Thứ Tư, 08/06/2011 23:27

Doanh nghiệp xăng dầu tố nhau

Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, trong thời gian gần đây, lượng xăng dầu bán ra của họ bị giảm sút đáng kể do nhiều công ty khác đang tranh thủ giá xuống tăng cường nhập hàng về, tạo ra cuộc đua bán hàng bằng chiết khấu không đáng có, giúp đại lý lãi to trong khi người tiêu dùng vẫn phải chịu giá cao.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối không muốn nêu tên cho biết, lượng xăng, dầu nhập khẩu về trong tháng 5 tăng đột biến khi có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường.

Theo ông này, vấn đề bức xúc nằm ở chỗ, đây là các doanh nghiệp vốn có hạn ngạch (quota) nhập khẩu xăng dầu nhưng khi giá thế giới cao, giá trong nước bị khống chế thì án binh, để thị trường cho một số doanh nghiệp gánh. Đến nay, giá thế giới giảm, buôn bán có lời thì lập tức nhảy vào, đưa nguồn cung trên thị trường dồi dào.

Tuy nhiên, điều nguy hại là do không bị vướng giá 30 ngày, hàng tồn kho giá cao trước đó nên các doanh nghiệp này phá giá thị trường bằng cách nâng chiết khấu, thù lao để hút đại lý. “Chúng tôi cũng phải tăng chiết khấu theo để giữ khách hàng. Một cuộc đua chiết khấu không đáng có đang diễn ra, chỉ làm lợi đại lý, còn người tiêu dùng phải chịu giá cao”, ông này nói.

Hiện nay, chiết khấu ở mặt hàng diesel đã ở mức 800 - 1.000 đồng/lít, xăng ở mức 500 - 600 đồng/lít.

Theo đại diện một số doanh nghiệp, tình hình này đang làm cho họ mất khách hàng, giảm lượng bán ra. Lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu nói trên cho hay, lượng bán ra trong tháng 5 của họ giảm gần một nửa so với các tháng trước đó.

Còn ở Petrolimex, bà Đàm Thị Huyền, Phó tổng giám đốc trong buổi giao ban định kỳ tháng 5 của Bộ Công Thương cũng bức xúc về chuyện mất thị phần ở mặt hàng dầu diesel. Bà Huyền nói rằng, dầu diesel đang có lãi lớn, nều doanh nghiệp ồ ạt nhập về khiến sản lượng của Petrolimex giảm sút. Tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều năm nay. “Khi nhà nước thực hiện bình ổn giá, kinh doanh lỗ thì chúng tôi bán được hàng. Đến khi có lời thì lại mất khách”, bà Huyền nói.

Đại diện Petrolimex còn lo sẽ tiếp tục mất thị phần trong thời gian tới khi có thể xảy ra tình trạng xăng dầu từ các nước lân cận nhập lậu vào Việt Nam (ngược lại với chuyện thẩm lậu qua biên giới như thời gian trước) do giá xăng dầu tại Lào, Campuchia qua 2 lần điều chỉnh giảm đã về mức gần bằng giá trong nước.

Lý giải về việc tại sao không thể ràng buộc đại lý bán lẻ về các hợp đồng mua bán, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho hay, về nguyên tắc, hai bên có những ràng buộc nhưng thực tế không có tác dụng. Các đại lý thường hành xử theo kiểu cứ đơn vị nào chiết khấu cao là mua, khi thị trường thiếu hàng thì lại quay về các doanh nghiệp có sản lượng ổn định.

Cũng theo ông này, Bộ Công Thương, cơ quan quản lý việc nhập khẩu của các doanh nghiệp lại chưa thể hiện hết vai trò của mình. Theo ông, đáng lẽ Bộ Công Thương cần theo sát doanh nghiệp, cắt quota của những đơn vị nào không thực hiện nhập đúng tiến độ nhưng thường chỉ nhắc nhở là chính. Bên cạnh đó cũng ít thực hiện kiểm tra hàng tồn kho.

Ý kiến của các doanh nghiệp là Bộ Tài chính nên tái sử dụng lại các công cụ thuế hoặc trích quỹ bình ổn giá. Petrolimex kiến nghị trích quỹ bình ổn giá với thời gian linh hoạt (có thể nửa tháng xem xét lại một lần) để tạo nguồn thu bù cho phần lỗ đã tích lũy trong thời gian trước đây khi nguồn lực nhà nước không có.

Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp khác cho rằng nên dùng công cụ thuế, vừa đánh được vào hàng mới về của các doanh nghiệp mới thực hiện nhập khẩu, làm trong sạch thị trường, vừa tạo nguồn thu cho ngân sách. “Thêm vào đó, nếu dùng công cụ thuế thì cũng dễ điều chỉnh khi lỡ giá thế giới có tăng trở lại”, vị này nói.

Hiện tại, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho hay, với giá thế giới như thời gian qua, mặt hàng xăng tạm hòa vốn còn mặt hàng diesel đang lãi khoảng 500 - 600 đồng/lít.

Minh Tâm

TBKTVN

Các tin tức khác

>   2020: Kinh tế biển đóng góp 53-55% GDP (08/06/2011)

>   Đến 2015 xuất khẩu công nghiệp chủ lực đạt 15% kim ngạch (08/06/2011)

>   Doanh nghiệp VN đầu tư kinh doanh tại 55 quốc gia, vùng lãnh thổ (08/06/2011)

>   Giá xuất khẩu cá tra 4 tháng đầu năm có xu hướng tăng (08/06/2011)

>   Doanh nghiệp FDI: Tiêu thụ tại chỗ bao nhiêu, nội địa hóa thế nào? (08/06/2011)

>   Vì sao Việt Nam đổi cách thống kê sản xuất công nghiệp? (08/06/2011)

>   Thông tư 20 và nguy cơ phá sản của các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô (08/06/2011)

>   Lãi suất ghì xuất khẩu (08/06/2011)

>   Trách nhiệm của các bộ trưởng với Vinashin (08/06/2011)

>   SingPost sẽ mua lại 30% cổ phần của Indo Trans Logistics (08/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật