Thứ Hai, 06/06/2011 13:35

Hối thúc tiến trình cổ phần hóa

Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài liên tục hối thúc Việt Nam đẩy nhanh lộ trình cổ phần hoá.

Lãnh đạo của ST Telemedia, một công ty thuộc Tập đoàn Temasek Holdings (Singapore), trong khoảng hơn một năm nay, liên tục có những chuyến làm việc tại Việt Nam và mối quan tâm hàng đầu của họ là kế hoạch cổ phần hoá của MobiFone, một “đại gia” trong làng di động của Việt Nam. ST Telemedia tỏ ra rất sốt ruột khi việc cổ phần hoá MobiFone liên tục bị trì hoãn.

Trong khi đó, khi phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây, các nhóm công tác của VBF cũng thẳng thắn bày tỏ sự băn khoăn trước tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam. “Chính phủ cần tăng tốc chương trình này thông qua việc xác định một lộ trình mới, với các tiêu chí rõ ràng và thời gian biểu cụ thể”, ông Dominic Scriven, Trưởng nhóm Công tác thị trường vốn của VBF nói và cho rằng, mặc dù có sự trì trệ, nhưng thị trường chứng khoán vẫn cần có những “hàng hóa có chất lượng” để thu hút nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Trên thực tế, kể từ năm 2008, tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đã bị chậm lại đáng kể. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, trong năm 2010, chỉ có thêm 144 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá. Các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cũng hoặc thất bại, hoặc bị trì hoãn, do giá chào bán cao hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường. Sự trì hoãn cổ phần hoá có vẻ càng kéo dài hơn khi thị trường chứng khoán chưa có dấu hiệu hồi phục. Bởi vậy, câu hỏi đặt ra là, có thực sự cần thiết phải đẩy nhanh cổ phần hoá trong tình hình hiện nay không?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Phạm Mạnh Thường, Phó tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC - Bộ Tài chính) cho rằng, mặc dù lộ trình đã được đặt ra, song không nhất thiết phải cổ phần hoá bằng bất kỳ giá nào. “Cổ phần hoá chỉ là phương tiện, chứ không phải là mục tiêu, cũng không phải là một phương thuốc kỳ diệu đối với việc cải cách doanh nghiệp nhà nước, vì thế không nhất thiết phải cổ phần hoá bằng mọi giá, mà còn phải tùy thuộc vào tình hình thị trường”, ông Thường nói.

Quan điểm này cũng đã nhận được sự đồng tình của một cán bộ của Bộ Tài chính. Theo ông này, tuy số lượng các doanh nghiệp nhà nước cần phải cổ phần hoá trong thời gian tới không nhiều, nhưng hầu hết là các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty, các ngân hàng. Do vậy, việc cổ phần hoá cần được tiến hành thận trọng và không phải bằng bất kỳ giá nào. Cũng vì lý do này, việc sửa đổi Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần cũng đang được xem xét cẩn trọng.

Trong khi đó, liên quan tới chuyện IPO, ông Dominic Scriven cho rằng, cho đến nay, hầu hết các cuộc IPO của các doanh nghiệp nhà nước đều gặp vấn đề với việc định giá. Lý do là, mặc dù công việc định giá doanh nghiệp được thực hiện hoặc tư vấn bởi các tổ chức định giá độc lập, nhưng trên thực tế, quyết định cuối cùng lại do người phát hành, mà trong trường hợp các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá thì thông thường là một cơ quan Chính phủ đại diện phần sở hữu vốn Nhà nước quyết định và vấn đề bắt đầu nảy sinh.

“Người bán có xu hướng thích một kết quả định giá cao, hoặc các cơ quan Chính phủ thường rất e ngại việc bán rẻ tài sản của Nhà nước”, ông Scriven nói và đề xuất, trách nhiệm định giá nên được thực hiện bởi một hay một nhóm các tổ chức định giá độc lập có chuyên môn cao và am hiểu thị trường.

Tán đồng đề xuất này, ông Thường khẳng định, cần thiết phải có một tổ chức định giá độc lập để có được những đánh giá trung thực, khách quan về doanh nghiệp. “Nhà đầu tư muốn mua đúng giá, Nhà nước cũng muốn bán đúng giá và chính xác, thì cần phải có một cơ quan như vậy”, ông Thường nói.

Hà Nguyễn

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Cosevco IPO gần 24 triệu cp, giá 10,300 đồng/cp (03/06/2011)

>   Petrolimex chỉ đấu giá công khai 2,5% vốn điều lệ (01/06/2011)

>   VNPT trình Chính phủ phương án thoái vốn VinaPhone và MobiFone (01/06/2011)

>   VnSteel: Ưu thế về thị phần thép và quỹ đất 7 triệu m2 (31/05/2011)

>   Vụ CPH Công ty Du lịch Tiền Giang: Bán đấu giá sai quy định (31/05/2011)

>   Khi “tổng” 91 đầu tiên IPO (30/05/2011)

>   Vnsteel: 4 DN thép lớn nước ngoài muốn làm cổ đông chiến lược (27/05/2011)

>   Inexim Daklak đã đấu giá hơn 1 triệu cổ phần (25/05/2011)

>   Thủy điện Đa Nhim lại đấu giá hơn 105 triệu cp (19/05/2011)

>   Ngày 10/6, IPO Tổng công ty Thép (16/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật