Chứng khoán: Không nhiều sức đẩy với KQKD quý 2
Hiện tại mới chỉ có lẻ tẻ doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 2 với con số ước tính. Liệu thị trường có đủ lực tạo sóng?
Có hai điểm khiến số liệu kết quả kinh doanh quý 2 trở nên quan trọng. Thứ nhất, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bộc lộ rõ nhất sự ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ. Biến động lãi suất được xem là căng thẳng nhất trong quý này và doanh nghiệp cũng không thể “ăn” thêm vào những dự án, hợp đồng có từ trước.
Thứ hai, kết quả kinh doanh bán niên sẽ phải được soát xét kiểm toán. Đây là điều được chờ đợi vì số liệu sẽ trung thực hơn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến trích lập dự phòng.
Trái với những thông tin được đăng tải công khai về số lượng doanh nghiệp có khả năng phá sản, tạm dừng hoặc dừng hẳn hoạt động, doanh nghiệp niêm yết vẫn đưa ra những con số khá đẹp. Thường các kết quả kinh doanh tốt hay được công bố sớm và cũng có một số doanh nghiệp cho thấy lợi thế về ngành nghề.
Hai doanh nghiệp cao su là HRC và PHR hôm qua công bố kết quả khá tốt với mức tăng trưởng cao. HRC ước tính doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 332 tỷ đồng, tăng 210% so với cùng, lợi nhuận thuần đạt 88 tỷ đồng, tăng 79%. Kết quả kinh doanh này thạm chí còn cao hơn nhiều so với kế hoạch đề ra cho cả năm (doanh thu 323 tỷ đồng, lợi nhuận thuần 95 tỷ đồng). Với giá cao su đã tăng khoảng 70% cũng là nguyên nhân giúp PHR 6 tháng đầu năm doanh thu đạt 1.018 tỷ đồng, tăng 41% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận thuần đạt 303 tỷ đồng, tăng 64%.
Thậm chí, cũng có con số gây sốc như IDV mới 6 tháng đã hoàn thành 90% kế hoạch cả năm. Số liệu ước tính của công ty cho biết lợi nhuận sau thuế 6 tháng khoảng 12 tỷ đồng. Thông tin này đã châm ngòi cho một trong những đợt tăng giá hoành tráng nhất trong lịch sử của cổ phiếu này. Giá IDV đã tăng gần gấp đôi trong tháng 6 vừa qua.
Một vài số liệu khả quan khác cũng đã được công bố như TRA, NNC, HVG, SJC, CKV, TCS... Mức lợi nhuận tuy không thật sự ấn tượng nhưng cũng là đáng ghi nhận trong nửa đầu năm rất khó khăn.
Một điểm đáng chú ý ngoài trường hợp cá biệt của IDV, hầu như thị trường thờ ơ với các thông tin hỗ trợ liên quan đến kết quả kinh doanh. Có lẽ nhà đầu tư vẫn còn nhiều chuyện để lo lắng hơn là chỉ giao dịch dựa trên một vài thông tin cụ thể. Ở góc khuất, chắc chắn sẽ có nhiều báo cáo không thực sự đẹp được công bố, đặc biệt ở những doanh nghiệp lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản và các doanh nghiệp có tiền sử vay nợ lớn. Thậm chí không loại trừ khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh tương tự như năm 2009, 2010.
Cho đến thời điểm này, mới có duy nhất một doanh nghiệp niêm yết thẳng thắn thừa nhận khó khăn sẽ gặp phải và nguy cơ thua lỗ trong quý 2 là lớn. Từ giữa tháng 5, thị trường đã lan truyền thông tin Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) sẽ thua lỗ trong q úy 2 khi khó thanh lý các khoản đầu tư. Thị trường đã chiết khấu ngay lập tức rủi ro này vào giá CII với mức giảm xấp xỉ 25% kể từ đầu tháng 5/2011 đến ngày 13/6/2011 – thời điểm CII chính thức thừa nhận các khó khăn của mình.
Theo CII, lãi suất tăng cao khiến yêu cầu về tỉ lệ chiết khấu cao. Do đó công ty không thể thoái vốn ở một số khoản đầu tư mà CII dự kiến thực hiện trong năm nay. Điều này khiến nguồn thu nhập bị giảm sút. Trong khi đó lãi suất tăng lên khiến số tiền phải trả lãi bị đội lên, khiến khả năng trả nợ gốc bị giảm đi và làm tăng nguy cơ bị nợ quá hạn (nợ quá hạn bị tính bằng 150% lãi suất vay bình thường). CII cũng thừa nhận khả năng tìm kiếm được nhà đầu tư phù hợp để mua lại các khoản đầu tư góp vốn là quá khó vào thời điểm này. Thời gian eo hẹp (tính từ thời điểm đầu tháng 6) khiến CII khó kịp thoái vốn trong quý 2.
Một thống kê của Công ty Chứng khoán Rồng Việt về lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp niêm yết trong quí I/2011 cho thấy doanh thu tăng trưởng 50% so với cùng kì nhưng lợi nhuận chỉ tăng 2,4%. Sự gia tăng này chỉ xảy ra ở một số doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ít bị ảnh hưởng bởi các chính sách như các doanh nghiệp cao su, dược và dầu khí, hoặc các doanh nghiệp lớn. Lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, chứng khoán bị ảnh hưởng nặng nề.
Không khó để nhận thấy nguy cơ về chi phí tài chính của nhiều doanh nghiệp tăng vọt trong quý 2 là rõ ràng. Cụ thể nhất có lẽ là chi phí lãi vay trong bối cảnh đa số doanh nghiệp vẫn chưa tìm được nguồn vốn nào khác ngoài ngân hàng. Cùng với yếu tố này, vấn đề nợ cũng là một rủi ro lớn. Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp nào cũng muốn chiếm dụng được vốn của doanh nghiệp khác trong khi lại không muốn người khác nợ mình. Từ khoản phải thu biến thành nợ khó đòi, nợ xấu, quá hạn là khá mong manh.
Một kịch bản lạc quan nhất cho kết quả kinh doanh quý hai này là sự phân hóa giữa các doanh nghiệp. Doanh nghiệp yếu sẽ lỗ trong khi vẫn có doanh nghiệp làm ăn tốt. Tuy nhiên ngay cả với kịch bản này thì khả năng tạo sóng với cổ phiếu cũng không phải là dễ và có chăng cũng chỉ là những trường hợp cá biệt.
Một điều dễ nhận thấy từ tháng 5 trở lại đây là dấu ấn của dòng vốn đầu cơ tạo sóng, hơn là dòng vốn dài hạn. Cổ phiếu lỗ tăng giá trong khi cổ phiếu của doanh nghiệp lãi lình xình hoặc giảm là điều bình thường. Dòng vốn đầu cơ cũng có thể tạo sóng nhân báo cáo lợi nhuận quý 2 nhưng sẽ khó có sóng chung trên thị trường. Mặt khác, lượng vốn luân chuyển trên thị trường lúc này đang rất đuối và khó tạo nên một đợt sóng dài hơi theo đúng nghĩa.
Khánh Hà
tbktvn
|