Thứ Hai, 18/07/2011 14:16

M&A đang lấn sâu vào Việt Nam

Thương vụ mua bán giữa CJ-CGV (Hàn Quốc) với Envoy Media Partners (quần đảo Virgin) chưa hoàn tất, song đây là dấu hiệu cho thấy, xu hướng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đang tiếp tục lấn sâu vào Việt Nam.

Xác nhận thông tin hệ thống rạp chiếu phim Megastar sắp đổi chủ, đại diện truyền thông của Công ty Truyền thông Megastar cho biết, thương vụ mua bán giữa CJ-CGV (Hàn Quốc) với Envoy Media Partners (EMP - quần đảo Virgin) sẽ hoàn tất trong vòng một tháng nữa. Khi đó, CJ-CGV, nhà quản lý và điều hành chuỗi rạp hát đa năng lớn nhất Hàn Quốc, sẽ nắm giữ 80% cổ phần trong Megastar. 20% cổ phần còn lại thuộc về Công ty Văn hóa Phương Nam.

Chi tiết thương vụ này chưa được Megastar tiết lộ, song theo báo chí Hàn Quốc, CJ-CGV đã chi khoảng 73,6 triệu USD để có quyền điều hành hệ thống rạp chiếu phim hiện đang “ăn nên làm ra” nhất ở Việt Nam này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cho rằng, đó là câu chuyện rất bình thường trong nền kinh tế thị trường và luật pháp Việt Nam cũng không có điều khoản nào cấm việc chuyển nhượng cổ phần giữa các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước.

Vấn đề còn lại chỉ là, nếu Megastar thay đổi pháp nhân, thì sẽ phải làm một số thủ tục liên quan tới chuyện này, cũng như phải nộp một khoản thuế chuyển nhượng và đảm bảo tính hợp pháp của thương vụ.

“Chúng tôi sẽ hoàn tất mọi thủ tục cần thiết mà các cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu”, đại diện truyền thông của Megastar nói và cho biết, việc chuyển đổi này sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống rạp Megastar tại Việt Nam.

Trong khi đó, lãnh đạo Công ty Văn hóa Phương Nam (PNC) khẳng định, sẵn sàng hợp tác cùng CJ-CGV để tiếp tục phát triển hoạt động của Megastar tại Việt Nam.

Như vậy, có thể nói, cho tới thời điểm này, thương vụ giữa CJ-CGV và EMP đã cơ bản hoàn tất. Thực sự thành công hay không còn phụ thuộc sau này, CJ-CGV sẽ điều hành cụm rạp Megastar ra sao, nhưng rõ ràng, thương vụ này đã đặt thêm một viên gạch nữa để “lát” cho con đường M&A, được cho là đang lấn sâu vào Việt Nam.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều thương vụ M&A đã được các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thành công ở Việt Nam. Không chỉ với các dự án đã hoạt động tốt, ngay cả các dự án mới đang nhăm nhe thực hiện, cũng đã có các nhà đầu tư “đặt gạch”. Chẳng hạn, China Steel sẽ mua 5% cổ phần trong siêu dự án thép Formosa. Hay Posco (Hàn Quốc), CIC (Trung Quốc) cũng đã bỏ tiền để được tham gia Dự án Nhiệt điện Mông Dương 2…

“Sẽ ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam bằng M&A, bởi đây là con đường nhanh chóng, hiệu quả để thâm nhập thị trường Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cam kết WTO có hiệu lực, việc thành lập doanh nghiệp mới gặp rất nhiều rào cản”, ông Vũ Bá Phú, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã từng nhận định.

Đồng quan điểm, GS-TSKH Nguyễn Mại cũng cho rằng, đầu tư theo cách mà CJ-CGV đang thực hiện dễ hơn nhiều so với việc đầu tư một dự án mới. “Một bên muốn bán, một bên muốn mua. Họ có tiền và sẵn sàng đầu tư. Họ sẽ chỉ mất vài tháng để thương lượng chuyện mua bán, trong khi đầu tư dự án mới thì vừa mất công làm thủ tục, rồi còn xây dựng cụm rạp, điều hành…”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói và cho rằng, M&A sẽ ngày càng rõ nét hơn ở Việt Nam và đây là phương thức đầu tư nhanh nhất, hiệu quả nhất, tất nhiên, với điều kiện nhà đầu tư phải tìm được dự án tốt.

Nếu xét trên khía cạnh này, có thể nói, Megastar cũng là một dự án tốt. Bắt đầu hoạt động từ năm 2006, với vốn đầu tư ban đầu khoảng 8 triệu USD, đến nay, Megastar đã có hệ thống 7 cụm rạp, với 54 phòng chiếu phim ở Việt Nam. Theo báo FilmBiz (Hàn Quốc), Megastar hiện chiếm khoảng 60% thị phần tại Việt Nam, với doanh thu năm 2010 đạt 23 triệu USD và tổng tài sản ước tính 38 triệu USD.

Cũng theo thông tin của tờ báo này, việc mua lại Megastar là bước đi tiếp theo của CJ-CGV trong chiến lược mở rộng thị trường ra nước ngoài, sau khi đã mở một rạp quy mô nhỏ ở khu Koreatown tại Los Angeles (Mỹ) và 5 rạp khác tại Trung Quốc. CJ-CGV đang vận hành chuỗi rạp phim đa năng lớn nhất Hàn Quốc, với hàng chục cụm rạp, chiếm gần 30% thị phần ở đất nước này. Mức vốn hóa thị trường của CJ-CGV được đánh giá khoảng 400 triệu USD

Nguyên Đức

đầu tư

Các tin tức khác

>   Khi DTA không thèm “bán lẻ” cổ phần (17/07/2011)

>   22/07, DHG niêm yết 38 triệu cổ phiếu thưởng (16/07/2011)

>   AMV, VIR nộp hồ sơ phát hành 3.14 triệu cổ phiếu (15/07/2011)

>   Maritime Bank được chào bán 200 triệu cổ phiếu ra công chúng (15/07/2011)

>   ACL, CAD, SHI: Nộp hồ sơ phát hành hơn 21 triệu cp (15/07/2011)

>   TSB, CMC được chào bán hơn 7 triệu cổ phiếu (14/07/2011)

>   Nhà đầu tư phía sau các thương vụ M&A ngân hàng (14/07/2011)

>   STB được chào bán hơn 156 triệu cổ phiếu (13/07/2011)

>   “Quả đắng” với trái phiếu chuyển đổi của REE (13/07/2011)

>   DTL chuyển đổi 100 tỷ đồng trái phiếu giá 15,867 đồng/cp (13/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật