“Thừa” đường nhưng không hạ giá
Hiện nay, dường như câu chuyện cũ về mía đường đang lặp lại, khi quan điểm “cho nhập hay không cho nhập đường ngoại” của Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương trái ngược nhau. Trong khi Bộ NN-PTNT dường như đang nỗ lực bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước, Bộ Công thương lại muốn đứng về phía các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, tiêu thụ mía đường và người tiêu dùng.
Đường tồn 500.000 tấn?
Bộ NN-PTNT cho biết, tính đến cuối tháng 4-2011, cả nước chỉ còn 8 nhà máy sản xuất đường ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên hoạt động. Các nhà máy đã ép được 11,3 triệu tấn mía, sản xuất được 1,03 triệu tấn đường, sản lượng cao hơn cùng kỳ năm trước 163.200 tấn. Nhưng do có đường ngoại nhập về nên đường trong nước tiêu thụ chậm và hiện còn tồn kho khoảng 500.000 tấn. Do đó, nếu tiếp tục cho nhập hết hạn ngạch 250.000 tấn như Bộ Công thương cho phép từ đầu vụ, đường ngoại sẽ “ép” đường trong nước.
Tuy nhiên, Bộ Công thương lại dẫn chứng, với lượng đường sản xuất cả vụ đạt khoảng 1,1 triệu tấn (cao hơn vụ trước khoảng 200.000 tấn), nếu so với nhu cầu tiêu dùng đường trong nước, vẫn thiếu trên 200.000 tấn. Trong khi 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp mới chỉ nhập 29.000 tấn (thấp hơn cùng kỳ năm trước 2.000 tấn). Lượng đường đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước chưa thể đủ! Đặc biệt trong tháng 7 và 8 tới, nhu cầu đường cho mùa hè và dịp Tết Trung thu rất lớn, có thể xảy ra thiếu đường.
Tại buổi làm việc giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, cho biết, trong tổng lượng đường đã nhập, các đơn vị thương mại chỉ mới nhập 4.000 tấn, một con số rất nhỏ, không mấy ảnh hưởng đến việc tiêu thụ đường trong nước như kiến nghị của các nhà máy.
Con số tồn kho 500.000 tấn mà các nhà máy đường đưa ra cần phải xem xét lại. Do đó, Bộ Công thương khẳng định, sẽ giữ nguyên hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2011. Tuy nhiên, bộ cũng đang rà soát lại để tạo điều kiện cho các nhà máy sản xuất đường trong nước tiêu thụ được sản phẩm. Theo đó, Bộ Công thương yêu cầu những hợp đồng đã mở L/C giao hàng trong tháng 5 và tháng 6-2011, bắt buộc phải tiến hành để tránh bị phạt, những hợp đồng chưa mở L/C sẽ giãn lại đến tháng 7-2011.
Giá đường vẫn cao
Theo ông Nguyễn Lộc An, sở dĩ các doanh nghiệp lo đường tồn kho, rớt giá xuất phát từ nguyên do giá đường thế giới đang giảm, hoạt động thương mại đường trong nước gần như đóng băng, các nhà máy đường vay vốn ngân hàng với lãi suất tới 21% - 22%, không chịu nổi sức ép phải ôm kho nên muốn tác động để tìm sự hỗ trợ, nhanh chóng bán đường ra, chứ không có chuyện nông dân bị ảnh hưởng bởi đường nhập khẩu.
Trong khi đó, bản thân các nhà máy đường từ trước đến nay không chia sẻ lợi nhuận với người dân. Điển hình, năm 2010, khi giá đường lên tới 27.000 đồng/kg, các nhà máy đường vẫn cố tình giữ giá, bán từng ngày, không ký hợp đồng lâu dài với bên thương mại và các ngành sản xuất cần đường khác. Điều này khiến thị trường sốt lại càng sốt và nhiều nhà sản xuất không thể mua được đường ở thời điểm đó.
Thậm chí ngay cả thời điểm hiện tại, mặc dù các doanh nghiệp đang “kêu than” Chính phủ cho nhập đường ngoại nên trong nước tồn kho 500.000 tấn, song nghịch lý giá đường bán lẻ trên thị trường không giảm bao nhiêu. Chẳng hạn, giá đường Re trắng khoảng 23.000 - 24.000 đồng/kg, đường hoa mai 21.000 đồng/kg.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện nay giá thành sản xuất đường ở phía Bắc chỉ có 12.000 đồng/kg, phía Nam là 15.000 đồng/kg. Giá bán đường trắng loại một đã có thuế VAT tại kho nhà máy ở miền Bắc và miền Trung khoảng 17.500 - 18.000 đồng/kg nên ở thời điểm này các nhà máy đường vẫn có lãi.
Bên cạnh đó, lượng đường tiêu thụ từ đầu năm đến hết tháng 4 đã hơn 465.000 tấn. “Thực tế, lượng đường bán ra tính đến thời điểm này đã tăng cao so với năm ngoái. Ngoài ra, các nhà máy đường còn đang xuất sang Trung Quốc” - ông Nguyễn Lộc An nói. Do đó, các nhà máy đường kêu tồn đọng đường là không có cơ sở.
Văn Phúc
Sài Gòn Giải phóng
|