Thứ Sáu, 06/05/2011 07:00

Nhà đầu tư chơi gì thời "sờ đâu cũng héo"?

Thời buổi đầu tư gì cũng chỉ có xác suất thắng được 50%, nhà đầu tư nên chọn kênh nào để được an toàn nhất? Vàng, chứng khoán hay bất động sản?

Kênh nào cũng lỗ!

"Nhà đầu tư mất phương hướng" là nickname là P tự đặt cho mình trên các diễn đàn chứng khoán. Biệt danh này chỉ mới xuất hiện gần đây bởi vào năm 2009, P đã kiếm được một số lời lãi kha khá từ cổ phiếu và cũng chẳng cần biết đến diễn đàn chứng khoán là gì.

Nhưng đến năm 2010 thì nhà đầu tư này phải tự nhận là tình hình đã có một "bước ngoặt bản lề". Ôm cổ phiếu DRH của doanh nghiệp Căn nhà mơ ước từ lúc giá còn 16.000, không ngờ chỉ trong nửa năm từ tháng 8/2010 đến tháng 3/2010, DRH đã trở thành một trong những cổ phiếu nhỏ có mức "down" tệ hại nhất sàn HOSE: 50%. Giấc mơ đã tan biến!

Cũng trong thời gian đó, không những thua sạch tiền kiếm được trước đó, mà do quá ham hố dùng đòn bẩy tài chính nên P còn bị thâm hơn phân nửa vào vốn liếng của mình. Trong tay chỉ còn chưa đầy 2 tỷ đồng, mà nếu quy theo "trượt giá vàng" thì có lẽ chưa đầy một tỷ rưỡi, P đành ngậm ngùi bán gần sạch danh mục cổ phiếu trên sàn chứng khoán, vừa tính xem nên dùng số "đạn" ít ỏi còn lại đầu tư vào kênh nào.

Nghe nói vàng vẫn có chiều hướng lên giá, P liền ôm tiếp hai chục cây. Ai dè ngay sau đó Nhà nước cấm kinh doanh vàng miếng, thế là P tức khí tống vội đi cái "của nợ" kia, lỗ thêm một mớ. Sau đó lại nghe "đô" có thể tăng, P lại nhào ra chợ đen rước một chục ngàn tờ bạc xanh.

Nhưng trời không đãi người hiền, chỉ mấy ngày sau lãi suất USD trong ngân hàng giảm do ông nhà nước muốn thu hút tiền đổng để kềm chế lạm phát. Bà con nháo nhào chạy đến ngân hàng gửi tiền Việt thay vì tiền đô. Vậy là công cốc.

Bao giờ chứng khoán lại sôi?

Đến lúc này, P đã quá cám cảnh thừa nhận mình là một "nhà đầu tư mất phương hướng" theo đúng nghĩa bóng và cả nghĩa đen của cụm từ này.

Câu chuyện trên có lẽ chỉ là một trong nhiều trường hợp người tiêu dùng và nhà đầu tư đang hàng tháng đau đầu tìm ra một kênh khả dĩ nào đó có thể "tác chiến". Số người có khoản tiền tiết kiệm từ 1,5 - 2 tỷ đồng nhưng đang phân vân giữa việc gửi toàn bộ vào ngân hàng để hưởng lãi tháng, với việc chia nhỏ khoản tiền này ra để đầu tư sang một kênh khác, đang chiếm phần lớn trong xã hội.

Thế nhưng đầu tư vào kênh nào bây giờ? Trong các cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2010 về việc chọn kênh đầu tư, thường vẫn có ít nhất 30% số người được hỏi chọn thị trường chứng khoán. Nhưng đó là vào lúc thị trường này còn "có giảm, có tăng", mang lại đôi chút kỳ vọng cho nhà đầu tư, ít nhất là những nhóm lướt sóng.

Còn từ giữa tháng 12/2010 đến nay, chứng khoán đã trở nên một thứ "bệnh lý" trong cơ thể những người còn bám trụ, mòn mỏi ngày này qua tháng nọ, khiến cho tuyệt đại đa số một nhà đầu tư không thể đoán định được xu hướng của thị trường. Cũng chính vì thế, số người rời bỏ "chứng" mỗi lúc càng đông đảo hơn.

Thử vận may

Suy đi tính lại, ngân hàng vào mọi thời vẫn là chỗ tạo ra tiền chợ hàng tháng. Nhưng một vấn đề đau đầu khác là chỉ mới có 4 tháng đầu năm 2011 mà lạm phát đã vượt qua 16% thì chẳng hiểu năm nay tiền gửi ngân hàng có bị mất giá tương đối so với lạm phát hay không. Do đó, có lẽ chỉ có những người an phận thực sự mới bỏ hết tiền vào ngân hàng trong giai đoạn hiện nay.

Còn vàng ư? Đã quá cao? Cho dù tâm lý nhà đầu tư vẫn luôn dành cho mảng vật chất quý hiếm này một góc không suy xuyển trong tâm trí của họ, nhưng nói gì thì nói, vàng không thể là thứ có thể được đầu cơ thoải mái như cổ phiếu, không phải muốn lên bao nhiêu tùy thích.

Có nghĩa là Nhà nước đã "canh me", hễ cứ thấy vàng lên mạnh là lập tức có biện pháp kềm chế ngay. Với lại vàng trong nước cũng còn phụ thuộc giá vàng thế giới. Mà vàng thế giới thì cứ theo diễn biến lịch sử của nó từ năm 2010 đến nay, có thể thấy trong trường hợp kinh tế thế giới "đi ngang", tức GDP Mỹ tăng ổn định như dự đoán ở mức 3,6% trong năm 2011, đồng thời phải bảo đảm điều kiện cần là tỷ lệ thất nghiệp trong nước Mỹ giảm xuống khoảng 8,3-8,4% từ mức 8,8% hiện nay, thì nhiều khả năng giá vàng thế giới có thể đạt đến 1.550 - 1.600 USD/ounce.

Tương ứng với mặt bằng giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng có thể vượt qua mốc 40 triệu đồng/lượng một chút. Với giả định như thế, có thể đa số người dân, chứ không phải là giới đầu cơ, sẽ chọn vàng là kênh tích trữ cho dù không đem lại lời lãi bao nhiêu. Những kết quả khảo sát gần đây với hơn 40% người được hỏi chọn kênh vàng cũng cho thấy rõ hơn luồng tâm lý này.

Trong khi đó, USD được dự báo có thể "nhảy" tới 23.000 đồng vào cuối năm 2011. Nhưng ngay cả với mức tăng đó thì cũng chẳng thể bằng lãi suất tín dụng của ngân  hàng. Hơn nữa một trong những biện pháp để hạ thấp lạm phát của Nhà nước là giảm lãi suất USD để thu hút tiền đồng, vậy nên USD có vẻ càng "mất giá". Hơn nữa, trong điều kiện nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định và thị trường chứng khoán Mỹ không bị trồi sụt mạnh, giá USD quốc tế cũng khó có biến động lớn.

Tuy vậy, xét ra vẫn còn kênh bất động sản là nhà đầu tư có thể thử vận may. Nếu so với thị trường chứng khoán èo uột đã quá lâu và còn không biết bao lâu nữa mới hết ảm đạm, mặt bằng giá cổ phiếu đã thấp nhưng vẫn có thể còn thấp, thấp hơn nhiều nữa, dường như tình hình căn hộ chung cư giá trung bình và đất nền có vẻ khả quan hơn đôi chút.

Những phân khúc bất động sản này từ mấy tháng nay có mặt bằng giá đi ngang, tạo nên một vùng đáy khá vững chắc, cho dù tình hình giao dịch vẫn ở mức thấp. Cũng không loại trừ phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ven biển sẽ được ưu ái và tạo nên một cú bứt phá trong năm nay và năm 2012.

Nếu trong mấy tháng tới, chỉ số CPI vẫn tiếp diễn đà tăng chóng mặt của nó thì có thể dòng tiền sẽ dứt khoát hơn trong việc tạm rời bỏ ngân hàng. Nhưng một khi không còn chỗ trú thân truyền thống ở nhà băng, dòng tiền sẽ phải tự thân quyết định hoặc vào chứng khoán hoặc vào bất động sản.

Lại nhắc đến "nhà đầu tư mất phương hướng" tên P ở trên. Trong trường hợp này, sẵn có máu đỏ đen, hẳn anh ta sẽ dành cho chứng khoán ít nhất 30% vốn liếng để bắt đáy nếu cái thị trường này tiếp tục lao dốc. Nhưng rút tỉa kinh nghiệm xương máu từ sàn chứng khoán, anh ta cũng không quên thử vận may với một nền đất hay căn hộ loại trung nào đó. Không sóng chứng khoán thì cũng phải có sóng của cái gì đó chứ. Xác suất vận may vẫn còn được 50% mà...

Trường Sơn

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   06/05: Bản tin 20 giờ qua (06/05/2011)

>   10 cổ phiếu thanh khoản cao nhất Việt Nam xuất hiện trong S&P CIVETS 60 (05/05/2011)

>   UPCoM-Index lập đáy mới 35 điểm (05/05/2011)

>   05/05: Khối ngoại bán ròng mạnh MSN, thị trường trượt dốc (05/05/2011)

>   Vàng, chứng khoán, đô-la và... hố đen (05/05/2011)

>   Lãi suất ngân hàng “lụy” sang chứng khoán (05/05/2011)

>   05/05: Bản tin 20 giờ qua (05/05/2011)

>   Áp lực giải chấp: Nguy cơ có thực? (04/05/2011)

>   UPCoM-Index tăng nhẹ 0,02 điểm (04/05/2011)

>   Ngày 04/05: Khối ngoại bán mạnh CTD, gom SSI và tăng mua trên HNX (04/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật