CTCK tìm giải pháp cho những phép tính sai
Gốc rễ khó khăn của các CTCK hiện nay là trào lưu phát triển mang tính tự phát cách đây vài năm. Các giải pháp tình thế và căn cơ lâu dài đang được nhiều CTCK tính đến, nhằm giải quyết cho những phép tính sai!
Các “ông lớn” tái cơ cấu mảng môi giới
Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT CTCK Sacombank (SBS) cho biết, hai tháng trước, SBS hoàn tất tái cơ cấu qua việc đóng cửa hai chi nhánh và “rút gọn” thêm gần 100 nhân viên, giảm 1/4 quân số. Đường lối hoạt động của SBS cũng có các thay đổi mang tính chiến lược. Nếu như những năm trước, SBS phát triển và mở rộng nhanh, thì nay các yếu tố phát triển cân đối, quản trị rủi ro đang được đặt lên hàng đầu.
Tuần trước, CTCK HSC khai trương trụ sở và sàn giao dịch mới tại Tòa nhà AB Tower (TP. HCM). Hai tầng của tòa nhà đã được Công ty thuê dài hạn hơn 40 năm. Trước đó, HSC công bố đóng cửa chi nhánh 3/2 (TP. HCM). Hai năm qua, dù “ghi điểm” trong hoạt động môi giới, nhưng ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc HSC tỏ ra chưa hài lòng và cho biết, ở mảng này, Công ty vẫn đang thực hiện tái cơ cấu. Hiện thời, cơ cấu doanh thu môi giới giữa khối NĐT tổ chức và cá nhân của HSC là 1:1. Tương lai, tỷ lệ này sẽ là 3:1.
Tương tự SBS và HSC, CTCK ACB thông báo đóng cửa 2 chi nhánh và 1 phòng giao dịch; CTCK Vina công bố chấm dứt sự hiện diện của Chi nhánh Hà Nội.
Vụ nổ “big-bang” của TTCK Việt Nam giai đoạn 2006 - 2007 kéo theo sự bùng phát số lượng CTCK. Thế nhưng, ngoại trừ một số giai đoạn thị trường bùng nổ theo độ mở của chính sách tiền tệ, trong phần lớn thời gian còn lại, xu hướng chính của thị trường là suy thoái. Sau 3 - 4 năm nhận ra câu chuyện thần kỳ không thể đến, các “ông lớn” buộc phải nghĩ đến giải pháp thực tế là thay đổi. Mảng hoạt động ngân hàng đầu tư (Investment Banking) đang được nhiều CTCK lớn hướng tới, để cân đối với hoạt động môi giới và tự doanh vốn “sớm nở, tối tàn” theo thị trường.
CTCK nhỏ cắt giảm chi phí
Cuối tháng 4, nhiều con mắt đổ dồn vào ĐHCĐ của CTCK Sài Gòn (SSI). Bởi lẽ, đây là CTCK thành công nhất trên thị trường. Thế nhưng, tại ĐHCĐ, lãnh đạo SSI chia sẻ, chứng khoán là ngành kinh doanh đặc thù, thời điểm hiện tại (tháng 4), nếu có tiền mặt thì không gì hiệu quả bằng kinh doanh với các nhà băng! Khi “lá cờ đầu” không bay lên, liệu có cơ hội nào với CTCK nhỏ?
Câu trả lời dường như đã có trong tháng 5. Tin tức về việc đóng cửa chi nhánh của các CTCK nhỏ liên tục xuất hiện: CTCK Phố Wall dừng hoạt động Chi nhánh Sài Gòn và tạm ngừng Phòng giao dịch Hoàn Kiếm; CTCK Sen Vàng biến Phòng giao dịch Trương Định (TP. HCM) thành trụ sở để thu hẹp hoạt động; CTCK Đông Dương đóng cửa Phòng giao dịch Chợ Lớn; CTCK Sao Việt đóng cửa Chi nhánh TP. HCM…
Môi giới dù không bù đắp được chi phí, nhưng là nghiệp vụ lõi của CTCK. Lĩnh vực kinh doanh chính bị thu hẹp là dấu hiệu cho thấy “cái chết từ từ” đang đe dọa các CTCK nhỏ. Trên thực tế, sự tồn tại theo nghĩa đen đang diễn ra: CTCK CTCK Tầm Nhìn và CTCK Nam Việt lỗ 4 năm liên tiếp; CTCK Nam An, CTCK Hà Nội lỗ 3 năm liên tiếp; CTCK Miền Nam và CTCK Cao su cùng vốn điều lệ 40 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu hiện chỉ còn 18 tỷ đồng và 15 tỷ đồng. Cơ may duy nhất cho các CTCK này có lẽ là thị trường đảo chiều đi lên bền vững.
Cơ quan quản lý kỳ vọng vào hoạt động M&A sẽ thu hẹp số lượng CTCK hiện nay. Thế nhưng, ông Tô Hải, Tổng giám đốc CTCK Bản Việt cho rằng, đặt vào cương vị người mua, các CTCK nhỏ không có gì hấp dẫn từ tài sản, công nghệ, con người... Ông Johan Nyvene thì nhận định, thị trường vẫn có thể chứng kiến các cuộc mua bán cổ phần của CTCK, nhưng xu hướng M&A tài sản sẽ không xảy ra trong năm 2011, khi khó tìm được CTCK nhỏ có hoạt động kinh doanh “sạch”, không dính nợ nần.
Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một CTCK cho biết, sẽ âm thâm chuyển đổi thành mô hình công ty đầu tư. Đầu năm nay, số nhân sự ở công ty là trên 80 người, hiện còn hơn 50 người. Sắp tới, công ty sẽ giảm tiếp xuống 35 người, hướng tới con số cuối cùng khoảng 15 người. Công ty sẽ chỉ tập trung vào hoạt động đầu tư. Về môi giới, công ty sẽ không quảng bá, nhưng vẫn cung cấp dịch vụ nếu như khách hàng yêu cầu.
Giang Thanh
đầu tư chứng khoán
|