M&A lĩnh vực ngân hàng bắt đầu nổi sóng
Mặc dù TTCK nói chung đang khá trầm lắng, nhưng thực tế hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang dần sôi động. Một số ngân hàng nhỏ đã tìm cách kêu gọi cổ đông lớn để hoàn tất kế hoạch tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay.
Việc tăng vốn theo lộ trình tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP đáng ra đã khép lại vào cuối năm trước, song do một số nhà băng nhỏ không đủ lực tăng vốn trước diễn biến thị trường khó khăn nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép gia hạn đến cuối năm 2011. Nhưng không phải vì thế mà việc tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng ở một số ngân hàng nhỏ diễn ra suôn sẻ, bởi giá cổ phiếu ngân hàng vẫn trong tình trạng sụt giảm khi diễn biến TTCK không thuận lợi. Nhà đầu tư ít quan tâm đến cổ phiếu nhà băng.
Vì thế, việc tăng vốn của một số ngân hàng nhỏ phải trông chờ vào cổ đông lớn hiện hữu, cũng như kỳ vọng thu hút thêm cổ đông chiến lược mới trong và ngoài nước. Đơn cử như OCB, với mức vốn điều lệ 2.600 tỷ đồng trong đầu năm 2010, Ngân hàng đã lên kế hoạch nâng lên 3.000 tỷ đồng. Trong đó, một phần vốn được bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài sẵn có là BNP Paribas (PNPP). Đầu tháng 7/2011, kế hoạch này của OCB đã được NHNN chấp thuận.
Mới đây, SouthernBank và VIBank cũng được Thống đốc NHNN ra văn bản chấp thuận về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Theo đó, SouthernBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 3.049 tỷ đồng lên trên 3.212 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ cho UOB với tỷ lệ sở hữu cổ phần là 20% vốn điều lệ của SouthernBank, thay vì 15% trước đó. Tương tự, VIB cũng vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ mức 4.000 tỷ đồng lên 4.250 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ cho Commonwealth Bank (CBA), với tỷ lệ sở hữu cổ phần CBA được nâng từ 15% lên 20% vốn điều lệ của VIBank…
Bên cạnh đó, mới đây còn có một số thương vụ M&A giữa ngân hàng cổ phần trong nước với các tập đoàn tài chính nước ngoài như: IFC mua 10% của Vietinbank (CTG). Đồng thời, Vietinbank dự định bán tiếp 15% cổ phần cho Bank of Nova Scotia của Canada vào quý III/2011. CTG dự kiến mua 30% cổ phần tại Ngân hàng phát triển Lào; ABBank bán 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho IFC và Maybank; Shinhan Financial Group (SFG) quyết định sẽ mua lại toàn bộ cổ phần của VCB trong Shinhan Vina Bank…
Thế nhưng, sau giai đoạn khủng hoảng tài chính, việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài không còn dễ như trước, nhất là đối với các nhà băng nhỏ. Vì thế, không ít nhà băng đã tìm đến các cổ đông có tiềm lực lớn trong nước.
Điển hình như Ngân hàng G có trụ sở tại TP. HCM, sau khi cổ đông nhà nước là Vietcombank (VCB) thoái vốn, nhà băng này đã nhanh chóng tìm được đối tác nặng ký ở thị trường nội địa là một tập đoàn trong lĩnh vực quản lý quỹ và kinh doanh chứng khoán. Tỷ lệ nắm giữ của các thành viên trong tập đoàn trên ở Ngân hàng G dù không được tiết lộ công khai, nhưng theo một nguồn tin đáng tin cậy thì lượng cổ phần mà hai bên đã thỏa thuận mua bán chiếm gần 30% vốn điều lệ của Ngân hàng. Do đó, trong ĐHCĐ Ngân hàng G diễn ra vào tháng 4/2011, một đại diện tập đoàn trên đã được bầu làm thành viên HĐQT của nhà băng này.
Hiện vốn điều lệ của Ngân hàng G vẫn ở mức 2.000 tỷ đồng, nhưng kế hoạch tăng lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay khi lộ trình tăng vốn theo Nghị định 141 khép lại là điều được HĐQT nhà băng khẳng định chắc chắn kể từ sau khi có sự góp vốn của cổ đông lớn nói trên.
Xu hướng M&A trong ngành ngân hàng đang có dấu hiệu tăng lên, dù các thương vụ mua bán với cổ đông trong nước chưa được công bố một cách công khai, minh bạch. Với Thông tư số 04/2010/TT-NHNN quy định về việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng, các chuyên gia trong lĩnh vực M&A cho rằng, khung pháp lý M&A ở ngành ngân hàng đã rõ ràng hơn so với trước. Khi cạnh tranh trên thị trường ngày một gay gắt, các ngân hàng, nhất là các đơn vị có quy mô nhỏ phải tái cấu trúc lại hoạt động, do đó việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại là tất yếu.
MekongBank (MDB) là một điển hình sau khi bán cổ phần cho MSB cùng nhóm cổ đông lớn của nhà băng này gần 49%, ngân hàng này đã bán tiếp cho đối tác chiến lược nước ngoài là Công ty Đầu tư tài chính Fullerton Financial Holdings (FFH) - thuộc Tập đoàn Temasek Holdings Pte.Ltd (Singapore) 15% số cổ phần vào cuối năm qua. Đồng thời, MDB và đối tác trên có kế hoạch nâng mức sở hữu này lên 20% trong năm 2011. Đây cũng là một sự kiện đánh dấu thành công của MDB trong nỗ lực tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng.
Hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng là một xu hướng tất yếu, nhưng theo TS. Nguyễn Mạnh Dũng, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, cho dù đang khá sôi động và Thông tư 04 đã quy định những hành lang pháp lý cơ bản cho hoạt động này, nhưng những quy định cần cụ thể hơn và ý chí của các cơ quan quản lý cũng cần quyết liệt hơn. Chỉ có như vậy, hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng mới phát triển theo hướng công khai hơn.
Một lãnh đạo của NTK Capital Partners cũng nhận định, M&A lĩnh vực ngân hàng đã diễn ra khá lâu và tiếp tục có sóng ngầm trên thị trường, nhưng hiện chỉ mới dừng lại ở việc mua được một tỷ lệ cổ phần nhất định và chưa có nhà băng nào sáp nhập hoặc mua lại toàn bộ ngân hàng khác. Bởi với quy định hiện nay, việc mua lại toàn bộ một ngân hàng là không dễ dù đây là lĩnh vực được nhiều người quan tâm.
Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán
|