Đấu giá khu đất vàng 164 Đồng Khởi
Không gian kiến trúc nào cho khu vực?
UBND TP.HCM vừa giao nhiệm vụ cho sở Văn hoá – thể thao và du lịch (VH – TT&DL) chuẩn bị phương án di dời văn phòng làm việc của sở sang khu số 3 Phan Văn Đạt (quận 1) để UBND TP.HCM xin chủ trương bán đấu giá khu đất trụ sở của sở này tại 164 Đồng Khởi, quận 1, nhằm tạo nguồn vốn đầu tư các dự án về thể dục thể thao và văn hoá.
Khu đất 164 Đồng Khởi là khu đất nằm ở vị trí đắc địa ngay trung tâm TP.HCM, có diện tích hơn 7.000m2, được bao bọc bởi các đường Nguyễn Du, Đồng Khởi và Lý Tự Trọng. Trong đó, diện tích đất của sở VH – TT&DL khoảng 5.000m2, 2.000m2 còn lại hiện 145 hộ dân đang cư ngụ. Khu đất 164 Đồng Khởi cũng từng được sở VH – TT&DL đề xuất đưa vào danh mục những công trình kiểm kê di tích của thành phố.
|
Khu đất 164 Đồng Khởi là khu đất nằm ở vị trí đắc địa ngay trung tâm TP.HCM. |
Được biết, hiện có trên 60 nhà đầu tư xin tham gia đầu tư tại khu đất này. Trong đó, có một số nhà đầu tư lớn với vốn sở hữu trên 1 tỉ đôla Mỹ như: Indochina Capital, Hong Kong Land, Queensland, Vina Capital...
Theo UBND TP.HCM, khu đất này nằm kế cận một quần thể các công trình mang nét đặc trưng của thành phố như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, nên dự án được xây dựng tại đây về mặt kiến trúc phải hài hoà với khu vực xung quanh và các công trình trên. Theo thông tin chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cho khu đất mà sở Quy hoạch – kiến trúc đưa ra trước đây, thì khối công trình giáp đường Đồng Khởi và đường Nguyễn Du là khối thấp tầng (khoảng bốn tầng), khối tháp cao tầng (từ 15 – 22 tầng) lùi sâu vào phía trong, cách đường Đồng Khởi tối thiểu 10 – 15m và có khoảng lùi thích hợp với các đường còn lại và phía giáp ranh trường Trần Đại Nghĩa.
Theo tìm hiểu của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, đã từng có một đề xuất dự án từ gần mười năm trước của chính những người làm việc ở địa chỉ 164 Đồng Khởi này. Theo đó, nơi đây sẽ là công trình văn hóa phức hợp, vừa giữ được nét kiến trúc hài hoà với không gian cổ hiện hữu, vừa có các công năng đáp ứng những nhu cầu văn hoá mà thành phố vẫn còn đang thiếu. Nó bao gồm: không gian để chiếu phim, không gian để biểu diễn nghệ thuật, không gian để tổ chức sự kiện lớn, không gian để triển lãm, không gian lưu trú hạng sang cho khách có nhu cầu, không gian ẩm thực, không gian sách, không gian sắp đặt cây xanh đặc trưng cho văn hoá Việt Nam, kể cả không gian dành cho nhu cầu thương mại cao cấp. Đề xuất ấy, trong thâm tâm những người soạn thảo, có giá trị như một đề bài chưa chính thức cho các nhà đầu tư mong muốn khai thác khu đất này.
Sau khi nhận được đề xuất trên, UBND TP.HCM lúc ấy đã cho phép tiến hành giới thiệu khu đất, chào mời nhà đầu tư. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có trên 60 nhà đầu tư xin được đầu tư trên khu đất, trong đó có 90% là nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên khi việc chon lựa đang được thực hiện thì đến năm 2008, UBND TP.HCM yêu cầu chuyển toàn bộ danh sách các nhà đầu tư này sang cho sở Tài chính và sở Kế hoạch và đầu tư tiếp nhận. Từ đây, dự án khu phức hợp văn hoá tại địa chỉ trên cũng không được nhắc đến nữa. Và hiện nay, sở VH – TT&DL chỉ được thành phố giao một nhiệm vụ duy nhất đó là kiểm kê, nghiên cứu nhu cầu chỗ ở làm việc để thành phố bố trí chỗ ở mới.
Theo một chuyên gia trong ngành văn hoá, trước khi chọn nhà đầu tư tại khu đất trên, thành phố nên có những tiêu chí thật chi tiết và cụ thể nhằm bảo tồn cảnh quan kiến trúc cho khu vực.
Băn khoăn về giá trị vàng của một địa chỉ
Không biết 64 đơn vị (90% là doanh nghiệp nước ngoài) tham gia cuộc đấu giá “lịch sử” này nghĩ gì về giá trị vàng của khu đất 164 Đồng Khởi. Chắc hẳn tất cả đều xoay quanh cái diện tích tổng thể khá lớn, nếu tính cả khu vực giải toả là hơn 7.000m2; lại rất vuông vức; lại nằm chính giữa trung tâm của trung tâm thành phố, sát bên các công trình kiến trúc cổ xưa và độc đáo bậc nhất của Sài Gòn là nhà thờ Đức Bà và Bưu điện thành phố.
Những người không đủ điều kiện tham gia đấu giá và vì thế cũng khó lòng được biết các thông tin liên quan đến tiêu chí đấu giá khu đất (ngoài mức giá khởi điểm), ví dụ độ cao được phép là bao nhiêu, diện tích xây dựng chiếm tỷ lệ tối đa là bao nhiêu, yêu cầu bắt buộc về kiến trúc là những gì v.v.
Thế nhưng, ngoài những người tham gia hoặc không đủ điều kiện tham gia cuộc đấu giá thì vẫn còn nhiều người tự giao cho mình bổn phận phải lo lắng trước mỗi dấu hiệu về khả năng an nguy cho ký ức và vẻ đẹp lâu đời riêng biệt của thành phố này. Họ phập phồng mỗi khi đón nhận tin công bố đưa vào thực hiện một dự án nào đó trong khu vực trung tâm của trung tâm thành phố.
Cái đẹp cổ xưa và riêng biệt của một đô thị ở Đông Nam Á đã bị phá đi từng phần qua các thời kỳ, từ năm 1954. Niềm hy vọng giữ được hẳn một vài khu phố có đầy đủ yếu tố di sản để được công nhận đã tiêu tan trong gần 40 năm qua. Mơ ước bảo tồn cảnh quan di sản được giới hạn hơn nữa: gìn giữ chỉ một con đường thôi, đường Đồng Khởi là nơi còn khá nhiều công trình kiến trúc cổ. Con đường ấy có khởi đầu là nhà thờ Đức Bà và Bưu điện thành phố và có kết thúc là khách sạn Majestic. Ở giữa hai đầu con đường là các không gian kiến trúc xinh đẹp với quảng trường và Nhà hát thành phố, với khách sạn Continental và càphê Givral lừng danh, với công viên Chi Lăng có hàng cây cổ thụ gần trăm tuổi như một điểm lắng cho cả con đường này – vốn ra đời trước năm 1880 là năm nhà thờ Đức Bà được xây xong. Mơ ước nhỏ nhoi ấy cũng đã tắt rồi, khi mà các toà nhà ngạo nghễ đã và đang mọc lên trên đường từ mấy năm qua thay thế cho những nơi chốn cũ xinh đẹp. Những nơi chốn dù cũ vẫn còn cất giữ ký ức của một con đường, một thành phố. Giá trị vàng của một địa chỉ có lẽ chìm sâu trong ký ức ấy nên khó mà nhận ra để mà gìn giữ chăng?
Nguyễn Trương |
V. Nguyên
sài gòn tiếp thị
|