Cả nước đang tồn đọng hơn 400.000 tấn đường
Theo báo cáo của Hiệp hội mía đường Việt Nam, 38 nhà máy đường trong nước đang tồn đọng hơn 400.000 tấn đường. Trong khi đó, 50.000 tấn đường đã được nhập khẩu về VN khiến cho việc tiêu thụ đường của các DN đang gặp khó khăn.
Theo quyết định của Bộ Công thương, sau ngày 15.4, 50.000 tấn đường trong tổng số 250.000 tấn đường mà Bộ đã cấp Qatar được nhập khẩu (NK) về VN. Trong khi các nhà máy đường trong nước đang tồn đọng hơn 400.000 tấn đường, thì việc nhập khẩu đường làm cho tình hình tiêu thụ càng gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, GĐ Cty mía đường Bến Tre cho biết: “Các nhà máy đang chịu một áp lực rất lớn về vốn. Bởi hạn mức vay vốn của nhà máy cho đến giờ đã gần hết, nên tiền thanh toán mía cho bà con nông dân cũng khó khăn. Hơn nữa, lãi suất tương đối cao, lượng đường tồn đọng lại không bán được, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp”.
Theo dự báo, sản lượng đường năm 2011 chỉ ở khoảng 960.000 tấn, trong khi đến thời điểm này đã ở mức 1,1 triệu tấn. Như vậy, với mức tiêu thụ đường bình quân cả năm của cả nước là 1,4 triệu tấn, lượng đường thiếu hụt là khá lớn. Bộ Công thương cấp Qatar cho 250.000 tấn đường là hợp lý. Tuy nhiên việc NK thêm đường trong khi lượng đường trong nước đang tồn đọng lại làm khó cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam nói: “Trong thời điểm này cung đang lớn hơn cầu. Hàng sản xuất ra mà không tiêu thụ được. Nếu như đường tiếp tục được nhập về, tức là tăng cung thì tình hình sẽ càng rối thêm. Vì quyền lợi chung, chúng tôi cũng kiến nghị với các nhà NK chậm nhập, tạm thời sử dụng lượng đường trong nước”.
Cũng theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, Bộ Công thương đang cân nhắc, xem xét việc NK 200.000 tấn đường còn lại. Việc NK đường hàng năm nhằm điều tiết giá trong nước, tránh tình trạng đầu cơ, tạo hiện tượng khan hiếm đường giả tạo. Vấn đề là chọn thời điểm NK đường để vừa đảm bảo chính sách điều hành của nhà nước, vừa đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và bà con nông dân.
Hiện tại, giá đường trong nước đang ở mức 17.000đ/kg, giảm 2000đ/kg so với cách đây khoảng 2 tháng, khiến một lượng lớn đường giá rẻ nhập về sẽ tạo thế cạnh tranh gay gắt với hơn với 400.000 tấn đường còn tồn đọng. Sự cạnh tranh này sẽ là không bình đẳng giữa các nhà máy đường trong nước lẫn người trồng mía.
Minh Nhật
lao động
|