Thứ Sáu, 20/05/2011 22:38

Tạm dừng nhập đường: DN sẽ không găm hàng, đẩy giá?

Chính phủ vừa đồng ý tạm dừng nhập khẩu 126.000 tấn đường trong hạn ngạch nhằm thúc đẩy tiêu thụ đường nội địa. Nhưng liệu các doanh nghiệp mía đường có "trục lợi" để đầu cơ, làm giá?

Bên lề hội nghị tổng kết ngành mía đường sáng 20.5, chủ tịch hiệp hội Mía đường Nguyễn Thành Long trao đổi với báo chí.

Hiện có sự chênh lệch giá đáng kể giữa đường bán ra tại nhà máy và đường trên thị trường, có nơi chênh gần 10.000đ/kg, khiến nhà máy bán giá thấp nhưng người tiêu dùng vẫn bị thiệt vì mua giá cao, ông lý giải thế nào?

Ông Nguyễn Thành Long: Từ nhà máy đến tay người tiêu dùng thì giá cả chênh lệch là điều bắt buộc vì phải gánh nhiều chi phí, công đoạn.

Đúng là thời gian qua, nhiều siêu thị có dấu hiệu độc quyền, hơi lạm dụng điều kiện kinh doanh để đưa giá đường lên cao với mức 23.000 – 24.000đ/kg (giá đường bán tại nhà máy là khoảng 18.000đ/kg). Nhưng theo tôi được biết thì không hề có chuyện đường bán lẻ đang ở mức 28.000đ/kg như dư luận vừa nêu.

Hơn nữa, đường bán tại siêu thị là đường kính trắng RE, chia nhỏ đóng gói và bán lẻ nên giá bán cao hơn đường nhập sỉ RS. Tại các hệ thống thương mại, hai loại đường này chênh nhau khoảng 5.000đ/kg nên đường bán lẻ đang đứng giá cao là điều dễ hiểu.

Có ý kiến nói việc "làm giá" cho thấy sự thống nhất, liên kết giữa nhà sản xuất và nhà thương mại còn lỏng lẻo, gây nhiễu thị trường?

Theo tôi thì chẳng có ai đòi hỏi sự liên kết giữa nhà sản xuất và nhà thương mại cả. Điều này tùy vào sự chọn lựa của thị trường. Và tôi cũng được biết trên thế giới cũng không có tiền lệ về sự liên kết này. Nhà sản xuất bán sản phẩm cho nhà thương mại, còn tùy vào cân đối thị trường để nhà thương mại lựa chọn mức giá bán ra sao cho phù hợp. Các nhà máy đường không thể nào điều chỉnh giá cả được vì đó là quyền của nhà thương mại.

Việc Chính phủ cho tạm dừng nhập khẩu, là để thúc đẩy thị trường đường nội địa, nhưng cũng có lo ngại rằng, các doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ hội này để găm hàng, làm giá?

Trong hoàn cảnh hiện nay thì không ai dám trữ đường để găm hàng, cả nhà máy lẫn nhà thương mại. Tính toán sơ bộ cho thấy lãi suất ngân hàng mà các doanh nghiệp này đang phải trả tính bình quân mỗi tháng khoảng 300đ/kg đường. Với sức tiêu thụ hàng trăm, hàng ngàn tấn thì đây là áp lực quá lớn. Hiện các nhà máy đường đang ngấp nghé mức lỗ và cũng đã lỗ rồi, trữ đường găm hàng chờ tăng là quá rủi ro. Bên cạnh đó, sản lượng đường vụ tới dự báo đạt trên 1,3 triệu tấn, đường thế giới cũng đang trúng mùa và dễ dàng nhập lậu. Tất cả những thông tin này cho thấy khó doanh nghiệp nào dám trữ đường, tôi cam đoan điều này. Vấn đề cần làm hiện tại là cân đối nguồn cung đường hợp lý ra thị trường để không bị nhiễu loạn giá.

Doanh nghiệp đang chịu lỗ, nay lại đối mặt với việc đường nhập lậu ồ ạt. Hiệp hội có giải pháp gì để đối phó với vấn đề này?

Có quá nhiều vấn đề đối với đường nhập lậu! Hiện đường nhập lậu vào nước ta chủ yếu từ Thái Lan do nước này thừa quota về tiêu thụ, về xuất khẩu và cả sản lượng. Đường dư thừa hoặc đổ vào kho hoặc tuồn ra ngoài với giả rẻ mạt. Về nguồn đường này, có hai luồng tư tưởng, một là nên để nguồn đường này "tự do" tiêu thụ để người tiêu dùng hưởng lợi giá rẻ, hai là tuyệt đối ngăn chặn nhập lậu để giữ ổn định thị trường trong nước. Tôi cho rằng đường nhập lậu hôm nay giá có thể rẻ, nhưng không ai dám chắc rằng sau 2 năm, 5 năm nữa giá cả sẽ như thế nào. Nếu trông chờ quá lớn vào lượng đường này thì ta sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn về lượng và giá cả, tiêu tốn ngoại tệ. Do vậy ngăn chặn đường lậu là cách để bình ổn thị trường trong nước một cách lâu dài. Điều này chỉ có doanh nghiệp quyết định, bởi càng nỗ lực hạ giá thành thì đường lậu sẽ hết cơ hội chen chân vào trị trường nước ta.

Theo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, vụ mía đường 2010-2011 đạt sản lượng gần 1,1 triệu tấn, cao hơn dự báo 100.000 tấn. Song lượng đường tồn kho của các nhà máy vẫn còn trên 500.000 tấn. Trong khi đó, năm nay nước ta vẫn nhập khẩu thêm 250.000 tấn đường (theo hạn ngạch đã được chấp thuận đàu năm 2011).

Nếu các doanh nghiệp nhập đủ lượng đường này (còn lại khoảng trên 120.000 tấn, theo hạn ngạch đã được duyệt đầu năm) thì tổng lượng tồn kho, theo thống kê của hiệp hội Mía đường sẽ lên đến hơn 700.000 tấn. Vì vậy, giữa tháng 5 vừa qua, hiệp hội Mía đường đã kiến nghị bộ Công thương, cùng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ tạm dừng nhập khẩu đường.

Trung Đức

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   VRG muốn xây dựng kho ngoại quan ở Trung Quốc (20/05/2011)

>   Vinapco ra “tối hậu thư” đòi nợ Jestar Pacific 170 tỷ (20/05/2011)

>   Đề xuất giải pháp bình ổn thị trường đường (20/05/2011)

>   Từ 1/6 sẽ đổi chỉ tiêu thống kê công nghiệp (20/05/2011)

>   TP HCM bán điện theo hình thức trả trước (20/05/2011)

>   Mò kim đáy bể tìm… vốn ưu đãi (20/05/2011)

>   Xuất nhập khẩu với Nhật tăng cao (20/05/2011)

>   4.600 tỷ đồng cho dự án thủy điện Lai Châu (20/05/2011)

>   Chương trình bình ổn giá đang được triển khai đúng hướng (20/05/2011)

>   TP.HCM đề xuất thu phí hạ tầng kỹ thuật đô thị (19/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật