Thị trường bất ổn khi thiếu dự trữ
Nhiều nhà chuyên môn nhận định: cần tăng cường dự trữ lưu thông các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo nguồn cung là việc làm hết sức cần thiết tạo nên sự bình ổn thị trường, chống đầu cơ, lũng đoạn, góp phần kiểm soát lạm phát. Đặc biệt là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như lợi ích của nhà nước và cá nhân sản xuất kinh doanh.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song việc điều chỉnh cung cầu hàng hóa, kiểm soát hàng tồn kho thực hiện khó khăn do không có cơ chế dự trữ lưu thông nên thực tế đã cho thấy thị trường hàng hóa vẫn có nhiều bất ổn. Khi thị trường có biến động, lượng hàng tại các đầu mối đều hạn chế, cộng thêm việc đầu cơ, găm hàng ở các khâu trung gian làm cho việc điều chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do lượng hàng dự trữ quốc gia có hạn và chủ yếu để phục vụ trong các trường hợp thiên tai, địch họa, dịch bệnh nên khó có thể can thiệp để bình ổn thị trường khi quy mô biến động của thị trường ở phạm vi lớn. Thực tế việc biến động thị trường xăng dầu vừa qua đã cho thấy không thể sử dụng nguồn dự trữ quốc gia do tổng lượng dữ trữ của cả nước chỉ được khoảng 9 ngày.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trong nền kinh tế thị trường, dự trữ lưu thông có vai trò quan trọng là bảo đảm cho quá trình kinh doanh thương mại được tiến hành liên tục và hiệu quả, góp phần bình ổn thị trường, còn dự trữ quốc gia đảm bảo các nhu cầu của nền kinh tế quốc dân khi có thảm họa thiên tai hay chiến tranh. Trong khi nguồn lực từ quỹ dự trữ quốc gia có hạn, dự trữ lưu thông bắt buộc trở thành một giải pháp thiết yếu nhằm chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước và doanh nghiệp khi cung – cầu có sự bất ổn lớn, đặc biệt là khi nguồn cung giảm đột biến. Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhận định: Bản chất của dự trữ lưu thông bắt buộc là tận dụng nguồn lực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước thực hiện dự trữ hàng hóa bắt buộc với mức dự trữ được tính toán trên cơ sở nguồn lực của doanh nghiệp và lượng thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra. Với nguồn lực của mình, các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thông qua việc hình thành một nguồn dự trữ ổn định và đủ sức đối phó với bất ổn cung cầu trên phạm vi toàn quốc. Quy định dự trữ lưu thông bắt buộc sẽ giảm bớt được cơ bản nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp cũng có lợi. Đặc biệt, khi cơ chế dự trữ lưu thông bắt buộc ra đời, Nhà nước sẽ có những biện pháp hỗ trợ thông qua các cơ chế ưu đãi như: lãi suất tín dụng, miễn giảm thuế...
Thực tế quản lý trước đây cho thấy, dự trữ lưu thông đã từng được sử dụng trong các công cụ quản lý nhà nước ở nước ta nhằm điều tiết cung cầu. Tuy các quy định về dự trữ lưu thông đã được hình thành đối với một số mặt hàng nhưng chưa hoàn thiện. Quy định thiếu một số đối tượng tham gia dự trữ bắt buộc đối với một số mặt hàng dẫn đến việc chưa tận dụng hết các nguồn lực dự trữ. Gạo là một ví dụ điển hình khi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo chỉ mới tập trung vào đối tượng thương nhân xuất khẩu gạo, còn đối với các doanh nghiệp phân phối gạo trong nước lại không quy định cụ thể. Ngoài ra, còn thiếu quy định về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với các đối tượng tham gia dự trữ lưu thông bắt buộc, thể hiện được sự san sẻ trách nhiệm của Nhà nước - động lực quan trọng khuyến khích và nâng cao ý thức, tính chủ động của các doanh nghiệp khi nhìn thấy lợi ích của mình.
Ở một nước có nền kinh tế phát triển cao như Thụy Sĩ, Chính phủ coi việc dự trữ lưu thông bắt buộc có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nguồn cung hàng hóa trên thị trường. Trong những điều kiện biến động bất thường, chỉ có duy nhất hàng hóa dự trữ bắt buộc là công cụ đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh tiêu dùng. Hệ thống dự trữ lưu thông bắt buộc được xây dựng trên cơ sở hợp tác giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Trong mối quan hệ này hàng hóa thuộc sở hữu hoàn toàn của doanh nghiệp chứ không thuộc sở hữu của Chính phủ. Chính phủ sẽ kiểm tra giám sát cả về số lượng và chất lượng hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc.
Theo ông Nguyễn Lộc An, nguyên tắc điều tiết cung cầu thông qua dự trữ lưu thông bắt buộc sẽ bảo đảm cung cấp kịp thời, đầy đủ nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng thiết yếu tại từng khu vực địa lý khi có trường hợp mất cân đối cung cầu đột biến, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và tình hình kinh tế xã hội. Đồng thời chủ động kiểm soát và hạn chế tăng giá bất hợp lý, phòng chống đầu cơ, găm hàng gây thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng.
Tuấn Cường
đại đoàn kết
|