Đầu tư theo tỷ suất sinh lợi cổ tức
Những ngày cuối tháng 5, các ngân hàng thương mại (NHTM) không còn sẵn sàng trả mức lãi suất cao tới 19 - 20%/năm, cho thấy đây là tín hiệu tốt đối với thị trường chứng khoán (TTCK). Đứng trước những dấu hiệu này, theo một số chuyên gia chứng khoán thì đầu tư hưởng cổ tức lúc này được đánh giá là tốt.
Chưa đến mức tuyệt vọng
Mặc dù xu thế đi xuống đã yếu dần trong suốt thời gian vừa qua nhưng thị trường lại được duy trì bởi các lệnh bán mang tính bắt buộc và giá cổ phiếu lại một lần nữa điều chỉnh xuống mức thấp trong lịch sử và gần như mất hoàn toàn giá trị.
Chuyện cổ phiếu “rẻ hơn mớ rau” và nhiều cổ phiếu có giá trị thị trường còn thấp hơn khoản tiền mặt của công ty ngày càng xuất hiện trên các mặt báo khiến những suy nghĩ lệch lạc về thị trường cũng từ đó nhiều lên. Từ đó, có thể nói, với đợt rơi tự do trong tháng 5, nhiều nhà đầu tư dường như cảm thấy tuyệt vọng.
Tuy nhiên, theo nhận định của một chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán (CTCK) SME, đợt sụt giảm kéo dài 10 phiên liên tiếp trong những ngày cuối tháng 5 đã kéo mặt bằng giá cổ phiếu xuống mức thấp mới.
Trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn có tốc độ tăng trưởng tốt, 5 tháng đầu năm vẫn vượt kế hoạch đề ra, có triển vọng cổ tức ở mức cao so với thị giá và có tỷ suất cổ tức cao hơn so với việc gửi lãi suất tiết kiệm ngân hàng.
Do đó, việc đầu tư quá hấp dẫn mặc dù phần lớn nhà đầu tư ở Việt Nam là những nhà đầu cơ lướt sóng ngắn hạn. Việc đa số cổ phiếu xuống dưới mệnh giá, trong đó có nhiều cổ phiếu Bluechip thì việc mua theo cách này sẽ giảm đáng kể rủi ro.
Quả thực, sau chuỗi ngày đi ngang, thị trường chứng khoán đã giảm mạnh trong tháng 5. Tất cả các ngành các cổ phiếu đều giảm điểm mạnh trong những tháng vùa qua.
Chỉ số HNX-Index đã phá vỡ mốc đáy cũ vào tháng 2/2009 và đã có mức thấp nhất trong lịch sử của mình. Chỉ số VN-Index cũng đã rơi thấp hơn mốc 400 điểm trong vòng 2 năm qua.
Từ những dữ liệu đó, có thể nói rằng TTCK Việt Nam đã rơi vào cuộc “khủng hoảng kép” và là thị trường “tồi tệ nhất thế giới” trong hơn 2 năm qua.
Đối với nhiều nhà đầu tư, sự sụt giảm của thị trường sẽ là cơ hội cho một lớp nhà đầu tư mới. Bằng chứng là trong tuần đầu tháng 6, thị trường đã tạo được một đợt sóng là tăng 6 phiên liên tiếp. Rồi sau đó các nhà đầu tư “lướt sóng” bán tháo chốt lời.
Sự phục hồi phụ thuộc vào tính thanh khoản của thị trường
Cơ hội là có nhưng dường như điều đó đang chưa bền vững vì với những tín hiệu hiện tại, các chuyên gia vẫn nhận thấy tâm lý của nhà đầu tư vẫn còn rất bi quan. Lý do là vấn đề giải chấp, nợ xấu của các CTCK, khả năng thu hẹp hoạt động của dịch vụ tài chính khi lãi suất cho vay ở mức cao và nguồn tiền huy động làm dịch vụ của các CTCK vẫn gặp khó khăn.
Trên thực tế, giá trị giải chấp là bao nhiêu vẫn được nhiều NĐT ước lượng. Nếu theo thống kê sơ bộ của một CTCK tại 45 CTCK có vốn lớn, hiện nay tổng nợ vay của nhóm này (bao gồm vay ngắn hạn và vay dài hạn) ước tính khoảng gần 47,5 ngàn tỷ đồng, lượng tiền tài trợ cho nhà đầu tư vào khoảng 33 ngàn tỷ đồng.
Như vậy, nếu tình hình tiền tệ tiếp tục diễn ra tiêu cực hơn, thì các CTCK sẽ tiếp tục đứng trước một áp lực rất lớn đối với các khoản nợ ngắn hạn. Theo đó, khả năng bán mạnh cổ phiếu để thu hồi nợ ở các đơn vị nói trên vẫn sẽ chưa kết thúc.
Một điểm đáng chú ý nữa tác động đến TTCK mà theo CTCK SME đó là sự cải thiện thanh khoản của thị trường. Theo đó, độ rộng của thị trường phải tăng lên và phải có sự góp mặt của nhóm đầu cơ cao chứ không phải sự đóng góp của bộ ba cổ phiếu vốn hóa lớn nhất khi thị trường tăng điểm.
Như vậy, có thể thấy rằng, vẫn còn quá sớm để khẳng định thời suy giảm của thị trường đã kết thúc. Bởi lẽ, hiện nay để biết tín hiệu của thị trường như thế nào chỉ có thể phụ thuộc vào thanh khoản của thị trường.
Nếu thanh khoản của thị trường cải thiện trong những ngày đầu tháng 6 và trở lại giao dịch với 30 triệu cổ phiếu/phiên thì đó chính là lời khẳng định chắc chắn của sự kết thúc chu kỳ giảm giá vừa qua.
Quỳnh Vũ
doanh nhân sài gòn
|