Thứ Năm, 26/05/2011 06:35

Phân tích chứng khoán hết đất làm ăn

Thật may mắn, vẫn còn những nhà đầu tư khác - tỉnh táo và cảm thông với giới phân tích chứng khoán. Cái nghề làm dâu trăm họ của bộ phận nhận định thị trường lúc đúng lúc sai, đó là việc quá đỗi bình thường.

Có nhà đầu tư dự báo rằng chẳng bao lâu nữa, toàn bộ hoạt động phân tích và nhận định thị trường chứng khoán (TTCK) của các công ty chứng khoán sẽ bị dẹp bỏ như tiền lệ đã từng xảy ra ở Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS). Một nhà đầu tư khác lại phát triển thêm dự báo đó bằng một phán quyết khác: tất cả những người hiện đang làm cái công việc bất đắc dĩ là dự báo thị trường cần được cho nghỉ việc càng sớm càng tốt.

Nghe như đùa, nhưng ngẫm lại cũng có lý. Thị trường chỉ có bò ngang rồi lao dốc thế này thì phân tích với nhận định gì nữa.

Thật chẳng ra làm sao, những người hùng của một thời vang bóng thì nay lại bị chính độc giả của họ lăm le dọa bỏ rơi. Bộ phận phân tích kỹ thuật tại các công ty chứng khoán đang là nạn nhân cám cảnh nhất của cái triển vọng quá thiếu may mắn ấy.

Viết thì bị "ném đá", mà không viết cũng chẳng xong. Phân tích kỹ thuật được bày ra là để giúp nhà đầu tư có cái nhìn sáng suốt hơn về đường đi nước bước của thị trường. Với những công ty chứng khoán có thế mạnh về phân tích kỹ thuật, như Thăng Long (TLS), SSI, HSC, Âu Việt (AVS), ACBS,... thì hoạt động này còn là một trợ thủ đắc lực giúp tăng dung lượng tài khoản của nhà đầu tư tại công ty.

Thế nhưng cái thời vàng son nói đâu trúng đó khi thị trường lên đã qua. Không còn "bóng hồng" của năm 2007 hay 2009 nữa. Mà chỉ là "bóng ma" của năm 2008 đang quay trở lại. Mỗi tuần, mỗi ngày họ đều phải đối diện và nói chuyện với sự ám ảnh này. Đó cũng là một cách đối thoại mang tính phản biện xã hội nhằm cứu vớt công ty chứng khoán khỏi tình cảnh "cháy" tài khoản hiện nay.

Nhưng nói gì mới được chứ? Việc nói gì cho thị trường ngày mai đã trở thành một gánh nặng nhọc tâm đối với các nhà phân tích. Có người còn bực mình nói đổng: "thôi mặc thị trường với mấy ông nội lướt sóng, cứ photo y nguyên bài nhận định ngày hôm trước để dùng cho ngày hôm sau cũng vẫn không sai!". Những nhà phân tích có trách nhiệm hơn thì lại phải dụng công bóp trán nghĩ ra một cái gì đó lạ hơn, nhưng nhất thiết không được bi quan quá, để phục vụ cho số độc giả đang chờ chực soi tác phẩm mới của công ty chứng khoán.

Thị trường tuy giảm nhưng khối lượng giao dịch tăng... Thị trường đỏ nhưng vẫn còn đó BVH, MSN, VIC xanh... Thị trường vẫn được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng liên tục... Lạm phát bắt đầu suy giảm là tín hiệu tích cực cho thị trường ổn định và đi lên... - đó là trường phái lạc quan trong nhận định. Nhất thiết không được làm cho nhà dầu tư chán ngấy mà có thể rời bỏ thị trường và cũng bỏ quên luôn tài khoản tại công ty chứng khoán.

Hãy cẩn trọng, thị trường còn có thể giảm sâu hơn nữa... Bắt đáy hiện giờ vẫn còn rủi ro cao... Hạ thấp tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt... Thị trường đang không thích hợp cho đầu tư ngắn hạn... Có khả năng xuất hiện làn sóng bán tháo và giải chấp... Chứng khoán thế giới đang không thuận lợi cho chứng khoán Việt Nam... Theo phân tích kỹ thuật thì con tàu VN-Index đang ở vùng tâm bão... - hình như số đông nhà đầu tư chẳng mấy thích thú kiểu nhận định này.

Tôi hoài nghi tức tôi tồn tại. Chẳng nên trách nhà đầu tư vì đức tính của họ là chủ thuyết "không thể biết" đã tồn tại từ thời triết học cổ đại Hy Lạp, Trung Quốc, được hiện thực hóa bởi ông Kant người Đức, và nay đang được ứng dụng một cách mỹ mãn trong cái TTCK ba hồi xuống ba hồi lên chẳng ra làm sao này. Chỉ có luôn hoài nghi thị trường theo cái cách hoài nghi và nếu cần thì phủ nhận luôn thế giới khách quan - mới là cách tồn tại duy nhất. Phải chăng vì thế mà có những nhà đầu tư đã làm theo cái cách đi ngược lại hoàn toàn với nhận định của các công ty chứng khoán?

