Đua nhau mở khu công nghiệp rồi… bỏ trống?
Phát triển ồ ạt khu công nghiệp cùng sự thiếu liên kết và tầm nhìn xa, khiến tình trạng đất đai bỏ hoang hóa, lãng phí, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông trong khu vực có các khu, cụm công nghiệp.
Hiện cả nước có hơn 254 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), với diện tích khoảng 68.000 ha. Trong đó có 171 khu đã đi vào hoạt động, thu hút trên 8.500 doanh nghiệp với tổng vốn trên 70 tỷ USD. Nhưng con số KCN vẫn chưa dừng lại ở đó, bởi quy hoạch đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 106 KCN mới và 26 KCN được mở rộng thêm.
Tuy nhiên, theo TS Trần Kim Hào, Tổ biên tập Đề án “Phát triển cụm ngành công nghiệp, KCN gắn với phát triển CN hỗ trợ, tạo mạng liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị”, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, hiện tỷ lệ lấp đầy tại các KCN mới chỉ trên 60%, tại các cụm CN là 26,4%. Như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ một KCN lấp đầy là KCN Đông Xuyên - Phú Mỹ 1, có tới ba KCN chưa cho thuê được, còn lại mới cho thuê hơn nửa diện tích.
Tại Đà Nẵng, KCN Hòa Khánh mới cho thuê được 12%; KCN Liên Chiểu chỉ lấp đầy 47%. Một khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ cho thấy, các KCN mới của ĐBSCL chỉ cho thuê được hơn 22% diện tích.
Chưa kể hàng loạt KCN hoang hóa, các doanh nghiệp ở các KCN hiện phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm, tách biệt giữa phát triển của KCN với phát triển CN hỗ trợ. TS Hồ Thị Mai Sương (Trường ĐH Thương mại), phân tích, ngành CN hỗ trợ thời gian qua phát triển rất thấp. Hầu hết các doanh nghiệp đều phải nhập nguyên liệu, phụ kiện ở nước ngoài. Như CN hỗ trợ cho ô tô mới đạt tỷ lệ nội địa khoảng 5 - 10%, cung cấp vài sản phẩm đơn giản, giá trị thấp như bộ dây điện, ghế ngồi, một số chi tiết bằng nhựa hoặc kim loại. Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành điện - điện tử cũng chỉ đạt 20 - 40%. Dệt may, giày gia dù đứng trong “top” dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu nhưng vẫn phải nhập 70 - 80% nguyên liệu…
Nếu không hướng đến một loại hình KCN công nghệ cao, tăng cường CN hỗ trợ, Việt Nam mãi mãi chỉ là nơi “gia công” hàng hóa cho nước ngoài.
Tại hội thảo “Phát triển cụm ngành CN, KCN gắn với phát triển CN hỗ trợ, tạo liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị” do Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp quốc (UNIDO) tổ chức ngày 27/7 tại Đà Nẵng, các chuyên gia trong và ngoài nước hiến kế, muốn phát triển CN hỗ trợ, Việt Nam cần xây dựng những KCN mang “tiêu chuẩn toàn cầu” mới cạnh tranh được với các nước trên thế giới. Đặc biệt, ngoài hạ tầng, chính sách, phải đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao, có trình độ ngoại ngữ để phục vụ nhu cầu dùng người của doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam.
Đoàn Nguyên
đất việt
|