Thứ Ba, 03/05/2011 06:04

Xuất khẩu gạo: Năng nhặt chặt bị!

Nếu cải thiện được chất lượng và biết xây dựng thương hiệu, gạo VN có thể chiếm lĩnh được nhiều thị trường.

Thay vì tập trung vào một vài thị trường như trước đây thì nay doanh nghiệp (DN) gạo cố gắng tiếp thị hình ảnh và khai thác ở nhiều thị trường khác nhau. Cách làm này khiến nhiều thị trường xuất khẩu gạo khó tính được mở ra.

Thêm thị trường mới

Tính đến cuối tháng 4, DN đã xuất khẩu được 2,2 triệu tấn gạo, với giá trị 1,049 tỉ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng 26% về lượng và 28% về giá trị. Hiện còn hơn 1,5 triệu tấn hợp đồng đã ký nhưng DN chưa giao hàng.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cho hay đầu năm 2011, nhiều người nghĩ rằng xuất khẩu gạo của VN sẽ giảm sút khi Philippines sẽ hạn chế mua gạo của VN. Tuy nhiên, thời điểm này có thể khẳng định xuất khẩu gạo những tháng đầu năm đạt được kết quả tốt khi DN có thêm được một số thị trường mới như Bangladesh, Indonesia, Malaysia. Trong đó, đáng chú ý là thị trường Bangladesh mới đây ký thỏa thuận mua mỗi năm khoảng 1 triệu tấn gạo của VN.

Theo VFA, với thị trường Philippines, ngoài 200.000 tấn theo hợp đồng chính phủ, đến nay các DN tư nhân của nước này đã mua khoảng 200.000 tấn trong tổng số 660.000 tấn được nhà nước giao. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 200.000 tấn gạo được xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường chính ngạch, chưa kể hơn 100.000 tấn xuất qua đường tiểu ngạch.

Theo ông Bảy, thị trường xuất khẩu gạo đang tiến triển tốt. Điều này thể hiện bằng việc số lượng hợp đồng xuất khẩu ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là giá thu mua trong nước tăng quá cao khiến nhiều DN không có lãi, dù có hợp đồng xuất khẩu.

“Nhiều người hỏi tôi thế giới đang khủng hoảng lương thực. Vậy tại sao DN mình không tăng giá xuất khẩu gạo lên để DN và người trồng lúa đều có lợi? Xin giải thích rằng thế giới cần lương thực là có thật. Nhưng thời gian qua chỉ có lúa mì, bắp, thực phẩm... tăng giá mạnh, còn giá gạo tăng rất ít. Do đó, nếu DN VN muốn tăng cũng khó vì còn phải cạnh tranh với các nước khác” - ông Bảy cho hay.

Cải thiện chất lượng gạo

Một thị trường mà DN gạo VN đang nhắm đến là Hàn Quốc. Ông Lê Hải An, Tham tán thương mại và thương vụ VN tại Hàn Quốc, cho hay DN Hàn Quốc muốn nhập khẩu gạo của VN. Trong năm nay, Hàn Quốc dự tính nhập khẩu hơn 370.000 tấn gạo và DN nước này cũng muốn nhập khẩu gạo 5% từ VN. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất để gạo VN xâm nhập thị trường chính là vấn đề chất lượng.

Ông Fred S. Kang, đến từ Công ty Daewoo International - một trong ba công ty nhập khẩu gạo lớn nhất Hàn Quốc, cho rằng gạo VN chỉ cần cải thiện thêm một chút về chất lượng sẽ đủ tiêu chuẩn bán sang Hàn Quốc. Trước đây, gạo của Pakistan có chất lượng kém hơn VN. Tuy nhiên, nhờ sự hợp tác chặt chẽ của hai nước trong việc nâng cao chất lượng, đến nay Pakistan đã xâm nhập được thị trường Hàn Quốc.

Việc gạo VN tìm đường xuất qua thị trường Hàn Quốc ít nhiều giống với việc chiếm lĩnh thị trường gạo tại Hong Kong. Trước đây, Hong Kong chỉ nhập khẩu gạo thơm cao cấp từ Thái Lan. Tuy nhiên, khi nền kinh tế gặp khó khăn, DN Hong Kong bắt đầu tìm nguồn nhập khẩu gạo chất lượng nhưng giá rẻ. Nắm bắt được điều này, DN VN đẩy mạnh tiếp thị, xuất khẩu gạo qua Hong Kong với giá bán rẻ hơn nhưng chất lượng không hề thua kém gạo Thái Lan. Điều này đã giúp gạo thơm VN đẩy dần gạo thơm Thái Lan ra khỏi thị trường Hong Kong. Nếu như tháng 1-2011, VN chỉ xuất 6.500 tấn gạo thơm thì qua tháng 2 xuất gần 26.300 tấn, sang tháng 3 xuất hơn 27.100 tấn, chiếm 3,61% lượng gạo xuất khẩu.

Trước thông tin thời gian tới, Nhật sẽ nhập khẩu trở lại gạo thơm từ VN, ông Phạm Văn Bảy cho biết cái khó của thị trường này đưa ra chất lượng quá ngặt nghèo. Hiện để xuất được gạo qua Nhật, DN phải vượt qua hơn 500 chỉ tiêu kiểm tra do cơ quan kiểm soát chất lượng nước này đề ra.

“Điều đáng nói là có những chỉ tiêu DN VN khó có thể đáp ứng. Hàng đã xuất qua Nhật nhưng không đạt yêu cầu thì DN VN phải chịu phạt và tốn nhiều tiền vận chuyển. Chính vì điều này nên mấy năm qua, DN VN không dám xuất khẩu gạo qua Nhật, dù trước đó cũng đã xuất khoảng hơn 100.000 tấn/năm” - ông Bảy cho hay.

Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong cho biết VFA đang phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương xác định khu vực trồng lúa thơm đảm bảo những quy định khắt khe của Nhật.

Phấn đấu xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo

Hiện tại chưa thể khẳng định năm nay xuất khẩu gạo đạt hơn 7 triệu tấn như dự báo của Trung tâm Thông tin (Bộ NN&PTNT) vừa đưa ra. VFA vẫn cố gắng xuất khẩu gạo đạt hơn 6 triệu tấn và tùy tình hình để có những điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, DN cũng không dám xuất khẩu hết gạo mà phải dự trữ cho những hợp đồng của quý I năm sau.

Ông PHẠM VĂN BẢY, Phó Chủ tịch VFA

TRUNG HIẾU

pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   Tồn kho hơn 500.000 tấn đường (02/05/2011)

>   Mở rộng thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam (01/05/2011)

>   Xuất khẩu gạo đạt trên 1 tỉ USD (29/04/2011)

>   Hàn Quốc muốn nhập gạo Việt Nam (27/04/2011)

>   Ngành điều gặp khó về nguyên liệu (20/04/2011)

>   Cả nước đang tồn đọng hơn 400.000 tấn đường (18/04/2011)

>   Bangladesh sẽ mua gạo ổn định từ Việt Nam (18/04/2011)

>   Giá Gạo Việt Nam bằng giá Thái Lan: Áp lực cho DN càng lớn (18/04/2011)

>   Xuất khẩu cà phê có thể vượt 2 tỷ USD (18/04/2011)

>   Các giải pháp tăng 1 triệu tấn lúa trong năm 2011 (15/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật