Thứ Sáu, 13/05/2011 13:48

Quản trị công ty yếu, làm sao giữ chân dòng vốn FII?

Diễn biến thị trường chứng khoán khá èo uột từ đầu năm tới nay đang đặt ra những lo ngại, không chỉ là nhà đầu tư chán nản, mà còn là sự giảm sức hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài (FII).

Tính thanh khoản của thị trường liên tục giảm sút, trong nhiều phiên khối lượng giao dịch lệnh trên sàn HoSE chỉ đạt trên dưới 20 triệu đơn vị và tại sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng diễn ra tương tự.

Giới chuyên gia lo ngại rằng dòng vốn FII đổ vào thị trường sẽ không có tính bền vững, khi thiếu sự tin tưởng vào hệ thống quản trị của các công ty niêm yết Việt Nam, bởi điều này sẽ chứa đựng nhiều rủi ro cho các khoản đầu tư mang tính chất dài hạn.

Trước đó, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến thời điểm cuối năm 2010, tổng mức vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào khoảng 1 tỷ USD.

Tuy nhiên về mặt khách quan, bà Ane Molyneux Chuyên gia tư vấn về Quản trị công ty từ Công ty tài chính quốc tế (IFC) đồng thời là Giám đốc hai quỹ đầu tư, cho biết đầu tư gián tiếp ở Việt Nam đang ở mức độ thấp, ước đạt 10 – 15% so với tổng mức vốn hoá thị trường cổ phiếu khoảng 35 tỷ USD.

Các nhà đầu tư nước ngoài luôn đặt những đòi hỏi về sự minh bạch một cách tối đa trong các quyết định đầu tư vào thị trường chứng khoán và đầu tư vào các doanh nghiệp.

“Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế và lạm phát đang là mối lo toàn cầu như hiện nay, nhu cầu cạnh tranh về thu hút vốn đầu tư nước ngoài giữa các quốc giá đang trở nên khốc liệt, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong các quyết đầu tư dài hạn vào Việt Nam,” theo bà Ane.

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý Phát hành, Ủy ban Chứng khoán Việt Nam, cho hay các công ty niêm yết chỉ tuân thủ quản trị công ty theo những gì mà luật yêu cầu. Trong khi hiện nay, nhiều vấn đề luật pháp vẫn đang trong quá trình cập nhật.

“Như việc giám sát trách nhiệm của Hội đồng cổ đông, mức phạt quy định cao nhất cho các vi phạm về quản trị công ty chỉ ở mức 10 triệu đồng và điều vô lý trên là công ty có vi phạm sẽ phải trả khoản phí phạt thay cho cá nhân vi phạm. Như vậy, cổ đông của công ty sẽ phải chịu thiệt hại hai lần, trong khi cá nhân gây ra thì lại vô can,” ông Hải nhấn mạnh.

Cũng nhìn nhận được những điểm yếu và thiếu trong hệ thống quản trị công ty của các công ty đại chúng Việt Nam, ông Hải cho biết, từ 1/7/2011, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 102, theo đó những quy định về quản trị công ty sẽ chặt chẽ.

Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), trong bốn tháng đầu năm 2011, các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện mua ròng trên HoSE đạt trên 68 triệu đơn vị, giá trị tương ứng hơn 2.200 tỷ đồng (nhóm cổ phiếu thu hút được khối nhà đầu tư ngoại chủ yếu vẫn là dòng cổ phiếu blue chip, bởi thông thường các công ty này luôn có sự minh bạch hóa và đảm bảo tiêu chuẩn quản trị công ty). Trong khi trong năm 2010, con số mua ròng tại đây là 260 triệu đơn vị, giá trị tương ứng là 15.235 tỷ đồng.

Trong điều kiện nguồn vốn đang là vấn đề thách thức của cả nền kinh tế, thì dòng đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ góp phần hữu ích duy trì tính thanh khoản của thị trường.

Do vậy, các doanh nghiệp đại chúng nói chung, doanh nghiệp niêm yết nói riêng, cần thiết phải tự giác nhìn nhận trách nhiệm của Hội đồng quản trị trong quá trình công bố thông tin, bảo vệ quyền lợi cổ đông cũng như giám sát hoạt động điều hành của Ban giám đốc, đồng thời ý thức trách nhiệm cá nhân trong các vụ việc vi phạm về quản trị công ty, chứ không nên chỉ thụ động thực thi trách nhiệm theo những gì mà luật yêu cầu./.

Linh Chi

VIETNAM+

Các tin tức khác

>   VNG: 08/06 chốt quyền tham dự ĐHĐCĐ bất thường  (12/05/2011)

>   HPG không dễ chiếm cổ phần chi phối tại Thép Thạch Khê (08/05/2011)

>   BHT: Dấu hỏi về phương án phát hành (06/05/2011)

>   Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải “cắt đuôi” Dầu khí (06/05/2011)

>   Doanh nghiệp “hợp thức hóa” sự thờ ơ của cổ đông (06/05/2011)

>   VNPT và SAM - Ai cần ai? (05/05/2011)

>   GDR: Kênh vốn mới (05/05/2011)

>   Doanh nghiệp chỉ làm PR là chưa đủ (26/05/2010)

>   Quan hệ nhà đầu tư: Bí quyết tăng giá trị doanh nghiệp (14/06/2010)

>   VES bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 06/05 (04/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật