Nên giảm giá diesel để hạ cơn sốt giá cả
Dư luận đang rất quan tâm đến thông tin lãnh đạo Bộ Tài chính xem xét phương án mới về giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh để hài hòa lợi ích của ba đối tượng là doanh nghiệp - Nhà nước và người tiêu dùng. Tuy nhiên, liệu việc giảm giá xăng dầu, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng có được cơ quan quản lý cân nhắc? Bởi hiện chỉ có người tiêu dùng thì vẫn đang phải chịu mức giá xăng dầu cao, cho dù giá thế giới đã giảm sâu trong liên tục hơn một tháng qua.
Xét về quyền lợi của các bên: Cụ thể, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay hiện các doanh nghiệp kinh doanh dầu đã lãi 700 đồng/lít dầu và 100 đồng/lít xăng. Còn về phía Nhà nước, lợi ích cũng được đảm bảo khi nguồn thu từ xăng dầu cũng là không nhỏ. Mức thu hiện khoảng 5.500 đồng/lít xăng dầu. Với giá xăng dầu là 22.000 đồng/lít thì mức thuế VAT 10%, mỗi lít xăng dầu đóng góp cho ngân sách khoảng 2.200 đồng/lít; thuế tiêu thụ đặc biệt 10% cũng góp ngân sách khoảng 2.200 đồng/lít cộng với mức phí xăng dầu là 1.000 đồng/lít.
Liệu phương án giảm giá dầu diesel có được bộ này xem xét? Thực tế, việc giảm giá dầu diesel sẽ hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp và có tác động kép đến thị trường. Chỉ tính riêng với giá cước vận tải hàng hóa, nếu giảm giá dầu diesel thì sẽ góp phần kiềm chế được chiều tăng giá của rất nhiều loại hàng hóa trên thị trường. Bởi đây là giá dịch vụ nhanh nhạy nhất mỗi lần giá dầu diesel điều chỉnh vì nhiên liệu chiếm 40% giá thành cước vận tải. Sữa, thép, thịt hay bất cứ sản phẩm gì tăng giá thời gian qua cũng có nguyên nhân từ giá xăng dầu, trong đó có việc giá dầu diesel tăng quá cao. Nếu giá diesel giảm, sự hỗ trợ sẽ là rất lớn đối với các nhà sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Còn người tiêu dùng, họ cũng cảm nhận được sự sẻ chia của Nhà nước. Và khi đó, mục tiêu đảm bảo hài hòa quyền lợi của ba bên: Doanh nghiệp - Nhà nước và người tiêu dùng mới thực sự công bằng và trọn vẹn.
Lê Thanh
PHÁP LUẬT tphcm
|