Thứ Tư, 20/04/2011 21:21

Ngành điều gặp khó về nguyên liệu

Tuy đã vào vụ thu hoạch điều nhưng nhiều khả năng sản lượng điều cả nước chỉ vào khoảng 350.000 tấn, cộng thêm những khó khăn về nguyên liệu nhập khẩu từ các nước châu Phi nên mục tiêu xuất khẩu 1,4 - 1,5 tỉ đô la Mỹ sẽ khó đạt được vì thiếu nguyên liệu.

Đây là thông tin được các doanh nghiệp đưa ra tại hội nghị thu mua điều 2011 do Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức ngày 20-4 tại TPHCM.

Chất lượng và sản lượng đều thấp

Theo ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Vinacas, vụ điều năm nay chậm mất 1 tháng và trong thời gian qua thì có nhiều cơn mưa nên chất lượng và sản lượng điều thu hoạch sẽ thấp hơn so với năm ngoái.

“Nếu năm 2010 tỷ lệ nhân/vỏ là 30% thì năm nay chỉ còn mức 29% công thêm vào đó kích thước hạt điều nhỏ, chất lượng không cao, nên vụ điều năm nay có thể nói là mất mùa”, ông Học nói.

Cùng quan điểm đó, ông Phạm Văn Nguyên, chuyên gia về cây điều thuộc Vinacas cho rằng, căn cứ trên những khảo sát thực tế từ nông dân thì chất lượng điều năm nay kém hơn những năm trước vì do mưa trái vụ, sâu bệnh nên hạt không lớn, vỏ dày.

“Nếu thời gian tới mưa kéo dài như thời gian qua, sâu bệnh phát triển mạnh sẽ kéo theo chất lượng hạt điều sẽ kém đi. Như vậy, chắc chắn năm nay chất lượng hạt điều sẽ không bằng so với những năm trước”, ông Nguyên cho biết.

Về nhập khẩu, theo ông Học, do tình hình chiến sự ở Bờ Biển Ngà nên phải từ 15-5 doanh nghiệp điều nước ta mới mua được hàng từ nước này. Hiện Bờ Biển Ngà cung cấp điều thô chính cho nước ta. Cụ thể, năm 2010 Việt Nam mua từ quốc gia này gần 217.000 tấn điều nhân và năm nay cũng nhập một lượng điều tương tự.

Vinacas cho biết, hiện ngành điều mới mua được 150.000 tấn nhưng phải đến sau 15-5 doanh nghiệp trong nước mới nhận được hàng. Và, từ nay đến tháng 6, tháng 7, Việt Nam có kế hoạch sẽ nhập khoảng 300.000 tấn điều từ châu Phi nhưng không biết có đủ lượng điều nguyên liệu để mua hay không.

Vì theo đại diện của công ty Olam VN, hầu hết vụ điều ở các nước châu Phi đang thu hoạch được 30-50%, và giá điều thô tại những nước này đang ở mức cao.

“Nhiều khả năng Brazil sẽ mua từ 20.000- 40.000 tấn điều thô từ châu Phi và các nhà máy chế biến hạt điều của châu Phi sẽ cần khoảng 80.000 tấn/năm nhằm chế biến phụ vụ tiêu dùng nội địa.

Như vậy, khoảng 100.000-120.000 tấn sẽ không còn bán cho Việt Nam và Ấn Độ nên áp lực về nguồn cung điều nguyên liệu trong những tháng tới sẽ căng thẳng”, vị đại diện này nói.

Ngoài ra, nhiều khả năng giá điều nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng và như vậy ngành điều khó có thể mua đủ số lượng điều thô như dự kiến vì doanh nghiệp không đủ vốn để mua hàng.

Thiếu vốn, nhiều doanh nghiệp bán phá giá

Vinacas cho biết, với giá thu mua điều nguyên liệu tại vườn ở Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu trong ngày 20-4 ở mức 26.000-2.700 đồng/kg. Và tính thêm giá chi phí vận chuyển, phía cầu đường…. thì giá nhập kho sẽ không thấp hơn 38.000 đồng/kg.

“Do một số doanh nghiệp chào báo với giá thấp hơn giá thành nên gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp còn lại vì nếu bán thấp hơn 4 đô la Mỹ/pound (0,454 kg) cho hạt điều loại W320 thì doanh nghiệp lỗ khoảng 500 đô la Mỹ/tấn”, ông Học cho hay.

Thời gian qua có hiện tượng doanh nghiệp nước ngoài tìm cách ép các doanh nghiệp trong nước khi đưa ra mức giá thấp hơn 3,8 đô la Mỹ/ pound cho điều loại W320.

Một số đại biểu dự hội nghị cho rằng, thường những doanh nghiệp chấp nhận bán thấp hơn giá thành chủ yếu rơi vào những doanh nghiệp nhỏ. Nguyên nhân là do thiếu vốn nên phải chấp nhận mua, chế biến rồi bán liền.

Ngoài ra, không loại trừ khả năng doanh nghiệp đến thời hạn trả tiền vay ngân hàng nên buộc phải bán với giá thấp hơn giá thành để có tiền trả nợ.

Chính vì vậy, theo ông Học, với việc một số doanh nghiệp chấp nhận bán với giá thấp hơn giá thành nên khả năng vị phạm, tranh chấp hợp đồng có thể xảy ra trong thời gian tới.

“Nếu doanh nghiệp nào mua với giá thấp hơn 4 đô la Mỹ/pound và xảy ra tranh chấp hợp đồng thì Vinacas sẽ không giải quyết”, ông Học cảnh báo.

Vinacas cũng cho rằng, giá điều nhân trên thị trường thế giới trong quí 3, quí 4 sẽ tăng nên yêu cầu doanh nghiệp thành viên không nên bán với giá thấp hơn 4 đô la Mỹ/ pound. “Giá điều trên thị trường sẽ tăng vì thế theo tôi doanh nghiệp chỉ bán trừ lùi 2 tháng để tránh bị thiệt hại khi giá tăng vào thời điểm cuối năm 2011”, ông Học nói.

Ngọc Hùng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Cả nước đang tồn đọng hơn 400.000 tấn đường (18/04/2011)

>   Bangladesh sẽ mua gạo ổn định từ Việt Nam (18/04/2011)

>   Giá Gạo Việt Nam bằng giá Thái Lan: Áp lực cho DN càng lớn (18/04/2011)

>   Xuất khẩu cà phê có thể vượt 2 tỷ USD (18/04/2011)

>   Các giải pháp tăng 1 triệu tấn lúa trong năm 2011 (15/04/2011)

>   Giá lương thực toàn cầu đang ở "vùng nguy hiểm" (15/04/2011)

>   Lần đầu tiên gạo Việt Nam ngang giá với Thái Lan (14/04/2011)

>   Đường trong nước ế ẩm (12/04/2011)

>   Mất mùa điều: Nhà máy hoạt động cầm chừng (12/04/2011)

>   Các nước ASEAN+3 sẵn sàng dự trữ 720.000 tấn gạo (11/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật