Thứ Bảy, 21/05/2011 15:31

Xuất khẩu sang Nhật: mặt hàng nào có lợi thế?

Sau thảm hoạ động đất và sóng thần tháng 3-2011, nhu cầu tiêu dùng của Nhật Bản bị sụt giảm trong ngắn hạn, nhưng dự báo sẽ tăng mạnh đối với một số hàng hoá trong thời gian khoảng một năm sau đó.

Sau đây là một số thông tin được lược ghi từ cuộc đối thoại trực tiếp chiều 20-5 do Bộ Công thương tổ chức và thực hiện tại Cổng thông tin Thị trường nước ngoài (TTNN) (http://www.ttnn.com.vn) nhằm cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp xuất khẩu, những cập nhật mới nhất về thị trường Nhật Bản.

Theo ông Võ Thanh Hà, Trưởng phòng Đông Bắc Á - Vụ Châu Á Thái Bình Dương, Bộ Công thương, do ảnh hưởng của thiên tai, nhìn chung khả năng thanh toán của các công ty Nhật sẽ giảm. Ngoài ra, mức tiêu thụ hàng tiêu dùng (dệt may, giày dép, thủy hải sản) sẽ giảm trong ngắn hạn do tâm lý tiết kiệm, dự phòng trong tiêu dùng tăng. Trước mắt, nhu cầu nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất cũng sẽ bị tác động do sản xuất suy giảm.

Tuy nhiên, theo ông Hà, trong khoảng một năm sau khi thảm họa hạt nhân được kiểm soát, cơ hội tăng xuất khẩu của Việt Nam là thuận lợi.

Cụ thể, nhóm hàng tiêu dùng sẽ có thị trường, đặc biệt là nhóm nông, thủy sản do người dân Nhật Bản chuyển hướng sang tiêu dùng hàng hoá an toàn nhằm tránh rủi ro từ hàng có xuất xứ trong khu vực bị nhiễm xạ.

Hơn nữa, hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là hàng tiêu dùng, nằm ở phân nhóm trung bình và thấp, nên số lượng khách hàng lớn và khả năng bị tác động do giảm chi tiêu không nhiều.

“Kinh nghiệm của khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008-2009 cũng đã minh chứng cho điều này”, ông Hà nói.

Đối với nhóm nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, khi quá trình tái thiết bắt đầu diễn ra, nhu cầu đối với những nhóm hàng phục vụ xây dựng, khôi phục hạ tầng và năng lực sản xuất sẽ tăng cao, đặc biệt là những nhóm hàng thiết yếu, ta đã từng cung cấp có uy tín tại Nhật Bản như than đá, dây cáp điện, linh kiện điện tử, sản phẩm cao su.

Như vậy, cơ hội đối với xuất khẩu là thuận lợi, bao gồm cả cơ hội đối với nhóm hàng xuất khẩu truyền thống của ta và cơ hội với một số nhóm hàng mới (ví dụ nhóm hải sản mới ngoài tôm).

Tuy nhiên, ông Hà cho rằng, ngoài việc cản trở ngắn hạn đối với một số mặt hàng xuất vào Nhật Bản, thảm hoạ ngày 11-3 tại Nhật Bản cũng có ảnh hưởng khác đến Việt Nam. Ví dụ như, các công ty sản xuất về phụ tùng sẽ đình trệ không cung cấp cho các công ty Việt Nam, ngược lại việc nhập khẩu chi tiết từ Việt Nam cũng tạm ngừng.

Thuỷ sản

Cụ thể đối với mặt hàng thuỷ sản, thảm hoạ động đất tại Nhật Bản hôm 11-3 đã gây thiệt hại cho các cảng quanh khu vực Tokyo – nơi phần lớn thủy sản xuất khẩu của Việt Nam cập bến và từ đây phân phối sang các nơi khác. Việc này gây cản trở cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản về ngắn hạn.

Ông Võ Thanh Hà cho biết: “Theo diễn biến mới đây, các đơn hàng nhập khẩu thủy sản của Việt Nam qua Nhật Bản lại đã tăng nhanh, giá vẫn giữ ở mức cao không hề giảm”.

Nhật Bản có truyền thống tiêu thụ thủy sản lớn trong khi vùng biển bị ảnh hưởng rộng nên nguồn thủy sản nhập khẩu sẽ có cơ hội tăng mạnh. Hiện tại, người dân Nhật rất cần thực phẩm sạch, trong đó có tôm đông lạnh, cá tra phi lê… Thêm vào đó, hậu quả sau thảm hoạ động đất có thể dẫn đến một số loài thủy sản có thể bị cấm khai thác tại nước này do nhiễm phóng xạ và các nhà máy chế biến thủy sản vùng phía Bắc Tokyo có khả năng đóng cửa, nên đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ông Hà nói.

Trong các mặt hàng thủy sản, hiện tôm và mực đang là những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao và được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản đạt trên 581 triệu đô la Mỹ, tăng 27,6% so với năm 2009, chiếm hơn 23% thị phần nhập khẩu của Nhật Bản và Việt Nam trở thành đối tác cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản.

Đối với mặt hàng mực (và các loài nguyễn thể), kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản năm 2010 đạt hơn gần 114 triệu đô la Mỹ với tốc độ tăng trưởng bình quân 23,3%/năm so với năm 2009. Hiện Việt Nam đang chiếm khoảng 8% thị phần và đứng thứ 5 trong số các nước xuất khẩu mực vào Nhật Bản.

Ngoài ra, Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản cũng đã và đang đem lại cơ hội cho xuất khẩu của thủy sản Việt Nam vào thị trường này. Đối với mặt hàng thủy sản, trong số 330 mặt hàng, đã có 64 mặt hàng được giảm thuế ngay khi hiệp định được thực thi, chiếm tới 71% xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản. Riêng tôm Việt Nam vào Nhật Bản được hưởng thuế 0%.

Ngoài ra, do giá rẻ, nhu cầu tiêu dùng cá basa ở Nhật Bản cũng đang tăng lên do số người tiêu thụ món ăn được chế biến từ cá basa như tẩm bột rán có xu hướng tăng. Để có thêm thông tin khách hàng đối với mặt hàng cá basa, doanh nghiệp có thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Văn phòng JETRO tại Hà Nội, Hiệp hội các nhà XNK thủy sản Nhật Bản www.jfta-or.jp/

Hàng dệt may

Ông Hà cho biết, theo thống kê hiện tại nhóm hàng may mặc xuất sang Nhật Bản ít bị ảnh hưởng. Thời gian tới người tiêu dùng sẽ chủ yếu mua những mặt hàng vừa phải không quá đắt - đây được xem là cơ hội cho mặt hàng may mặc tương đối vừa phải của Việt Nam.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của trì trệ kinh tế kéo dài, nên hàng hiệu đắt tiền hiện cũng được tiêu thụ ít tại Nhật Bản, thay vào đó là những mặt hàng có tính thời trang đa dạng, chất lượng phù hợp, không quá bền chắc.

Giới trẻ Nhật Bản có khả năng tự thiết kế phong cách trang phục cho riêng mình dựa trên những thông tin về thời trang qua tạp chí và truyền hình. Do đó, đây được xem là cơ hội cho các nhà xuất khẩu nghiên cứu sáng tạo ra những sản phẩm may mặc vừa mang tính phổ thông, hiện đại nhưng dễ chỉnh sửa, để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trẻ tuổi Nhật Bản với số lượng hàng xuất khẩu ngày một tăng cao.

Theo ông Tạ Đức Minh, tuỳ viên thương mại thuộc Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, yêu cầu của Nhật Bản hiện nay là doanh nghiệp dệt may có thể đáp ứng đơn hàng nhỏ, chất lượng tốt, đa dạng mẫu mã, đa dạng về màu sắc, chủng loại, và nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng thay đổi liên tục theo mùa và theo từng năm.

Ông Minh cũng tự vấn doanh nghiệp Việt Nam nên tham gia các cuộc triển lãm về hàng may mặc, triển lãm thời trang tại Nhật Bản để nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu liên tục thay đổi. Có các doanh nghiệp đã mua lại các bản thiết kế tại các cuộc thi thời trang của Nhật Bản để sản xuất bán hàng sang Nhật Bản.

Năm 2010, dệt may đứng vị trí thứ nhất trong cơ cấu hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dêt may là 1,154 tỉ đô la Mỹ.

Theo ông Võ Thanh Hà, những khó khăn mà doanh nghiệp thường mắc phải khi thâm nhập thị trường Nhật Bản là:

- Tập quán kinh doanh, ngôn ngữ của người Nhật ảnh hưởng tới việc nắm bắt thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam.

- Nhiều doanh nghiệp Việt Nam mắc phải hàng rào về vệ sinh thực phẩm, một số tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản khác các tiêu chuẩn quốc tế.

- Nhiều doanh nghiệp Việt nam không khảo sát trước thị trường nên không biết trước hệ thống phân phối tại Nhật Bản rất phức tạp.

- Doanh nghiệp thường không có lịch trình trước khi sang Nhật Bản. Giá cả Nhật Bản khá đắt đỏ, như chi phí taxi, khách sạn, ăn uống.

T.Nguyệt

tbktsg

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp xuất khẩu chưa mặn mà với bảo hiểm tín dụng (21/05/2011)

>   Giá các mặt hàng thiết yếu có xu hướng ổn định (21/05/2011)

>   Hạ thủy khối thượng tầng nặng 1.100 tấn (21/05/2011)

>   Lãi suất cao ngất ngưỡng, doanh nghiệp phải làm gì? (21/05/2011)

>   Sẽ tăng giá xuất khẩu cá tra (21/05/2011)

>   Nhật là thị trường tiềm năng cho ngành nhựa VN (20/05/2011)

>   Tạm dừng nhập đường: DN sẽ không găm hàng, đẩy giá? (20/05/2011)

>   VRG muốn xây dựng kho ngoại quan ở Trung Quốc (20/05/2011)

>   Vinapco ra “tối hậu thư” đòi nợ Jestar Pacific 170 tỷ (20/05/2011)

>   Đề xuất giải pháp bình ổn thị trường đường (20/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật