển hướng của dòng vốn ngoại (12/07/2011)

>   Có 20% vốn mới được bảo lãnh phát hành trái phiếu (09/07/2011)

>   Giải thưởng Báo cáo thường niên: Làm sao để đạt (08/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật