SCIC ở đâu trên thị trường chứng khoán?
Trong các cuộc đối thoại của các nhà đầu tư nước ngoài với Chính phủ Việt Nam gần đây, câu hỏi về vai trò của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với thị trường vốn liên tục được đặt ra.
Họ cho rằng, là nhà đầu tư tổ chức lớn nhất trên thị trường, SCIC rõ ràng đóng một vai trò quan trọng, các bước đi của tổ chức này có tác động rất nhạy cảm đến tâm lý thị trường. Do vậy, việc làm rõ vai trò của SCIC là thật sự cần thiết.
Một trong những vai trò của SCIC được quy định rất rõ. Đó là đầu tư trên thị trường vốn, TTCK, thông qua mua bán cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ tài chính khác.
Như bao DN khác, mục tiêu của SCIC là hành động để đạt tỷ suất lợi nhuận cao. SCIC là nhà đầu tư lớn nhất của Chính phủ. Công chúng quan tâm và đặt ra câu hỏi về vai trò của tổ chức này, bởi từ cuối năm 2008, họ đã được giao nhiệm vụ quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa DNNN. Số dư tài khoản của quỹ này hiện có trên 30.000 tỷ đồng và nguồn thu của Quỹ chủ yếu từ tiền bán phần vốn nhà nước tại DN, thặng dư từ các đợt IPO.
Ở thời điểm này đặt ra câu hỏi, liệu có cần một sự can thiệp của Chính phủ tới TTCK thông qua vai trò của SCIC với thị trường? Năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra, kéo theo sự tuột dốc của thị trường vốn, SCIC đã được chỉ định can thiệp và ít nhiều có tác động tới thị trường, dù thông tin giao dịch của tổ chức này không được công bố.
TTCK Việt Nam đang suy giảm và tác động mạnh tới việc bán vốn nhà nước cũng như tiến trình cổ phần hóa, tạo ra các đợt IPO giá rẻ trên thị trường. Trên thực tế, sự phục hồi của TTCK sau suy thoái thường diễn ra rất chậm trong các nền kinh tế đang phát triển, mặc dù các hoạt động kinh tế phục hồi khá nhanh sau đó.
TTCK Trung Quốc đã phải vật lộn 4 năm (2001 - 2005) mới bắt đầu phục hồi được sau những chính sách không can thiệp khi thị trường tuột dốc không phanh. Chính phủ có thể có hoặc không can thiệp vào thị trường với một điều kiện tiên quyết: lợi ích của sự can thiệp mang lại được kỳ vọng lớn hơn nhiều so với chi phí của cả nền kinh tế phải bỏ ra nếu để cho thị trường tự điều chỉnh. Vấn đề quan trọng của những người làm chính sách là ra quyết định về thời điểm cần can thiệp và cách thức can thiệp, cũng như khả năng tự chịu trách nhiệm cho quyết định của mình.
Như đã đề cập, sự tham gia thị trường của SCIC được quy định trong khung pháp lý hoạt động của tổ chức này. SCIC có thể có hoặc không thể ngăn chặn đà giảm của TTCK, nhưng sự can thiệp có thể là rất cần thiết để thị trường không rơi vào khủng hoảng. Chi phí bỏ ra một, nhưng lợi ích thu được đặt trong kế hoạch IPO và cổ phần hóa DNNN, từ đó tạo đà cho việc cải cách cơ cấu nền kinh tế nếu thành công là rất lớn.
Những diễn biến trên TTCK hiện nay cho thấy, TTCK thứ cấp có ảnh hưởng quan trọng, quyết định đến sự tồn tại của thị trường sơ cấp và sức khỏe tăng trưởng của một bộ phận nền kinh tế.
Việt Nam đang đặt mục tiêu tiếp tục cổ phần hoá các DNNN lớn. Nếu TTCK chưa phát triển đầy đủ hoặc thiếu ổn định, sẽ là cơ hội để làm lợi cho một bộ phận nhỏ các nhà đầu tư sẵn tiềm lực tài chính trục lợi. Lựa chọn con đường nào cũng đều khó khăn, nhất là khi TTCK đang giảm mạnh. Song nếu còn dư địa để tính toán thì cũng đáng để lưu tâm.
Anh Việt
đầu tư chứng khoán
|