Những vùng tối trong thuế, phí khoáng sản
Luật Khoáng sản đã được sửa đổi nửa năm nay, nhưng nguồn thu và việc sử dụng nguồn thu trong ngành khai khoáng vẫn chưa minh bạch hơn trước khi sửa luật.
Tiền thu vào mỗi nơi một kiểu
Việt Nam có hơn 60 loại khoáng sản tại hơn 5.000 mỏ, điểm quặng và nguồn tài nguyên dầu khí. Một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, ở tầm cỡ thế giới như bauxite, titan, đất hiếm, đá vôi... Năm 2009, chỉ tính riêng doanh thu từ xuất khẩu khoáng sản đạt khoảng 8,5 tỉ đô la Mỹ (trong đó 6,2 tỉ là từ dầu thô) chiếm tỷ trọng 25% tổng thu ngân sách nhà nước. Nếu tính đủ, ngành công nghiệp khai khoáng đóng góp khoảng 10% trong thu nhập quốc dân từ năm 2000 đến nay.
Để đạt được những con số đó, hơn 2.000 doanh nghiệp khai khoáng ở Việt Nam có trách nhiệm nộp cho Nhà nước chín loại phí, sáu loại thuế và một số nghĩa vụ bắt buộc hoặc trách nhiệm xã hội khác. Thống kê được các loại thuế, phí này một cách chính xác đã khó, nhưng cũng không khó bằng việc tìm hiểu đường đi của nó từ doanh nghiệp đến ngân sách, rồi từ đó được chi và sử dụng thế nào.
Mới đây Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Tư vấn phát triển (CODE) đã làm một cuộc khảo sát về thu thuế và phí trong lĩnh vực này nhằm cụ thế hóa phần nào sự minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam.
Chỉ nghiên cứu các khoản thu chính từ hoạt động khai khoáng như phí mua, sử dụng thông tin, tiền hoàn trả phí thăm dò sử dụng ngân sách, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường nhưng nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra việc thu và quản lý một số loại thuế, phí và nghĩa vụ tài chính khác trên thực tế diễn ra không đúng với quy định của pháp luật, chẳng hạn như thuế tài nguyên.
Hiện nay theo quy định, thuế tài nguyên được xác định dựa trên sản lượng khai thác do doanh nghiệp tự kê khai với cơ quan thuế. Nhưng trong luật lại không quy định phương thức xác định giá tính thuế tài nguyên và mỗi địa phương thu mỗi kiểu khác nhau. Ví dụ, ở Bình Định hiện nay, giá tính thuế là giá trên hóa đơn tại thời điểm doanh nghiệp khai thác bán khoáng sản cho đối tác. Việc xác định giá kiểu này có thể dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp khai khoáng thỏa thuận với đối tác ghi giá trên hóa đơn thấp hơn so với giá trên thị trường nhằm trốn thuế tài nguyên.
Nhóm nghiên cứu từ VCCI và CODE nhận thấy rằng việc doanh nghiệp khai báo không đúng sản lượng cũng là một kẽ hở của luật pháp, lượng khoáng sản chênh lệch sẽ làm Nhà nước thất thu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.
Tỉnh Quảng Ninh hàng năm thu về khoảng 290 tỉ đồng từ phí bảo vệ môi trường chủ yếu từ hoạt động khai thác than. Số tiền tưởng lớn này thực tế lại thấp và thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp khai khoáng với nhau, giữa lợi nhuận mà doanh nghiệp thu về và hậu quả mà người dân phải gánh chịu. Ví dụ, phí này đối với khai thác than là 6.000 đồng/tấn, trong khi đá ốp lát chịu phí 50.000 đồng/tấn, mà mức độ gây tiêu cực tới môi trường của khai thác than lớn hơn nhiều lần đá ốp lát.
Với một số nghĩa vụ tài chính khác còn nhiều chuyện lộn xộn hơn. Có tỉnh yêu cầu doanh nghiệp đóng nghĩa vụ tài chính gọi là “mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng” với mục đích cải tạo cơ sở hạ tầng ở những vùng bị ảnh hưởng khai thác. Pháp lệnh phí và lệ phí cũng như luật khoáng sản hiện hành không quy định điều này. Hơn nữa, hàng năm, các nghĩa vụ tài chính bắt buộc mà doanh nghiệp đã đóng vào ngân sách cũng đã được trung ương phân bổ về cho các địa phương bị ảnh hưởng nhiều từ hoạt động khai thác nhằm khắc phục ảnh hưởng.
Thế nhưng tỉnh Lào Cai thu thêm phí 30.000 đồng/tấn quặng đồng thô (từ mỏ đồng Sinh Quyền), còn Bình Định thu phí cơ sở hạ tầng với các doanh nghiệp khai thác titan và đá xây dựng, nhưng địa điểm khác nhau, giá khác nhau. Doanh nghiệp khai thác titan phải đóng từ 80-160 triệu đồng/héc ta, đá làm vật liệu đóng từ 3.000-80.000 đồng/mét khối. Một thống kê cho thấy tổng số tiền mà các doanh nghiệp khai thác titan phải nộp riêng trên địa bàn huyện Phù Mỹ (Bình Định) trong hai năm 2010-2011 là h ơn 25 tỉ đồng. Song thực tế doanh nghiệp chỉ nộp khoảng 4,6 tỉ đồng trong năm 2010, tức là chưa đầy một phần năm so với yêu cầu. Số tiền này được chuyển giao cho từng huyện để duy tu, sửa chữa hạ tầng các nơi bị ảnh hưởng từ việc khai thác. Tính ra việc sửa chữa hạ tầng không thấm vào đâu và việc thực hiện quy định của tỉnh cũng không như mong muốn.
Những lỗ hổng ở các nguồn thu chính
Quay lại với các nghĩa vụ tài chính mà doanh nghiệp phải nộp theo quy định pháp luật, thì việc thu đúng, thu đủ hiện đang là vấn đề. Sau đó, việc phân bổ nguồn thu ra sao cũng là một câu hỏi lớn.
Luật Dầu khí quy định phải thu phí mua thông tin dầu khí từ các doanh nghiệp thăm dò, khai thác. Trước đây, một số hợp đồng đấu thầu có bao gồm phí này với giá khoảng 200.000 đô la Mỹ/lô. Hiện nay, có doanh nghiệp không phải trả phí, không ghi trong hợp đồng. Nhưng không có một văn bản nào quy định về việc lô nào hay dự án nào được loại trừ khoản phí này hay được khuyến khích không thu phí.
Số phí hoa hồng của ngành dầu khí theo quy định cũng rất lớn: phí hoa hồng chữ ký, hoa hồng phát hiện thương mại và hoa hồng sản xuất. Do không có hướng dẫn rõ ràng nên thường các nhà thầu đề nghị các mức phí trên với nước chủ nhà khi dự thầu. Thực tế lại có nhiều lô không đấu thầu nên quy định này đã không được thực hiện. Theo các doanh nghiệp dầu khí, mức phí này của Việt Nam tuy thấp hơn mặt bằng phí thế giới nhưng việc để thất thu nó hoặc thu không đủ cũng có thể gây thiệt hại rất lớn. Phí hoa hồng chữ ký cho một hợp đồng khoảng 5 triệu đô la Mỹ, phí hoa hồng phát hiện thương mại khoảng 10 triệu đô la và phí hoa hồng sản xuất cũng khoảng 10 triệu đô la Mỹ.
Một ví dụ về loại phí không minh bạch khác nữa là phí bảo vệ môi trường của ngành dầu khí. Quy định hiện hành là 100.000 đồng/thùng dầu. Nhưng nhiều dự án khai thác đã không phải nộp phí mặc dù không thuộc diện khuyến khích đầu tư. VCCI và CODE đã thử làm phép tính, tiền thu phí bảo vệ môi trường năm 2009 khoảng 1.600 tỉ đồng, tương đương với sản lượng khai thác khoảng 16 triệu tấn dầu thô. Nhưng các số liệu về nguồn thu cũng như việc sử dụng khoản thu này không xuất hiện trong thống kê về ngân sách nhà nước.
Ở Quỹ thu dọn dầu mỏ cũng có nhiều chuyện tương tự. Quy định doanh nghiệp khai thác dầu khí phải ký quỹ một khoản tiền để thu dọn dầu mỏ sau khi khai thác. Việc trích nộp tính theo sản lượng khai thác năm và tập đoàn Dầu khí (PVN) phải có trách nhiệm gửi khoản tiền này vào một tổ chức tín dụng có sinh lãi cao, tiền phát sinh hàng năm cộng vào quỹ. Song, PVN đã ủy thác cho Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) quản lý quỹ này. Con số của quỹ đến hết năm 2009, chỉ tính theo tỷ giá ngoại tệ cuối năm đó (17.100 đồng/đô la) cũng đã lên đến 76,5 triệu đô la. Lãi suất PVN dành cho PVFC rất thấp, chỉ 0,75%/năm. Việc quản lý quỹ như vậy là vi phạm quyết định của Thủ tướng về việc ký quỹ với bên thứ ba, vi phạm quy định tính lãi suất (chỉ tính 12 tháng) trong khi việc ký quỹ dọn mỏ kéo dài nhiều năm, tiền lãi thực thu có thể cao hơn do kỳ hạn dài hơn.
Liệu việc ký quỹ có được sử dụng vào mục đích khác không? Câu hỏi này, và còn nhiều câu hỏi khác nữa, cũng chưa có câu trả lời.
Ngọc Lan
tbktsg
|