Khách quan mà xét, không phải tất cả các công ty chứng khoán đều sản xuất bài phân tích thị trường nhằm phục vụ cho ý đồ đánh lên hay đánh xuống của họ. Cũng có không ít bài viết chân thực có trách nhiệm nhằm cảnh báo nhà đầu tư đừng sa lầy vào mớ hỗn độn để đến nỗi tiền mất tật mang. Nhưng vào thời đỏ lửa thị trường thì hình như đa phần trách nhiệm ấy đều bị làn sóng tâm lý bầy đàn bỏ qua.

Chỉ trong khoảng thời gian vài tuần lễ, có nhà đầu tư thay đổi ý kiến 180 độ trên diễn đàn Vietstock. Vốn là nơi tụ họp đông đảo nhất "chiến hữu" gần xa của thị trường, Vietstock cũng là địa chỉ sản sinh ra những bài viết nhận định chuyên sâu nhất.

Nhưng cho đến một lúc, tâm trạng nhà đầu tư đã chuyển từ hỉ hả ca ngợi loạt bài nhận định của trang này sang kêu gọi hãy cho tất cả chuyên gia phân tích kỹ thuật của tổ chức này ngồi chơi xơi nước. Thái độ quay ngoắt đó cũng là một sự trớ trêu đầy tính bi kịch của không ít nhà đầu tư thời nay.

Thế nhưng dù phê phán, chỉ trích và cả nặng lời, những nhà đầu tư đó vẫn hàng ngày chờ đợi bài nhận định thị trường như một thói quen và cũng cố tìm ra một tia sáng cuối đường hầm để mong gỡ gạc lại chút đỉnh phần thua lỗ. Chẳng may đúng lúc thị trường phục hồi ngắn hạn, nhà đầu tư lại có ngay cái cớ để phán bảo rằng những nhận định chứng khoán quá bi quan, rằng cứ viết kiểu này thì thị trường làm sao mà lên được. Thế mới biết ngoài đức tính hoài nghi, nhà đầu tư chúng ta còn có một đặc tính khác mà người đời thường nói đến: sự ích kỷ.

Ích kỷ một cách cực đoan. Dân lướt sóng và làm giá có đầy đủ lý do để kêu la về thị trường và các nhà bình luận. Quan hệ rất rộng nhưng không làm bạn với bất cứ ai, họ chỉ nhăm nhăm tìm kiếm từng cơ hội nhỏ nhất để rút rỉa tiền từ túi người khác chứ chẳng hề màng đến việc chính cái cách làm ăn của họ cũng là một nguyên nhân xác đáng khiến cho thị trường không thể nào khá nổi.

Phiên giao dịch thứ Tư, ngày 25/5/2011. Trái ngược với nhận định hôm trước của vài ba công ty chứng khoán về sự phục hồi ngắn hạn có thể diễn ra của thị trường, cung - cầu mất cân đối khủng khiếp khiến người ta phải liên tưởng đến "tuần lễ kinh hoàng" của TTCK Mỹ vào tháng 10/2008. Đó đây trên diễn đàn, trong các sàn giao dịch lại nổi lên tiếng kêu la đòi phải cho tất cả giới phân tích thị trường nghỉ việc ngay!

Song thật may mắn, vẫn còn những nhà đầu tư khác - tỉnh táo và cảm thông hơn. Cái nghề làm dâu trăm họ của bộ phận nhận định thị trường thì họ đã hiểu, vậy nên họ cũng thông cảm luôn cái chuyện đã là nhận định thì lúc đúng lúc sai, đó là việc quá đỗi bình thường. Nếu coi TTCK là kênh huy động vốn thì phải biết nuôi, còn nếu chỉ nhìn nó như một sòng bạc trá hình thì phải biết rút đúng lúc. Có thế thôi.

Những nhà đầu tư này, hoặc đã can đảm cắt lỗ, hoặc thuộc khuynh hướng đầu tư dài hạn, hoặc đủ kềm chế để vẫn tiếp tục đứng ngoài thị trường, không phũ phàng thái độ giận cá chém thớt. Triết lý tự thân của họ là trên tất cả, nhà đầu tư phải tự mình quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Chứ không thể đổ lỗi cho ai khác.

Việt Thắng

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   26/05: Bản tin 20 giờ qua (26/05/2011)

>   Thị trường ngày 26/05 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (25/05/2011)

>   UBCK sẽ rà soát các công ty chứng khoán (25/05/2011)

>   HNX và SZSE: Kết nối vì những điểm tương đồng (25/05/2011)

>   Ngày 25/05: Cổ phiếu cao su giảm nhẹ nhất thị trường! (25/05/2011)

>   CTCK chỉ được giải thể nếu trả hết nợ (25/05/2011)

>   Phát hoảng vì không biết con số thực giải chấp (25/05/2011)

>   Chứng khoán kêu cứu, ai nghe? (25/05/2011)

>   SCIC ở đâu trên thị trường chứng khoán? (25/05/2011)

>   Nguy cơ vỡ nợ tín dụng chứng khoán (25/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật