Công nghiệp ô tô: Loay hoay trước ngã ba đường
Thời điểm phải chấm dứt bảo hộ, đối mặt với cạnh tranh gay gắt đã cận kề. Đây là thách thức nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
Theo cam kết của tiến trình tự do hóa thương mại với các nước ASEAN/AFTA, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đối với xe chở người từ 10 chỗ trở lên và xe tải đều đã cắt giảm xuống mức 5% từ năm 2006. Riêng loại xe chở người từ 9 chỗ trở xuống sẽ phải cắt giảm thuế suất xuống mức 0% vào năm 2018.
Đối mặt với cạnh tranh gay gắt
Như vậy, thời gian thuận lợi còn lại để xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chỉ 7 năm. Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành đều cho rằng gần 20 năm qua, chúng ta không xây dựng được ngành công nghiệp ô tô đúng nghĩa, mặc dù có rất nhiều chính sách ưu đãi thì ở giai đoạn 2 này, sẽ càng không có cơ hội do quỹ thời gian còn rất ít và không thể tiếp tục bảo hộ mà phải thực hiện các cam kết hội nhập.
Ông Dư Quốc Thịnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Kỹ sư ô tô Việt Nam, cho rằng khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc xuống 0% thì xe sản xuất, lắp ráp trong nước rất khó cạnh tranh bởi giá thành xe sẽ cao hơn nhiều xe nhập khẩu do phải mua linh kiện của nước ngoài với giá bằng xe nguyên chiếc ở thị trường đó, cộng chi phí vận chuyển, chi phí nhân công…
Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách thuế cao sẽ đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho nhà sản xuất và ngược lại, thuế thấp sẽ có lợi cho người đi buôn. Thị trường sẽ diễn ra 3 xu hướng: Doanh nghiệp sản xuất nhỏ sẽ đặc biệt khó khăn, có thể phá sản hàng loạt. Doanh nghiệp trường vốn đã đầu tư lớn, xây dựng được các nhà máy vệ tinh cũng sẽ phải vật lộn nhiều hơn để vượt qua được khó khăn, tiếp tục sản xuất. Đáng buồn là trong số hơn 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô hiện nay, mới chỉ thấy có Trường Hải là doanh nghiệp trong nước có khả năng với hàng chục nhà máy vệ tinh và dự kiến bán được khoảng 35.000 xe trong năm nay, còn lại là các liên doanh đang chiếm ưu thế.
Các doanh nghiệp “làng nhàng” giữa hai loại này sẽ mất phương hướng giữa hai lựa chọn: đóng cửa đi buôn hay tiếp tục theo đuổi công nghiệp ô tô để phải đối mặt với cơn bão thị trường. Ngay cả các liên doanh ô tô – đối tượng mà chúng ta kỳ vọng vào phân khúc xe con, hiện nay cũng đã có động thái giảm dần sản lượng bởi họ được quyền nhập khẩu hàng chính hãng về bán. Khi không còn hàng rào thuế, khả năng họ sẽ càng đua nhau nhập hàng của công ty mẹ về bán thu lợi nhuận cao hơn là chú tâm sản xuất, lắp ráp…
Xe thương hiệu Việt hay chuyển hướng?
Theo TS Lê Đăng Doanh, Việt Nam vẫn theo đuổi mục tiêu sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt lúc này là rất khó. Từ kinh nghiệm của Thái Lan, quốc gia này phát triển hơn Việt Nam rất nhiều về công nghệ, phụ tùng ô tô. Hiện nay, Thái Lan đứng thứ hai Đông Nam Á về sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô (chỉ sau Nhật Bản) nhưng họ vẫn không đặt mục tiêu sản xuất xe hoàn chỉnh. Việt Nam nên chọn một số công đoạn nào đấy mình có khả năng cạnh tranh để tập trung phát triển. Cần tổ chức những cuộc hội thảo để bàn kỹ xem có thể làm gì để phát triển công nghiệp ô tô...
Bộ Công Thương vẫn đang bàn thảo quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với những nội dung chính, theo bình luận của các chuyên gia là không có nhiều thay đổi so với quy hoạch đã không thành hiện thực của giai đoạn vừa qua. Dự thảo này cũng vẫn bảo toàn quan điểm chọn dòng xe đa dụng cá nhân làm chủ đạo để tập trung phát triển. Mặc dù đường đi nước bước chưa được sáng tỏ nhưng Bộ Công Thương cho rằng nhất thiết Việt Nam phải sản xuất được ô tô con để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước đang ở giai đoạn sắp bùng nổ.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, giai đoạn motorization (thời kỳ dòng xe 9 chỗ trở xuống trở nên phổ cập) sẽ bắt đầu trong khoảng từ năm 2020-2025 với tỉ lệ 50 xe/1.000 dân. Nếu không, mỗi năm Việt Nam phải chi khoảng 12 tỉ USD để nhập khẩu ô tô, gây trầm trọng hóa cán cân thương mại...
Năm 2010, xuất khẩu hơn 1,57 tỉ USD linh kiện
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đang có sự chuyển hướng, tiến tới tập trung sản xuất các linh kiện, chi tiết mà Việt Nam có lợi thế để xuất khẩu. Đây là cách để doanh nghiệp tiến tới việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bằng những sản phẩm có chất lượng và có tính cạnh tranh, thay vì tự mình sản xuất một chiếc xe hoàn chỉnh. Năm 2010, các doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn 1,57 tỉ USD linh kiện ô tô, chủ yếu là xuất khẩu sang Nhật Bản. Thực tế này cho thấy Việt Nam có cơ hội trở thành một trong những trung tâm sản xuất linh kiện ô tô nếu được đầu tư bài bản. |
Phương Anh
Người lao động
|