Thứ Hai, 16/05/2011 15:40

Microsoft có thể bị hớ trong vụ mua lại Skype

Trong tuần qua, Tập đoàn công nghệ khổng lồ Microsoft (Mỹ) đã đạt được thoả thuận mua lại Skype, công ty cung cấp dịch vụ đàm thoại Internet với giá 8,5 tỷ USD. Đây là số tiền cao kỷ lục trong lịch sử 36 năm tồn tại của mình mà Tập đoàn này đã trả cho một vụ sáp nhập để thâu tóm Skype.

Sau khi hoàn tất mọi thủ tục vào cuối năm nay, Skype sẽ trở thành một bộ phận thuộc Microsoft và cũng là một thành phần không thể thiếu trong các sản phẩm truyền thống của Microsoft như Xbox, Kinect, hệ điều hành Windows và Windows Phone.

Ông Tony Bates, Giám đốc điều hành (CEO) Skype sẽ tiếp tục dẫn dắt bộ phận dịch vụ này phát biểu, phần mềm Skype sẽ được tích hợp trong Windows 8, cũng như máy tính bảng và điện thoại chạy hệ điều hành của Microsoft, hứa hẹn giúp phần mềm này phổ biến hơn bao giờ hết.

Ông Steve Ballmer, CEO Microsoft nhận xét: “Skype là một hiện tượng trên Internet và được hàng chục triệu người trên toàn thế giới yêu quý. Sát cánh bên nhau, chúng tôi sẽ tạo ra tương lai của giao tiếp thời gian thực, nơi mọi người dễ dàng kết nối với gia đình, bạn bè, khách hàng và đồng nghiệp trên khắp thế giới. Trong đời sống, Skype đã trở thành thân thuộc như một động từ”.

Được thành lập năm 2003 bởi 2 doanh nhân Niklas Zennstrom (quốc tịch Thuỵ Điển) và Janus Friis (quốc tịch Đan Mạch), Skype có trụ sở chính tại Luxembourg, song đội ngũ chuyên gia lại sinh sống và làm việc ở Tallinn, Estonia, một quốc gia nhỏ bên bờ biển Baltic. Bí quyết thành công của Skype là đội ngũ cán bộ kỹ thuật, phần lớn là các chuyên gia phần mềm có trình độ rất cao.

Ông Marc Andreessen, người sáng lập ra Netscape và hiện là nhà đầu tư của Skype khẳng định: “Các chuyên gia phần mềm của Skype đạt trình độ đẳng cấp thế giới, chẳng thua kém gì các chuyên gia tại Silicon Valley ở  Mỹ”.

Skype hiện thu hút tới 663 triệu người sử dụng trên toàn thế giới, nhiều hơn cả mạng xã hội Facebook (hiện ước có 550 triệu thành viên).

Skype đang là một trong những ứng dụng được yêu thích nhất trên nền tảng iOS của Apple và Android của Google. Còn nếu tính riêng trên Windows thì ứng dụng này có khoảng 170 triệu người dùng.

Nhiều chuyên gia nhận định, với những lợi thế sẵn có của Skype, Microsoft sẽ đẩy mạnh dịch vụ này vào nền tảng Windows Phone và hỗ trợ tính năng trò chuyện video cho các game thủ khi họ sử dụng các dòng máy chơi game Xbox hoặc Kinect.

Việc Microsoft mua Skype sẽ không ảnh hưởng tới người sử dụng Skype trên các nền tảng khác (không phải của Microsoft) như Mac OS, iOS hay Android.

Một số nhà phân tích nhận định, Microsoft mua lại Skype để thống lĩnh thị trường hội thảo truyền hình (video conference), nhưng có thể Microsoft đã mua hớ, vì cái giá 8,5 tỷ USD là quá cao.

Thứ nhất, cả Google, Facebook lẫn Cisco System đều đã từng có ý định muốn mua lại Skype, song cũng chỉ trả giá tối đa là 4 tỷ USD.

Thứ hai, cho dù khá phổ biến, song Skype vẫn đang phải vật lộn với nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận. Doanh thu năm 2010 của Skype đạt 860 triệu USD, tăng 20% so với năm 2009. Song Skype vẫn bị lỗ 7 triệu USD.

Một số nhà phân tích còn nhận xét ít nhiều mang tính mỉa mai rằng, Microsoft hay mua hớ, hoặc không chắc tay trong đàm phán về giá cả.

Năm 2008, Microsoft đưa ra đề nghị mua lại Yahoo Inc. với giá cao ngất ngưởng 45 tỷ USD. May mà thương vụ không thành, chứ không thì lỗ lớn, bởi hiện tại giá trị vốn hoá thị trường của Yahoo chưa tới 30 tỷ USD.

Thương vụ Microsoft mua lại Công ty quảng cáo trên mạng Aquantive với giá 6,33 tỷ USD vào năm 2007 cũng được coi là… giá trên trời.

Điều khá lạ kỳ nữa là, dù thương vụ này có giá trị khủng như vậy, mà Microsoft chẳng thuê ai tư vấn, tự mình lo liệu lấy, trong khi Skype thuê hẳn hai “đại gia” là Goldman Sachs and JPMorgan làm quân sư.

Các nhà đầu tư cũng tỏ ra hoài nghi về thương vụ mua lại này. Trong phiên giao dịch ngày11/5, tại Sở GDCK New York, giá cổ phiếu của Microsoft giảm gần 1% xuống còn 25,67 USD/cổ phiếu. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của Microsoft giảm khoảng 8%.

Theo một số nguồn tin, Microsoft hiện đang dư dả tiền mặt. Tính đến hết tháng 3/2011, Microsoft có trong tay 50,2 tỷ USD tiền mặt, vì thế có vung tay một chút cho thương vụ này thì cũng chưa bị ảnh hưởng gì lớn. Hơn nữa, Microsoft mua là có ý đồ lớn về mặt chiến lược.

Dù rất giàu và mạnh, song Microsoft bị tụt hậu trong lĩnh vực sản xuất phần mềm cho điện thoại di động thông minh. Có Skype, Microsoft có cơ hội cạnh tranh ngang ngửa hơn với 2 ông lớn là Google và Apple.

Nếu vụ mua lại thành công, Microsoft sẽ lấp được khoảng trống dịch vụ Internet trong hoạt động của mình bấy lâu nay.

Ông Howard Anderson, giảng viên cao cấp của Trường quản lý Sloan, thuộc Massachusetts Institute of Technology (MIT) nhận xét: “Skype đem lại cho Microsoft một quy mô và kích cỡ lớn ngay tức thì ở các thị trường mới nổi”.

Trung Hiếu (Theo báo chí nước ngoài)

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Vài giờ nữa, Tổng giám đốc IMF sẽ từ chức (16/05/2011)

>   Thương hiệu Trung Quốc có bước thăng tiến mạnh (11/05/2011)

>   Trung - Mỹ "đối mặt trực diện" trong nhiều vấn đề còn bất đồng (10/05/2011)

>   Trung Quốc ngày càng “trội” hơn Nhật Bản (09/05/2011)

>   Thủ tướng Singapore xin lỗi dân (07/05/2011)

>   Google và Johnson & Johnson có uy tín nhất ở Mỹ (04/05/2011)

>   Các nước thực thi chống lạm phát (03/05/2011)

>   Công ty của tỷ phú số 1 thế giới bị phạt 1 tỷ USD (17/04/2011)

>   Các công ty điện lực gánh chi phí đền bù hộ TEPCO? (14/04/2011)

>   Hội nghị cấp cao nhóm BRICS ra tuyên bố chung (14/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật