“Khó cổ phần hóa MobiFone trong năm nay”
Hồi đầu năm nay, câu chuyện cổ phần hóa MobiFone kéo dài nhiều năm từng được “hâm nóng” lại, khi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp khẳng định rằng MobiFone sẽ phải cổ phần hóa trong năm 2011.
Công ty Thông tin Di động VMS (MobiFone) bắt buộc phải thực hiện cổ phần hóa, để cơ cấu lại doanh nghiệp và góp phần tái cấu trúc lại nền kinh tế, ông Hợp nhấn mạnh khi trả lời VnEconomy ngày 16/2.
Bản thân ông Lê Ngọc Minh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Thành viên của MobiFone cũng cho biết, MobiFone đã sẵn sàng cổ phần hóa, và đang chờ sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Với những tín hiệu trên, đặc biệt là trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để tái cơ cấu, đổi mới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm 2011, thì việc cổ phần hóa MobiFone trong năm 2011 lúc đó được xem là có triển vọng khá lạc quan.
Tuy nhiên, vào giữa tuần trước, tại một hội nghị về viễn thông, trao đổi với VnEconomy, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai phân tích, mặc dù VNPT đã chuẩn bị tất cả các điều kiện để sẵn sàng cổ phần hóa MobiFone, tuy nhiên, với những khó khăn hiện tại của nền kinh tế, của thị trường chứng khoán, sẽ rất khó cổ phần hóa MobiFone trong năm nay.
Nhận định trên không chỉ riêng của Thứ trưởng Trần Đức Lai.
Mấy năm trước, Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) trước và trong diễn đàn đều đưa ra yêu cầu các đơn vị liên quan của Việt Nam cung cấp thông tin rõ hơn về thực trạng cổ phần hoá trong lĩnh vực viễn thông.
Thế nhưng năm nay, việc không đề cập đến thực trạng cổ phần hóa doanh nghiệp viễn thông của Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng tại VBF giữa kỳ năm nay liệu có phải là tín hiệu cho thấy, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp viễn thông trong nước đã bị “hoãn” lại, ít nhất là trong năm 2011 này?
Phải chăng các nhà đầu tư nước ngoài đã không còn mặn mà và quan tâm nhiều đến việc cổ phần hóa doanh nghiệp viễn thông nữa? Ông Tony Foster, đại diện Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng cho rằng, khó có khả năng diễn ra cổ phần hóa trong ngành này theo một lịch trình và phương thức hợp lý.
Ông Trần Đức Lai thì thừa nhận, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông nói chung và MobiFone nói riêng đúng là đã chậm trễ, do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, nhưng chủ quan chỉ một phần, bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, suy giảm kinh tế đã tác động đến nền kinh tế Việt Nam.
Vị Thứ trưởng cũng nhận xét, đã cổ phần hóa thì phải bán được, phải có lợi cho đất nước, doanh nghiệp, cán bộ công nhân viên và ngành viễn thông.
Như vậy, sự lình xình của thị trường chứng khoán đã trở thành một trong những lý do chính dẫn đến sự chậm trễ cổ phần hóa MobiFone, và có thể còn kéo dài trong thời gian tới.
Tùy vào tình hình kinh tế, tùy vào sự phát triển của thị trường chứng khoán, tới thời điểm thích hợp để cổ phần hóa, lãnh đạo VNPT sẽ có báo cáo với Bộ và Chính phủ, Thứ trưởng Trần Đức Lai nói.
Mạnh Chung
TBKTVN
|