Nói và làm: Kiểm soát giá thị trường kiểu... độc quyền?
Việt Nam đang từng bước thực hiện lộ trình giá thị trường đối với nhiều hàng hóa đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, khi lộ trình thị trường đang được thực hiện một cách mạnh mẽ thì cơ chế kiểm soát chưa đủ mạnh, yếu tố độc quyền chưa được xóa bỏ, cạnh tranh chưa được tạo lập thì việc kiểm soát và bình ổn giá cả càng trở nên khó khăn.
Mới đây, Chính phủ đã quyết định việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường. Theo quy định, 3 thông số đầu vào cơ bản của ngành điện (tỷ giá, giá nhiên liệu, cơ cấu nguồn phát) phải biến động lớn, từ 5% trở lên, thì chúng ta mới được điều chỉnh giá điện. Việc thực hiện cơ chế này nhằm xóa bỏ dần bao cấp, hình thành giá điện trên cơ sở thị trường, từ đó thúc đẩy phát triển ngành, cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt. Giá điện theo thị trường có nghĩa sẽ liên tục được điều chỉnh tăng lên và hạ xuống theo biến động để ngành điện có lãi, đảm bảo sản xuất và cung cấp đủ điện. Tuy nhiên, nhiên việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường cũng được yêu cầu thực hiện minh bạch, công khai các yếu tố hình thành giá điện.
Thực tế, việc thực hiện giá thị trường đã được thực hiện với một mặt hàng quan trọng khác là xăng dầu, và lần này là điện, với một cơ chế về cơ bản giống nhau. Đó là khi các yếu tố đầu vào tăng nhất định thì DN được quyền chủ động điều chỉnh giá và báo cáo cơ quan quản lý để được chấp thuận và thực hiện giám sát.
Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là việc thực hiện giá thị trường đối với các mặt hàng này đều dựa trên một thực tế: các yếu tố thị trường chưa được hình thành đầy đủ.
Cụ thể, độc quyền của các DN nhà nước vẫn chi phối, các quy định về công khai và minh bạch chưa đảm bảo, nhất là yếu tố cạnh tranh chưa thực sự hình thành. Vì thế, viêc đảm bảo giá hợp lý và kiểm soát giá trông chờ hoàn toàn vào sự chủ động của DN và kiểm soát hành chính của cơ quan nhà nước.
Khẳng định thị trường hóa giá cả là hướng đi tất yếu, tuy nhiên với thực tế như trên thì điều lo ngại nhất không chỉ với giá điện mà cả với xăng dầu, than và nhiều mặt hàng khác. Đó là, một khi, chưa có cạnh tranh trong từng ngành thì sao có thể có “cơ chế thị trường” - một lo ngại có cơ sở khi đứng đầu và chi phối các thị trường này vẫn là những tập đoàn nhà nước. Các thành phần khác có tham gia nhưng chưa thể là lực lượng đáng kể để làm trở thành nhân tố cạnh tranh.
Bên cạnh đó, với lợi thế hạ tầng và các quy định từ nhà nước, trong quan hệ mua bán, người dân là khách hàng chưa bao giờ có quyền được lựa chọn. Dù muốn hay không, DN vẫn là người duy nhất bán và khách hàng buộc phải mua. Vì thế, dù xăng dầu đã thực hiện cơ chế thị trường hay tới đây là điện luôn được yêu cầu minh bạch và tìm mọi cách để giảm giá bán, nhưng với thực tế hiện nay thì cơ chế giá thị trường với việc trao quyền quyết định giá về cho DN đã làm nảy sinh lo ngại có sự “buông lỏng” quản lý để cho DN có thể tự tăng giá theo ý mình.
Khi vẫn còn sự kiểm soát của nhà nước, các DN đã biến độc quyền nhà nước thành độc quyền DN để thu lợi và tạo vị thế riêng cho mình. Điều đó được nhận thấy từ những lợi ích lớn đến những hành vi và thái độ của nhỏ của những DN này. Đến nay, vẫn độc quyền đó, nhưng các DN lại được giao quyền lớn hơn và vì thế lo ngại cũng lớn hơn. Vì quyền thị trường cho DN đã mở, nhưng những cơ chế kiểm soát thị trường, mà quan trọng nhất là yếu tố cạnh tranh và sức ép từ quyền lựa chọn, quyền từ chối của khách hàng vẫn không thay đổi thì điều dễ tưởng tượng là khách hàng vẫn thua thiệt.
Vì thế, đi cùng với giá cả theo cơ chế thị trường thì điều kiện cần và đủ là thiết kế thị trường đã hoàn chỉnh, xóa bỏ độc quyền chi phối và tăng cường cạnh tranh - đây là những yêu cầu tiên quyết. Mà để làm điều đó phải cải cách và đổi mới các DN nhà nước.
Bởi vì, trong khi Chính phủ và người dân đòi hỏi sự minh bạch, công khai với các yếu tố hình thành giá điện, nhưng sức ép nào buộc họ phải minh bạch và cơ chế nào để kiểm soát sự minh bạch đó. Yêu cầu trước hết chính là sức ép cạnh tranh của một thị trường hoàn hảo. Vì thế, thị trường chỉ lành mạnh khi có cạnh tranh và kiểm soát được cạnh tranh. Điều đó là yếu tố căn bản và phải thiết lập một cách có lộ trình và dài lâu. Đáng lẽ ra nó cần phải làm trước một bước khi thực hiện giá thị trường.
Lê Khắc
VEF
|