Cho nhập khẩu đường, nhà máy lo lắng!
Bộ Công Thương vừa cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu 250.000 tấn đường trong năm nay; trong đó 50.000 tấn sẽ được nhập sau ngày 15-4. Thông tin này đã khiến nhiều nhà máy đường hết sức lo lắng.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho rằng: “Thông thường vào tháng 8, sau khi xem xét tình hình, Bộ Công Thương mới quyết định lượng đường nhập khẩu. Nhưng bây giờ mới cuối tháng 3, hạn ngạch đã được công bố!”, ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Long, Bộ Công Thương cũng có cái lý riêng. Chẳng hạn năm 2010, việc cho phép nhập khẩu đường được triển khai vào những tháng cuối năm, khiến nhiều nhà nhập khẩu không đồng tình. Bởi theo họ, đó là thời điểm mà thế giới cũng khan hiếm đường, khó mua mà giá lại cao nên cho nhập cũng... như không.
Còn năm nay, từ ngày 1- 4, Ấn Độ sẽ áp thuế 60% đối với đường thô nhập khẩu do lượng đường sản xuất trong nước dự kiến sẽ vượt nhu cầu 2,5 triệu tấn. Ấn Độ là quốc gia sản xuất và tiêu thụ đường lớn nhất thế giới nên động thái trên được đánh giá là sẽ làm giảm bớt việc tăng nóng của giá đường thế giới như trong năm 2010... Do vậy, Bộ Công Thương cho phép nhập khẩu vào thời điểm này, khi mà nhiều nước sản xuất đường lớn trên thế giới cũng đang vào vụ, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà nhập khẩu cả về giá lẫn nguồn hàng.
Áp lực giảm giá
Tuy nhiên, ông Long cho rằng, chính các nhà máy sản xuất đường mới là những người thiệt thòi khi việc nhập khẩu đường được tiến hành quá sớm. Bởi lượng đường tồn kho đang còn rất nhiều và tiêu thụ lại khá khó khăn, nay thêm đường ngoại tràn về thì các nhà máy sẽ chịu áp lực giảm giá rất lớn.
Tình hình tiêu thụ đường hiện nay đang khá bi quan. Trong một tháng qua, các nhà máy đường chỉ tiêu thụ được tổng cộng 85.300 tấn đường. Như ở Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ, hiện đường loại 1 phần lớn nằm kho vì các đại lý, khách hàng lớn... không dám mua nhiều trong thời điểm lãi suất ngân hàng quá cao. Còn đường loại 2 và loại 3... cũng chỉ bán nhỏ giọt với giá trên dưới 17.500 đồng/ki lô gam. Ông Long phân tích, riêng các nhà máy đường tại ĐBSCL, do giá mía nguyên liệu quá cao nên giá thành đường niên vụ này từ 16.000-17.000 đồng/ki lô gam; cộng thêm chi phí vận chuyển và phân phối thì với giá bán hiện nay, nhà máy sẽ từ hòa đến lỗ vốn. “Riêng các nhà máy đường ở miền Trung thì vẫn có thể còn lợi nhuận, do giá mía nguyên liệu ở khu vực này rẻ hơn”, ông Long nói.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15-3, lượng đường tồn kho tại các nhà máy còn đến 418.900 tấn, cao hơn cùng kỳ năm ngoái gần 100.000 tấn. Cũng tính đến ngày 15-3, lượng đường sản xuất được của niên vụ này đã ở mức 860.400 tấn. Như vậy, lượng đường tồn kho hiện chiếm gần 50% lượng đường sản xuất ra và nếu chỉ tính giá 16.000 đồng/ki lô gam, thì các nhà máy bị đóng băng hơn 6.700 tỉ đồng, xoay xở không được nhưng vẫn phải trả lãi vay!
Những ngày qua, giá đường giảm dần và hiện đã rẻ hơn từ 1.000-1.500 đồng/ki lô gam so với hồi cuối tháng 2. Trong bối cảnh đó, nếu đường nhập khẩu tràn về, sức ép giảm giá đường trong nước sẽ càng trở nên nặng nề.
Nhà máy hồi hộp!
Việc nhập khẩu đường hàng năm là nhằm điều tiết giá trong nước, tránh tình trạng đầu cơ, tạo hiện tượng khan hiếm đường giả tạo. Trong khi thực tế là thời điểm này, giá trong nước so với giá thế giới không chênh lệch lớn và quan trọng là đường đang thừa. Chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận định, từ cuối năm 2010 đến tháng 5-2011 là giai đoạn thừa đường cục bộ, do vào vụ sản xuất. Theo dự kiến, kết thúc niên vụ mía 2010-2011, các nhà máy đường sẽ sản xuất hơn 1,08 triệu tấn, cao hơn niên vụ trước gần 200.000 tấn. Như vậy, cho nhập khẩu đường trong lúc này chỉ có lợi cho nhà nhập khẩu, còn các nhà sản xuất và những nông dân chưa kịp bán mía sẽ phải chịu cảnh rớt giá.
Giám đốc một nhà máy đường ở ĐBSCL nhận định, giá đường càng xuống, khó khăn của các nhà máy sẽ càng chồng chất, nhất là trong thời điểm các chi phí đầu vào đều tăng vọt. Không biết có phải để đối phó với thua lỗ hay không mà tính đến ngày 15-3 vừa qua, đã có 6/38 nhà máy đường ngừng sản xuất trong khi vùng ĐBSCL vẫn còn khoảng 200.000 tấn mía nguyên liệu.
Nếu Bộ Công Thương cho phép nhập đường là để kéo giá đường trong nước giảm xuống có lợi cho người dân trong bối cảnh lạm phát, thì cần cân nhắc. Bởi đường vẫn nằm trong nhóm các mặt hàng mà Việt Nam bảo hộ sản xuất trong nước theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Giúp người dân vượt qua bão giá còn nhiều biện pháp khác, chứ khó lòng bắt các nhà máy và nông dân trồng mía phải gánh. Nếu những ngày tới, giá mía nguyên liệu giảm mạnh, nông dân nản lòng thì ảnh hưởng dây chuyền đến cả niên vụ sau, khi nông dân bỏ mía, nhà máy thiếu nguyên liệu.
Hồi đầu tháng 5-2005, các nhà máy đường từng đồng loạt kiến nghị Chính phủ không nên cho phép nhập đường, bởi lo ngại các nhà máy và nông dân sẽ gặp khó khăn khi lượng đường tồn kho vẫn còn khá lớn. Lúc đó, sau thông tin Chính phủ cho phép nhập đường, chỉ trong 10 ngày, giá đường đã giảm 500 đồng/ki lô gam... Còn bây giờ, theo ông Long, mọi chuyện đã triển khai nên các nhà máy chỉ còn biết hồi hộp chờ!
Bá Phú
TBKTSG
|