Thứ Năm, 07/07/2011 22:43

Cổ phiếu bất động sản: Của giữ là của lo

Năm 2010, dù kinh doanh khó khăn nhưng nhiều nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước vẫn tin tưởng vào tiềm năng lâu dài của các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS). Vì thế, họ tiếp tục là cổ đông chiến lược hoặc đầu tư thêm vốn vào các DN này. Nhưng nay, dường như BĐS trở thành trái đắng ngay cả với những người lạc quan nhất.

Nợ cao quá cổ

Bước sang năm 2011, khi thị trường bộc lộ thêm một số khó khăn thì nhiều NĐT trong nước đã bắt đầu bán ra nhiều cổ phiếu BĐS. Cách đây không lâu, thị trường rớt điểm liên tục trong 13 ngày (kể từ ngày 13/5 đến 25/5), cổ phiếu của các công ty BĐS đều sụt giảm lớn (một vài công ty liên tục giảm kịch sàn).

Ngoài VIC, HAG, một số cổ phiếu BĐS cũng lâm vào tình cảnh tương tự như: Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR), Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA), Công ty CP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL), Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX)...

Cổ phiếu BĐS rớt giá và bị nhiều NĐT chê là do tình hình kinh doanh của hầu hết các công ty này đều thua lỗ, thậm chí ngừng giao dịch.

Bên cạnh đó, NĐT không còn thấy tương lai của cổ phiếu BĐS hấp dẫn trong bối cảnh thắt chặt tín dụng, lãi suất đang cao và thị trường BĐS đóng băng, áp lực lãi vay trở thành gánh nặng lớn đối với các DN BĐS sử dụng vốn vay nhiều.

Thực vậy, theo thống kê của Vietstock, xét về hệ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu (DER), dẫn đầu toàn ngành là SCR khi nợ phải trả lên đến 5.370,6 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu khoảng 2.267,4 tỷ đồng, tương ứng DER=2,36.

Trong quý I, DN này chịu khoản chi phí lãi vay hơn 51 tỷ đồng. Đứng thứ hai về hệ số DER toàn ngành là HQC khi hệ số này bằng 2,07. Trong quý I, HQC phải chịu chi phí lãi vay hơn 11 tỷ đồng.

Kết thúc quý I, DN này đạt 118,8 tỷ đồng doanh thu thuần, trong đó doanh thu tài chính 18,7 tỷ đồng, và 28,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Ngoài SCR, HQC, nhiều đại gia BĐS khác cũng đang gánh những khoản nợ khủng khiếp nhưng nhờ vốn chủ sở hữu lớn nên hệ số DER vẫn xếp ở “chiếu dưới”. Với tình hình lãi suất đang ở mức rất cao như hiện nay, thị trường BĐS chưa có dấu hiệu khởi sắc thì việc vay nợ nhiều của các DN này là một vấn đề cần quan tâm hàng đầu.

Ban Nghiên cứu chính sách đầu tư của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong kịch bản xấu nhất, thị trường có thể sẽ lâm vào tình trạng đóng băng, các dự án sẽ đình trệ, DN sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn toàn diện.

Của để dành trong tay?

Phải thừa nhận về lâu dài, thị trường BĐS vẫn được đánh giá lạc quan. Thậm chí, cuối tháng 6, trong nỗ lực giải cứu thị trường, Bộ Xây dựng chính thức đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và hướng dẫn các ngân hàng thương mại điều chỉnh tỷ trọng các khoản vay đối với lĩnh vực BĐS.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, giới phân tích vẫn khuyên rằng, NĐT trước khi mua cổ phiếu cần xác định được giá trị nội tại của DN và tìm những cổ phiếu đang bị thị trường định giá thấp.

Có 2 nguyên nhân cơ bản được giới này đưa ra lý giải cho sự sụt giảm giá cổ phiếu BĐS. Thứ nhất, do DN đang gặp khó khăn lớn về vấn đề nguồn vốn khiến tính thanh khoản bị ảnh hưởng.

Thứ hai, do môi trường kinh doanh không thuận lợi, lãi suất cao, hơn nữa, với đặc điểm của ngành chiếm dụng vốn, DN BĐS nói chung và nhóm cổ phiếu BĐS đang niêm yết nói riêng sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2011 do chi phí tài chính tăng cao.

Bằng chứng là từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu này đã giảm giá trung bình từ 30 - 50%, trừ một số cổ phiếu lội ngược dòng như: ASM, VIC, VPL.

Điều này giải thích vì sao trong bối cảnh khó khăn chung, NĐT lại cho rằng cổ phiếu ngành ngân hàng (NH) mới là của để dành chứ không phải cổ phiếu BĐS. Vì công bằng mà nói cổ phiếu nhiều NH đang ở dưới giá trị thực.

Ngay cả những NH nhỏ, mới chào đời chưa lâu, cũng kinh doanh có lãi. Có NH chia cổ tức 10 - 12%/năm tiền mặt mà thị giá chỉ 7.000 - 8.000 đồng/cổ phiếu. Hơn nữa, từ trước đến nay chỉ có NH Mê Kông đã giải thể, còn lại chưa có NH nào phá sản.

Những người mua kỳ vọng trong vòng từ 6 - 12 tháng tới, giá cổ phiếu NH sẽ tăng. Ngược lại, thị trường BĐS đang chịu sức ép nặng nề từ việc thắt chặt tài chính tiền tệ của Chính phủ thì ước tính sự phục hồi của thị trường sẽ lâu hơn các ngành tài chính khác.

Tuy vậy, đó cũng chỉ là suy luận của một nhóm người, vì cũng có những ý kiến cho rằng, về trung và dài hạn, cổ phiếu ngành BĐS vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng và có khả năng tạo “sóng”. Đặc biệt là nhóm cổ phiếu có thế mạnh về tài chính để đón đầu khi thị trường sôi động trở lại...  

Vũ Hoàng

doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   Xu hướng holdings (07/07/2011)

>   Chứng khoán: Không nhiều sức đẩy với KQKD quý 2 (07/07/2011)

>   UPCoM-Index tăng nhẹ lên 32,84 điểm (07/07/2011)

>   Ngày 07/07: Khối ngoại bán ròng 16 tỷ đồng, tiếp tục ”chuyền tay” gần 1 triệu cổ phiếu VNM (07/07/2011)

>   Nỗi niềm chuyên viên phân tích nội (07/07/2011)

>   Doanh nghiệp tốt, cổ phiếu vẫn lên sàn... tốt (07/07/2011)

>   07/07: Bản tin 20 giờ qua (07/07/2011)

>   UPCoM-Index giảm trở lại 32,62 điểm (06/07/2011)

>   Ngày 06/07: Khối ngoại ”chuyền tay” hàng loạt cổ phiếu (06/07/2011)

>   Dòng tiền đầu cơ vẫn chực chờ! (06/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật