Các nước thực thi chống lạm phát
Giải pháp kiềm chế lạm phát trong ngắn hạn chủ yếu vẫn là chính sách thắt chặt tiền tệ, thông qua tăng lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Indonesia đã điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ ngày 1-11-2010 và đến đầu tháng 2-2011 tiếp tục nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm %, từ mức 6,5% lên 6,75%.
Tại Thái Lan, trong tháng 1/2011, nước này cũng đã điều chỉnh tăng mức lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm % lên 2,25% để đối phó với sức ép của lạm phát.
Mức lãi suất cơ bản hiện nay của các nước ASEAN là tương đối thấp nên chính sách tiền tệ để các nước này đối phó với sức ép về lạm phát không lớn. Malaysia và Philippines chưa đặt vấn đề tăng lãi suất, song một số chuyên gia cho rằng với tình hình như hiện nay, thì có thể trong quý II/2011, các nước này cũng sẽ có một số điều chỉnh về chính sách tiền tệ.
Trung Quốc cũng thực hiện tăng lãi suất cơ bản đối với tiền gửi và tiền vay tương ứng từ 2,25% lên 2,75% và 5,31% lên 5,81% và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 18% lên 18,5%. Nước này khống chế chặt các dự án khởi công mới, thẩm tra nghiêm ngặt việc huy động vốn của các địa phương, tăng cường quản lý giám sát và thắt chặt các khoản cho vay bất động sản, đồng thời đảm bảo việc cung ứng nông sản ổn định, giảm chi phí lưu thông cho các loại nông sản, miễn phí cầu đường đối với các xe chở nông sản tươi có chứng nhận hợp pháp; tăng cường kiểm tra giám sát và chống độc quyền giá.
Hàn Quốc thúc đẩy việc giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm đầu vào của các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày; bình ổn giá các mặt hàng, dịch vụ công cộng và ngừng các kế hoạch tăng giá dự kiến.
Ấn Độ đã cắt giảm nợ và chi tiêu công trong năm 2010, giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 5,5% GDP. Ngoài ra, Ấn Độ còn thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn nạn đầu cơ, đặc biệt là vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm; hạn chế tình trạng lãng phí và xa hoa của giới nhà giàu và trợ cấp lương thực, nhiên liệu và phân bón cho người dân.
Chính phủ Brazil cũng cắt giảm ngân sách 30 tỷ USD để chống lạm phát. Đây là mức cắt giảm tương đương 1,2% GDP của Brazil năm 2011. Bộ trưởng Tài chính Brazil cho biết, Chính phủ sẽ chấm dứt mọi gói kích cầu còn lại của 2 năm trước.
Khu vực Mỹ Latinh đã cải cách mạnh tiền tệ bằng các giải pháp như: tăng cường quyền tự chủ cho ngân hàng trung ương; độc lập trong việc xây dựng chính sách tiền tệ; độc lập trong hoạt động quản lý và điều hành chính sách tiền tệ mà không có sự can thiệp của chính phủ; quy định trách nhiệm trong việc đạt đến mức lạm phát mục tiêu.
Tình trạng đô la hóa cũng đã làm phức tạp nhiệm vụ quản lý chính sách tiền tệ, nên các nước Mỹ Latinh đã phải đối phó tình trạng đô la hóa bằng cách cố gắng đạt được mục tiêu lạm phát đã đề ra để tăng uy tín của đồng nội tệ, tạo ra các công cụ để nâng cao khả năng cạnh tranh của đồng nội tệ, tăng cường sự kiểm soát nghiêm ngặt các hoạt động ngoại hối và rủi ro tỷ giá của các trung gian tài chính.
Nguyễn Chiến
CHÍNH PHỦ
|