Thứ Tư, 27/07/2011 09:26

Bất động sản đóng băng kéo dài:

Khách hàng ồ ạt đòi tiền góp vốn dự án

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, nhiều nhà đầu tư lâu nay góp vốn hoặc cho chủ đầu tư vay (để được quyền mua căn hộ, đất nền), nay tìm mọi cách đòi tiền, tháo chạy khỏi thị trường...

Đòi tiền vì tiến độ chậm

Anh Tuấn Việt - người mua căn hộ CT1 tại dự án Vân Canh cho biết: “Tôi đặt cọc 25% tương ứng với 248.875.000 VND trị giá căn hộ tại dự án CT1 AZ Vân Canh từ tháng 1- 2010. Trong biên bản hợp đồng vay tiền có ghi tháng 4-2010 khởi công nhưng chờ đến gần một năm sau (16-7-2011) phía Cty AZ Land mới làm lễ khởi công.

Khách hàng góp vốn dự án CT1 Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) đòi tiền vì chậm khởi công.

Trong bối cảnh thị trường BĐS ảm đạm như hiện nay, chúng tôi có quyền lo lắng khi số tiền đem ra đặt cọc là tiền vay ngân hàng, nếu dự án chậm triển khai như vậy thì chúng tôi chỉ còn biết nai lưng ra trả lãi ngân hàng”.

Anh Việt và hàng chục khách hàng tại dự án CT1 Vân Canh vẫn quyết thanh lý hợp đồng mua bán với chủ đầu tư vì nghi ngờ tính khả thi của dự án. “Không ai bảo đảm một dự án đã chậm khởi công đến cả năm thì sẽ không chậm bàn giao cho khách hàng đến vài năm. Lúc đó chỉ khách hàng thiệt, nên bây giờ dù có bị phạt khi rút tiền cọc thì tôi cũng sẵn sàng rút” - một khách hàng tại CT1 Vân Canh nói.

Tương tự như dự án CT1 Vân Canh, hàng chục khách hàng “đứng ngồi không yên” khi góp tiền tỷ vào dự án CT2 Vân Canh cũng do Cty AZ Land làm chủ đầu tư. Anh Đinh Tiến, một khách hàng cho hay: “Tôi đã góp mấy trăm triệu đồng vào dự án CT2 Vân Canh nhưng đợi mãi không thấy dự án khởi công. Tôi cũng đăng tin rao bán lại căn hộ trên mạng, chấp nhận lỗ cả trăm triệu đồng nhưng cả tháng không ai hỏi, nên chỉ còn cách đòi lại tiền đã đóng cho chủ đầu tư”.

Vừa qua, hàng chục khách hàng tại dự án Mulberry Lane (Mỗ Lao, Hà Đông) kiện chủ đầu tư là Cty TNHH Capitaland Hoàng Thành đòi tiền đặt cọc lên tới hàng chục tỷ đồng.

Ông Dương Đức, một khách hàng nói: “Chúng tôi quyết định khởi kiện chủ đầu tư vì đã huy động vốn của chúng tôi từ lâu mà không triển khai hạ tầng dự án và chưa khởi công xây móng tòa nhà, chẳng khác gì bán nhà trên giấy. Còn số tiền đó không biết họ dùng vào việc gì? Bên cạnh đó chúng tôi còn phải thanh toán bằng USD với số tiền chênh lệch tỷ giá lên tới hàng tỷ đồng. Việc này vi phạm quy định về ngoại hối của pháp luật Việt Nam”.

Ông Đức đã ký thỏa thuận đặt cọc cho Cty Capitaland Hoàng Thành 27.082 USD tương ứng hơn 348 triệu đồng, trên tổng số tiền phải đóng 270.820 USD.

Không trả nổi

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Viết Sơn - Chủ tịch HĐQT Cty bất động sản AZ, cho biết: “Trong bối cảnh khó khăn chung về vốn như hiện nay, chúng tôi rất cố gắng triển khai dự án CT1 Vân Canh. Nếu như thực sự khách hàng có ý định đòi lại tiền đặt cọc thì tôi sẵn sàng đàm phán”.

“Nếu khách hàng đòi trả ngay lập tức hết toàn bộ hợp đồng thì rất khó cho Cty. Với tình hình tài chính nói chung của các ngành sản xuất, nhất là với bất động sản đang hết sức khó khăn, vì chính sách tín dụng bị thắt chặt, lãi suất ngân hàng quá cao. Nếu nhiều người cùng yêu cầu thanh toán như vậy, thì ngay trong 1 ngày, thậm chí 1 tuần Cty cũng không thể trả nổi” - ông Sơn nói.

Liên quan đến vụ kiện của khách hàng tại dự án Mulberry Lane, Luật sư Bùi Quang Hưng - Trưởng Văn phòng Luật sư BQH và cộng sự cho biết: “Sau khi chúng tôi gửi hồ sơ lên TAND quận Hà Đông nhưng không được thụ lý nên chúng tôi gửi tiếp hồ sơ lên TAND TP Hà Nội và đang chờ phía tòa án thành phố tiếp nhận”.

Theo ông Hưng, nếu hợp đồng vay vốn giữa khách hàng với chủ đầu tư có thời hạn thì khách hàng có thể đòi lại tiền đặt cọc còn với hợp đồng góp vốn không quy định thời hạn thì khách hàng phải đóng theo tiến độ dự án để hoàn thành hợp đồng mua bán và không đòi lại được tiền đã đóng.

Theo nhiều chuyên gia BĐS, trong bối cảnh chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, chủ đầu tư còn đang gặp khó khăn về vốn để thi công dự án, thì lấy đâu ra tiền trả lại cho khách hàng. Nếu có tiền, họ cũng không dám trả lại vì sẽ tạo ra một làn sóng nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường thì gay go.

Ngọc Mai

tiền phong

Các tin tức khác

>   Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Hà Nội mở rộng (27/07/2011)

>   Đầu cơ BĐS thứ cấp ở Đà Nẵng: Bán tháo cũng khó (27/07/2011)

>   Bến xe miền Đông sẽ được dời ra khu giáp ranh Q.9 và Bình Dương (26/07/2011)

>   Tiếp cận đất đai: Nhà đầu tư sẽ “dễ thở” hơn? (26/07/2011)

>   Tiền thuê đất tăng: Bộ làm căng, tỉnh tìm cách lách (26/07/2011)

>   Kiểm tra việc chuyển nhượng vốn tại Saigon Water Park (26/07/2011)

>   Thuế chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua căn hộ: Ngâm hồ sơ vì... rối (26/07/2011)

>   Cần một hệ thống tài chính chính thức cho thị trường BĐS (25/07/2011)

>   Không nên gắn biệt thự, khu đô thị với sân golf (25/07/2011)

>   Chết vì… 'đua đòi' lướt sóng bất động sản (25/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật