Thứ Hai, 13/06/2011 18:03

Chứng khoán Mỹ vào “đêm”?

TTCK Mỹ hôm thứ Sáu tuần trước đã có phiên giao dịch “sa sẩm mặt mày” với việc chỉ số Dow Jones rơi xuống dưới ngưỡng 12.000 điểm, lần đầu tiên kể từ tháng 3, nối dài chuỗi tuần giảm điểm liên tiếp lên 6 tuần, một vết trượt dài nhất kể từ năm 2002. Phải chăng, đây là dấu hiệu của một buổi đêm mới đối với TTCK Mỹ?

Các mã blue-chip đã bị “đánh tụt” bằng sự sợ hãi đối với thông tin kinh tế Mỹ tiếp tục yếu đi, cũng như những dấu hiệu về khả năng Hy Lạp không thể trả được nợ ngày càng rõ ràng hơn, bên cạnh đó là những lo lắng về tăng trưởng chậm lại của châu Á. Sự giảm giá của các cổ phiếu này đã lấy đi của chỉ số Dow Jones 172,45 điểm (1,4%) và đẩy chỉ số này xuống còn 11.951,91 điểm. Chỉ số tổng hợp Nasdaq, vốn bấu víu vào các cổ phiếu công nghệ cũng đã giảm nhẹ trong năm nay.

Nhiều người tin rằng chứng khoán Mỹ chỉ bị tối dưới bóng mây đến từ một số nơi như nợ công ở châu Âu hay giảm cầu ở châu Á và chúng sẽ qua đi chứ không phải đang đối mặt với màn đêm khủng hoảng.

Các nhà kinh tế cho rằng, nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại là do các thảm hoạ thiên tai tại Nhật Bản và sự tăng giá dầu trong thời gian gần đây. Hầu hết đều cho rằng tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ sớm khởi sắc trở lại. FactSet cho biết hôm thứ Sáu rằng, các nhà phân tích của các công ty môi giới vẫn chưa cắt giảm dự báo thu nhập công ty trong quý II.

Thực tế, ngoại trừ “ngày thứ Sáu đen” vừa qua, phạm vi giảm điểm của thị trường gần đây là tương đối nhẹ nhàng. Sau 6 tuần giảm điểm, chỉ số Dow cũng chỉ mất đi 6,7% giá trị so với đỉnh cao tháng 4, tức là chỉ mất hơn 1% mỗi tuần.

Cái gọi là “chỉ số sợ hãi”, một thước đo được biết đến với cái tên Vix, phản ánh việc sử dụng các quyền chọn của các nhà đầu tư lo lắng, vẫn tương đối bình lặng trong suốt giai đoạn giảm điểm này. Hôm thứ Sáu, nó vẫn ở dưới mức 20 điểm, thấp hơn nhiều so với các mức hoảng loạn 30 hay 40.

Nhiều nhà quản lý tiền tệ đã nói với các khách hàng trong tuần trước rằng, sự suy giảm của chứng khoán chỉ là tạm thời. Tổ chức U.S. Trust vừa công bố một báo cáo với tựa đề “Thị trường suy yếu: 10 lý do để không hoảng loạn”. Birinyi Associates, tổ chức từng dự đoán chính xác về sự tăng giá của chứng khoán trong giai đoạn phục hồi 2 năm qua đã gửi một báo cáo nhắc nhở mọi người rằng, những lo lắng hiện hữu nghe như là những gì của một năm trước.

Trong khi các nhà đầu tư còn chưa nắm được điều gì chắc chắn xung quanh vấn đề nợ công tại châu Âu và tăng trưởng tại Mỹ cũng những nơi khác, họ đang hành động như thể là những vấn đề đó sẽ được giải quyết. Một vài nhà đầu tư còn hy vọng rằng, nếu nền kinh tế có dấu hiệu xấu đi, Fed sẽ thay đổi ý định và triển khai gói kích thích kinh tế thứ ba, QE3.

Nhưng thái độ của các nhà đầu tư có thể thay đổi theo chiều hướng xấu hơn, trừ khi những lo lắng hiện tại nhanh chóng được giải quyết. Ngay cách đây một năm, các nhà đầu tư đã phản ứng mạnh hơn nhiều với cùng những vấn đề như tăng trưởng toàn cầu, nợ nần của châu Âu và sự mất sinh khí của nền kinh tế Mỹ. Phản ứng của các nhà đầu tư khi đó đã làm chỉ số Dow giảm tới gần 14% trong khoảng thời gian từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 7.

“Vẫn có khả năng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn những điều mà hầu hết mọi người đang nhìn nhận”, Bruce McCain, chiến lược gia đầu tư của Cleveland’s Key Private Bank, người quản lý 22 tỷ USD nói.

Ông McCain không dự đoán về khả năng thảm hoạ mà cùng các cộng sự đang hy vọng kinh tế Mỹ và thế giới sẽ hồi phục. Nhưng để an toàn, McCain chỉ nói rằng ông đã bắt đầu thu được các khoản lời từ các chứng khoán đầu tư tại châu Âu, Nhật Bản và các nền kinh tế đang phát triển.

Một điều không chắc chắn lớn ở thời điểm này là không có dấu hiệu Fed sẽ theo đuổi chính sách cứu trợ trở lại. Các quan chức, dẫn đầu là chủ tịch Ben Bernanke đã dùng cả tuần trước để cảnh báo rộng rãi rằng, họ không sẵn sàng mở rộng chương trình mua 600 tỷ USD trái phiếu. Nhiều nhà phân tích đánh giá chính sách đồng tiền rẻ của Fed là nguyên nhân đơn lẻ lớn nhất giúp thị trường chứng khoán hồi phục từ mùa thu năm ngoái.

Nếu như kinh tế Mỹ không trỗi dậy vững chắc, nếu cuộc khủng hoảng nợ châu Âu trở nên tồi tệ hay nếu kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Brazil giảm tốc, đó sẽ là một cú sốc điếng người đối với nhiều nhà đầu tư và có thể đẩy chứng khoán giảm sâu hơn nhiều.

“Rủi ro lớn nhất là tình huống tại châu Âu”, chiến lược gia đầu tư Jason Pride của Glenmede Trust nói. Nỗi sợ đang lan rộng trở lại giữa những nhà đầu tư rằng, Tây Ban Nha, một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể bị kéo sâu vào vòng xoáy nợ nần.

Quang Huy (Theo báo chí nước ngoài)

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Tháng 8, các ngân hàng Mỹ sẽ giảm sử dụng trái phiếu kho bạc (13/06/2011)

>   Fed - nhà đầu tư trái phiếu kho bạc lớn thứ 2 trong quý 1/2011 (11/06/2011)

>   Giảm một mạch 6 tuần, Dow Jones lao xuống dưới 12,000 điểm (11/06/2011)

>   Nhà đầu tư Mỹ ngày càng bi quan về thị trường chứng khoán (10/06/2011)

>   Chứng khoán Mỹ tăng phiên đầu tiên trong tháng 6 (10/06/2011)

>   Không có QE3, S&P 500 sẽ xuống 1,200 điểm vào cuối năm (09/06/2011)

>   Doanh nghiệp Mỹ tìm đường niêm yết tại nước ngoài (09/06/2011)

>   Dow Jones và S&P 500 giảm phiên thứ 6 liên tiếp (09/06/2011)

>   Các nhãn hiệu xa xỉ đua nhau niêm yết ở Hong Kong (08/06/2011)

>   Chọn nước ngoài để IPO (08/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật