Doanh nghiệp còn khổ sở vì thủ tục hành chính
Cải cách hành chính sẽ chỉ là khẩu hiệu nếu những thủ tục, giấy tờ vẫn chưa được rà soát lại và doanh nghiệp vẫn có cảm giác mình phải tận dụng các mối quan hệ để thực hiện các thủ tục đó. Đây là ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp tại hội thảo về cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh do phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam phối hợp với viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức hôm qua (28.6) tại Hà Nội.
Một cửa nhưng nhiều đầu mối
Bà Phạm Ngọc Linh đưa tay chỉ lên mỗi chuỗi những zíc-zắc trong việc thực hiện các thủ tục hành chính mà doanh nghiệp đang phải thực hiện trong việc tiếp cận đất đai tại các địa phương do chính và vẽ ra qua thực tế nghiên cứu tại bốn tỉnh: Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Bình Định và Bà Rịa - Vũng Tàu. “Từng này bước, doanh nghiệp không thể biết được bao giờ thì xong thủ tục với quá nhiều các giấy tờ như vậy”, bà Linh nói.
|
Thủ tục hành chính hiện giờ vẫn là nỗi sợ hãi của nhiều doanh nghiệp và người dân. |
Bà Linh hiện là giám đốc công ty MCG (đơn vị tư vấn cho công ty Kiểm toán và tư vấn tài chính quốc tế (IFC) đã có một nghiên cứu chi tiết về việc cải cách quy trình thủ tục về đầu tư, đất đai và xây dựng. Cộng dồn tất cả các bước mà doanh nghiệp bình thường phải thực hiện kể từ khi xác định địa điểm đầu tư tới khi có được giấy phép xây dựng là 63 thủ tục hành chính. Tất cả những thủ tục đó, doanh nghiệp phải làm lần lượt theo trình tự nên chỉ cần chậm một thủ tục là làm chậm cả quy trình. “Thực tế có nhiều loại giấy tờ trùng lặp, doanh nghiệp phải nộp cùng một loại hồ sơ cho các thủ tục khác nhau tại cùng một cơ quan”, bà Linh nói. Chính bởi vậy doanh nghiệp không tiên liệu được thời hạn mà hồ sơ của mình được giải quyết cho dù hiện tại hầu hết các bộ phận hành chính ở các địa phương đều được công bố là “một cửa”.
“Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại bộ phận văn thư của cơ quan hành chính và sau đó lại phải tiếp xúc với nhiều phòng chuyên môn giải quyết công việc của mình. Như vậy, tuy một cửa lại nhiều đầu mối”, bà Linh nói. Chính bởi vậy, dù nỗ lực cải cách hành chính nhưng thực tế vẫn chưa như mong đợi.
Tới thời điểm này, một số địa phương đã có những việc làm cụ thể để cải cách thủ tục hành chính. Ví dụ như ở Thừa Thiên- Huế trước đây, kể từ khi doanh nghiệp được chấp nhận chủ trương đầu tư đến khi có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải đến cơ quan nhà nước khoảng 38 lần với 58 giấy tờ cần nộp và số ngày chờ giải quyết khoảng gần 250 ngày. Tuy nhiên hiện nay sau khi cải cách thủ tục hành chính, doanh nghiệp chỉ phải đến cơ quan nhà nước khoảng 20 lần với khoảng 32 giấy tờ cần nộp và chờ giải quyết khoảng 150 ngày. Nhưng thực tế những thủ tục ấy vẫn còn rườm rà và cần được cải cách triệt để.
Cải cách thế nào mới triệt để?
Thông thường một doanh nghiệp muốn đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc dấu nhanh nhất cũng phải mất 8 ngày chưa kể ngày nghỉ, nhưng ở tỉnh Ninh Thuận thời gian giải quyết những thủ tục này được gói gọn trong 3 ngày. Ở đây thời gian giải quyết nhiều thủ tục hành chính khác cũng được gói gọn lại như: thay đổi sau đăng ký kinh doanh từ 5 ngày còn 3 ngày, thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư với những dự án không thuộc diện phải được Thủ tướng chấp thuận chủ trương trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư giảm từ 30 ngày xuống còn 15 ngày…
Để nhanh có được các kết quả như vậy, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục thông qua Văn phòng phát triển kinh tế Ninh Thuận (EDO). Văn phòng này chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3 năm 2010 với mô hình “một cửa liên thông” theo đúng nghĩa. Doanh nghiệp được tư vấn và làm các thủ tục nộp cho EDO, việc kết nối với các ban, ngành khác trong tỉnh như: các sở, các huyện thị, cục thuế, trung tâm phát triển quỹ đất… là việc của EDO. Có rất nhiều thủ tục thuộc thẩm quyền được EDO thực hiện ngay trong ngày.
Mới chính thức đi vào hoạt động được hơn một năm nhưng văn phòng phát triển kinh tế Ninh Thuận (EDO) đã góp phần làm tăng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Ninh Thuận lên 7 bậc. Ông Trương Xuân Vỹ, giám đốc EDO cho biết mô hình mới nhất trên cả nước với bốn mục tiêu chính: tăng cường mối quan tâm của các nhà đầu tư, đơn giản hoá các thủ tục, đề xuất cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính và cải thiện năng lực của các cơ quan liên quan tại tỉnh Ninh Thuận.
Tuy EDO là cơ quan trực thuộc sở Kế hoạch và Đầu tư nhưng được hưởng một cơ chế đặc biệt là báo cáo thẳng lên Uỷ ban tỉnh những vướng mắc cần giải quyết nhanh để hỗ trợ nhà đầu tư. Theo ông Vỹ, để đảm bảo tuyển dụng được những cán bộ giỏi, đủ năng lực, hiện EDO đang xin một cơ chế lương, thu nhập riêng “để giảm triệt để các chi phí riêng, không chính thức từ việc thực hiện các thủ tục hành chính”.
Lê Phượng
sài gòn tiếp thị
|