Nhà đầu tư phía sau các thương vụ M&A ngân hàng
Mua bán và sáp nhập (M&A) ngân hàng, từ bề chìm đến bề nổi, vì sao lại nhộn nhịp trong lúc này? Sự nhộn nhịp bắt nguồn từ yếu tố tiên quyết là giá cả.
Sự thay đổi một cách căn bản cơ cấu cổ đông của VPBank năm 2010 có thể xem như cột mốc đầu tiên đánh dấu trào lưu thâu tóm, sáp nhập ngân hàng của thập kỷ mới. Không ít doanh nghiệp Việt Nam thành đạt ở nước ngoài đã trở thành các chủ nhân ông của một số ngân hàng cổ phần. Họ không phải những nhà đầu tư tài chính, họ nắm cổ phần chi phối, tham gia điều hành và với năng lực thực sự cũng như phong cách kinh doanh dám đầu tư cho nhân lực, họ đang thổi một luồng gió mới vào lĩnh vực ngân hàng. Làn gió ấy có thể không phải lúc nào cũng vi vu, nhưng ít nhất nó đáng được thử nghiệm.
Sau VPBank giới tài chính chứng kiến sự thoái vốn của Vietcombank (VCB) ở Ngân hàng Gia Định (GiaDinhBank), những cuộc mua bán cổ phiếu dẫn đến “thay chủ” ở ngân hàng H, ngân hàng D. Quy mô những cuộc chuyển nhượng phần lớn đều từ vài chục phần trăm vốn mỗi ngân hàng trở lên. Các ngân hàng nhỏ, vốn điều lệ thấp, lợi nhuận thấp được mua đã đành. Các ngân hàng cổ phần lớn cũng không nằm ngoài tầm ngắm của giới đầu tư.
M&A ngân hàng, từ bề chìm đến bề nổi, vì sao lại nhộn nhịp trong lúc này? Sự nhộn nhịp bắt nguồn từ yếu tố tiên quyết là giá cả. Chưa bao giờ cổ phiếu ngân hàng rẻ như thế. Mà ngân hàng đâu có lỗ, lợi nhuận hầu như tăng đều. Cao thì 30-40%/năm, thấp cũng 10%/năm. Ngân hàng kém hiệu quả chia cổ tức 3-5%, ngân hàng lời nhiều chia tới 30% tiền mặt. Chưa kể nhiều ngân hàng 15-20 năm xây dựng thương hiệu, mạng lưới, đội ngũ khách hàng. Ấy thế mà giá giao dịch toàn thấp hơn giá trị sổ sách. Cái giá cổ phiếu ngân hàng hiện nay đã vậy, còn chiết khấu trong nó những chi phí thủ tục thành lập, gầy dựng khai trương, tìm kiếm khách hàng.
Hơn nữa các ông chủ thật sự đa phần gắn bó với ngân hàng, nắm quyền điều hành, kiểm soát. Đảm bảo ngân hàng sinh lời, trước hết chính là đảm bảo quyền lợi thiết thân của họ.
Vì thế, cổ đông nắm quyền chi phối ở các ngân hàng thường không đơn lẻ. Họ là nhóm cổ đông, nhóm lợi ích liên quan. Nắm quyền kiểm soát một ngân hàng bao giờ cũng là những cổ đông có tiềm lực tài chính mạnh.
Trong những cuộc M&A ngân hàng mới đây, có những ông chủ ngân hàng công khai, và có cả giấu mặt. Những nhóm nhà đầu tư đứng ra mua bán cổ phiếu ngân hàng chưa hẳn là mua bán cho họ. Trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, kể từ khi Sài Gòn Công thương (Saigonbank) là tổ chức tín dụng cổ phần đầu tiên ra đời những năm đầu thập niên 1990, đã có không ít trường hợp cổ đông đứng tên hộ cho nhau. Ở những trường hợp đó, chủ nhân thực của ngân hàng chỉ có một, hai nhân vật.
Còn nhớ một trong những lý do khiến Ngân hàng Mê Kông bị giải thể là do cổ đông đứng tên cho nhau và cho một số người không xuất hiện. Ông Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Mê Kông thời ấy, nhiều năm trước đã cho đó là một bài học xương máu mà các tổ chức tín dụng không nên lặp lại.
Chuyện thay đổi cơ cấu cổ đông ngân hàng là bình thường nếu sự “đổi ngôi” mang lại lợi ích cho các bên và làm ngân hàng lớn mạnh. Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank (STB), người 20 năm gắn bó với ngân hàng từ khi còn là hợp tác xã tín dụng, tâm sự những thành viên sáng lập sẵn sàng “chuyển giao quyền lực” nếu những người mới có năng lực, trình độ, tâm huyết. Nhưng nếu người mới không thể hiện được những phẩm chất đó, làm sao có thể đưa họ vào vị trí điều hành?
Chính vì thế những ai là người đang mua ngân hàng thực sự, những ai đứng đằng sau các nhóm nhà đầu tư mới là vấn đề được xã hội, cơ quan quản lý nhà nước quan tâm. Ngân hàng là xương sống, là rường cột, giữ vai trò trọng yếu trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế mà thị trường chứng khoán chưa đủ khả năng sẻ chia.
Theo quy định pháp lý, một nhà đầu tư không được nắm giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngân hàng. Trên thực tế, tình trạng đó vẫn đang tồn tại. Việt Nam liệu đã có những nhà đầu tư trong nước với tiềm lực tài chính tầm cỡ đến mức là cổ đông chi phối của nhiều ngân hàng? Nếu chưa, họ có thể sẽ là ai? Nếu rồi, họ là ai? Chỉ bộ phận thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng những cơ quan khác, mới có thể trả lời.
Một nhà đầu tư trong số các nhóm nhà đầu tư mua cổ phiếu ngân hàng cho biết “tôi kinh doanh, chỗ nào có lời tôi mua”. Ông tin trong vòng hai ba quí nữa, cổ phiếu ngân hàng sẽ có một giá trị khác. Cơ hội này bao nhiêu năm nữa mới lại đến?
Những người như ông là nhân tố góp phần thúc đẩy sự dịch chuyển của dòng vốn. Nơi nào trũng, vốn chảy lại. Nay mua, mai có lời bán đi. Không tham vọng tham gia điều hành, thâu tóm ngân hàng. Đấy là một đặc thù đầu tư khác. Những nhà đầu tư như ông là bước chuyển tiếp đến những đối tác M&A thật. Những đối tác phía sau cho đến giờ mới thấp thoáng phía xa xa!
Không ít doanh nghiệp Việt Nam thành đạt ở nước ngoài đã trở thành các chủ nhân ông của một số ngân hàng cổ phần. Họ đang thổi một luồng gió mới vào lĩnh vực ngân hàng. Làn gió ấy có thể không phải lúc nào cũng vi vu, nhưng ít nhất nó đáng được thử nghiệm. |
Hải Lý
tbktsg
|