Chủ Nhật, 05/06/2011 10:53

Tìm kiếm những giải pháp hợp lý cho VN-Index

Từ khi thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index được đặt nhiệm vụ xác định sự thay đổi bình quân của thị trường. Tuy nhiên sau hơn 10 năm thành lập thị trường, VN-Index đã bắt đầu bộc lộ những điểm hạn chế.

Theo giới chuyên gia, điểm khuyến khuyết lớn nhất của VN-Index là lấy toàn bộ giá trị vốn hóa của các công ty làm trọng số [toàn bộ số cổ phiếu được niêm yết của công ty sẽ được tính vào chỉ số – PV].

Bởi trong thực tế có một bộ phận cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng. Điều này dẫn đến trường hợp, vài ba mã cổ phiếu có mức vốn hóa chiếm tỷ trọng lớn trong rổ cổ phiếu tại sàn Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) song lại có số cổ phiếu giao dịch tự do rất nhỏ đang dễ dàng gây ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index.

Đòi hỏi bức thiết

Hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” là thuật ngữ các thành viên trên thị trường mô tả về sự méo mó của chỉ số chính này. Trong một thời gian dài, hầu hết các mã cổ phiếu trên sàn HoSE đã có sự sụt giảm mạnh mẽ, tuy nhiên với khối lượng giao dịch mỗi phiên khối lượng giao dịch từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đơn vị, bộ ba mã cổ phiếu BVH, MSN, VIC ngược dòng đi lên cũng đã đủ giữ chân VN-Index thoát khỏi thảm cảnh chung của thị trường.

Theo tính toán từ phía Công ty Chứng khoán VNDirect, nếu cả ba mã BVH, MSN, VIC cùng đồng thời tăng hoặc giảm kịch biên độ cho phép sẽ thay đổi VN-Index tăng/giảm khoảng 6 điểm.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), việc cần làm bây giờ là các cơ quan chức năng phải nhanh chóng tìm ra được giải pháp cải thiện độ chính xác của chỉ số VN-Index.

“Không nên để một thế lực nào đó, chỉ với những khối lượng tiền nhỏ là đã có thể chi phối được VN-Index, đây là công việc quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay,” ông Hưng đưa ra quan điểm.

Trong diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam hồi tháng 5, ông Dominic Scriven Trưởng nhóm Công tác thị trường vốn đã đưa ra đề xuất, khối lượng cổ phiếu không giao dịch thời gian dài sẽ không gây ảnh hượng đến thị trường và do đó nên loại ra khi xác định thay đổi bình quân của thị trường mà cụ thể là VN-Index.

“Chỉ số VN-Index nên được tính dựa trên giá trị thị trường của phần cổ phiếu tự do lưu hành và sẵn sàng giao dịch (free-float). Đây là điểm thay đổi căn bản sẽ giúp cho VN-Index không còn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi một vài cổ phiếu lớn nhưng ít được nắm giữ bởi số đông đại chúng,” theo ông Dominic.

Về vấn đề này, ông Trần Đắc Sinh Tổng giám đốc HoSE  cho biết, hiện Sở đang có dự án xây dựng chỉ số mới. Dự kiến, HoSE sẽ đưa vào sử dụng bộ chỉ số mới Index 30, chỉ số giá chung của 30 công ty niêm yết đại diện thuộc nhóm hàng đầu (blue chip) trong các chứng khoán được niêm yết tại HoSE.

Song có một vấn đề nảy sinh, các thành viên trên thị trường thắc mắc liệu trong nhóm 30 doanh nghiệp đưa vào trong đó có VIC, MSN, BVH hay không, và nếu có bộ ba này thì cách tính Index 30 sẽ dựa trên cơ sở tính toán như thế nào để đám bảo tính chính xác cho bộ chỉ số mới.

“Việc các doanh nghiệp đưa vào nhóm tính chỉ số vẫn đang trong quá trình cân nhắc và xem xét, sau đó Sở đưa ra lấy ý kiến đóng góp từ các công ty chứng khoán, tổ chức tài chính, giới chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán,” ông Sinh cho hay.

Không thể ngồi chờ đợi

Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng nghiên cứu đưa ra cách tính VN-Index phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay, thì nhiều tổ chức tài chính đã tự loay hoay đưa ra bộ tính chỉ số phục vụ cho các nhà đầu tư của mình.

Mới đây, Công ty Chứng khoán Woori đưa ra hai chỉ số có tính chất tham khảo về diễn biến của các cổ phiếu niêm yết trên hai sàn là VSI Hanoi và VSI Hochiminh, cách tính toán dựa trên phương pháp tổng giá trị vốn hóa thị trường của các cổ phiếu được phép tự do chuyển nhượng. Theo đại diện Woori, đây là phương pháp được sử dụng để tính một trong những chỉ số hàng đầu thế giới hiện nay là S&P 500. Hai chỉ số đuợc tính bắt đầu vào năm 2007 và lấy mốc là điểm số tương ứng với chỉ số của hai sàn tại thời điểm 1/1/2007.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Việt Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán IRS cũng cho biết, hiện công ty ông Việt đang sử dụng bộ chỉ số VS-Large Cap, VS-Mid Cap, VS-Small Cap và VS-Micro Cap do Công ty Cổ phần Tài Việt (Vietstock) xây dựng. Bộ chỉ số này giúp các nhà phân tích theo dõi được sự dịch chuyển của dòng tiền trên thị trường và hạn chế tín hiệu nhiễu của VN-Index và HNX-Index, cách tính bộ chỉ số dựa trên sự chia nhóm doanh nghiệp theo mức vốn hóa thị trường (bốn nhóm: doanh nghiệp vốn hóa trên 10 nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp vốn hóa trên 1 nghìn tỷ đến 10 nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp vốn hóa từ 100 tỷ đến 1 nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp vốn hóa đến 100 tỷ đồng)./.

Hạnh Nguyễn

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Sự kiện doanh nghiệp niêm yết tuần 06/06 - 10/06 (04/06/2011)

>   Nhận diện những lực đẩy chứng khoán (04/06/2011)

>   Đại gia gom, xả hàng theo thị trường (03/06/2011)

>   Vốn tiết kiệm băn khoăn chọn cửa đầu tư (03/06/2011)

>   Ngày 03/06: Bùng nổ mua ròng khối ngoại (03/06/2011)

>   Bức tranh thật về tài trợ chứng khoán (03/06/2011)

>   Lãi suất bớt căng, cơ hội cho chứng khoán (03/06/2011)

>   Môi giới chứng khoán thất thế (03/06/2011)

>   Tín dụng chứng khoán: Lỗi tại ai? (03/06/2011)

>   Chứng khoán: Khi 'Thượng đế' khốn cùng (03/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật