Phí ứng trước tiền bán chứng khoán sẽ không chịu VAT
Câu hỏi của các CTCK và thị trường về khoản phí ứng trước tiền bán chứng khoán có bị đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) hay không đã bước đầu có lời đáp, khi một lãnh đạo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, về cơ bản, khoản phí này không phải chịu VAT. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn chờ lãnh đạo Bộ Tài chính phê duyệt.
Sau những thông tin trái chiều về hướng dẫn của Bộ Tài chính thu 10% thuế VAT với khoản phí ứng trước tiền bán chứng khoán, các CTCK bị rơi vào tình trạng "mất ăn mất ngủ", bởi trong lúc kinh doanh thua lỗ triền miên, nếu phải chi trả thêm khoản thuế này, thì gánh nặng thua lỗ lại càng trĩu nặng. Thực tế, quá sốt ruột trước câu hỏi có phải đóng khoản thuế này không, một số CTCK đã chuyển thắc mắc lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Vụ Chính sách thuế và đề nghị sớm có câu trả lời cuối cùng cho khúc mắc này.
Theo các CTCK, khi bán chứng khoán, với quy trình thanh toán hiện tại, phải sau 3 ngày làm việc, tiền bán chứng khoán mới về tài khoản của NĐT. Tuy nhiên, do cần tiền để chi tiêu hay mua tiếp chứng khoán, nên NĐT muốn sử dụng ngay khoản tiền này. Với đặc thù này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), cho rằng, bản chất của nghiệp vụ ứng trước tiền bán chứng khoán là dịch vụ cấp tín dụng, bởi muốn sử dụng ngay khoản tiền sau khi bán chứng khoán, NĐT phải vay từ CTCK với tài sản thế chấp chính là dòng tiền bán chứng khoán sắp về tài khoản. Do các CTCK phải thu xếp vốn cho NĐT vay, nên họ thu phí với mức biến động tuỳ theo lãi suất vay từ các ngân hàng thương mại, hoặc các tổ chức tài chính khác. Hoạt động ứng trước tiền bán chứng khoán diễn ra phổ biến và gắn chặt với nhiều giao dịch trên thị trường. Bởi vậy, không nên máy móc cho rằng đây không phải là nghiệp vụ chứng khoán, để đưa ra quyết định thu thuế.
"VAFI đề nghị UBCK nên có văn bản gửi Bộ Tài chính để xác nhận rằng, cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán là nghiệp vụ kinh doanh của CTCK. Bởi vậy, không nên thu thuế VAT, để hỗ trợ TTCK trong bối cảnh rất khó khăn hiện tại", ông Hải đề xuất.
Một quan chức UBCK cho biết, gần đây, UBCK nhận được khá nhiều phản ánh của các CTCK liên quan đến việc thu thuế VAT đối với khoản phí ứng trước tiền bán chứng khoán. Trong đó, các CTCK cho rằng việc thu VAT đối với dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán là chưa phù hợp. Mặt khác, trong bối cảnh hàng loạt CTCK đối mặt với thua lỗ nặng nề hiện tại, nếu thu khoản thuế này sẽ ngay lập tức đẩy nhiều CTCK đứng trước nguy cơ cạn kiệt thanh khoản, tác động tiêu cực đến TTCK vốn liên tục suy giảm từ đầu năm đến nay. UBCK đã chuyển kiến nghị của các CTCK về đầu mối là Vụ Chính sách thuế, để có giải đáp thoả đáng cho các CTCK.
Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo Vụ Chính sách thuế, cho biết, qua nghiên cứu các quy định của pháp luật về thuế VAT, cũng như pháp luật về chứng khoán và các quy định liên quan, nhất là xem xét thực tiễn các CTCK thu phí ứng trước tiền bán chứng khoán cho NĐT trong bối cảnh TTCK khó khăn hiện tại, cơ quan quản lý nhận thấy bản chất của việc thu phí này là hoạt động cung cấp tín dụng. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về thuế VAT, thì các đối tượng không phải chịu thuế VAT gồm: các dịch vụ cấp tín dụng như cho vay; chiết khấu và tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh; cho thuê tài chính và các hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật do các tổ chức tài chính, tín dụng tại Việt Nam cung ứng. Như vậy, việc các CTCK thu phí ứng trước tiền bán chứng khoán cho NĐT được coi là hoạt động cấp tín dụng, nên không phải chịu thuế VAT. Tuy nhiên, để đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này, Vụ Chính sách thuế đang tham vấn thêm ý kiến các chủ thể liên quan trước khi trình lãnh đạo Bộ phương án cuối cùng để xem xét, quyết định.
Hữu Đạo
đầu tư chứng khoán
|