Luật khoáng sản: Chưa thăm dò, sao đấu giá?
Dự thảo Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Nghị định đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã bước qua ba vòng thăm dò ý kiến trước khi ban hành. Có nhiều thay đổi trong việc đánh giá, định giá, nhưng những quy định dường như chưa phù hợp với thực tế hiện nay.
Chỉ hoàn trả chi phí đánh giá: sẽ là trục lợi
“Thật vô lý” - đó là điều đầu tiên mà Giáo sư Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam, thốt lên khi được mời góp ý cho bản dự thảo Nghị định chi tiết về Luật Khoáng sản.
Điều vô lý mà ông Thuận nói nằm ngay ở những quy định đầu tiên của dự thảo. Theo đó, khi khai khoáng, doanh nghiệp hoặc cá nhân sử dụng thông tin điều tra cơ bản về địa chất chỉ phải hoàn trả chi phí đánh giá khoáng sản. Theo ông Thuận, quy hoạch điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản phải trải qua nhiều giai đoạn như lập bản đồ địa chất, điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản, xác định các vùng có triển vọng. Những công việc này bao giờ cũng gắn liền với tìm kiếm, đánh giá sơ bộ khoáng sản. Các công tác địa chất này được Nhà nước đầu tư kinh phí rất lớn, thời gian và công sức kéo dài, dùng vốn ngân sách.
Vì vậy việc thu hồi đầy đủ cả vốn lẫn lãi, kể cả trượt giá, là cần thiết. “Nếu quy định như điều 3 dự thảo thì vô hình trung đã hợp thức hóa việc chuyển đổi một phần tiền đóng thuế của dân cho các ông chủ mỏ thăm dò và khai khoáng”. Hơn nữa, tại điều 7, khoản 3, Luật Khoáng sản đã quy định việc sử dụng thông tin về khoáng sản phục vụ thăm dò, khai khoáng phải hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất, nếu khai khoáng phải hoàn trả cả chi phí thăm dò khoáng sản. “Nghị định không có quyền quy định khác đi”, ông Thuận nhấn mạnh.
PanNature, một tổ chức phát triển bền vững có nhiều đóng góp cho hoạt động khai khoáng, cũng gửi góp ý cho dự thảo này. Họ lưu ý phải bổ sung thêm quy định về cơ chế quản lý và giám sát thi hành của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc hoàn trả chi phí đầu tư trong việc sử dụng thông tin điều tra khai khoáng nhằm tránh thất thu ngân sách. Như điều tra mới đây cho thấy ở ngành dầu khí (chịu sự điều chỉnh của Luật Dầu khí) cũng có quy định về phí mua thông tin như Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, nhiều hợp đồng phải chịu phí khoảng 200.000 đô la Mỹ/lô, nhiều hợp đồng lại không ghi hoặc thậm chí không trả phí. Việc này làm thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Đấu giá quyền khai thác: chưa thăm dò đã làm giá?
Trong dự thảo Nghị định về đấu giá quyền khai khoáng, khi đưa ra vấn đề đấu giá quyền khai thác (ở những khu vực chưa xác định trữ lượng và chất lượng khoáng sản), Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) còn băn khoăn chưa biết nên quy định đấu giá bằng tiền hay tính theo phần trăm trữ lượng mà doanh nghiệp cam kết sẽ trả cho Nhà nước. Ở đây, bộ cũng chưa tính đến mức độ rủi ro của doanh nghiệp khi trúng đấu giá ở những nơi chưa thăm dò. Nếu kết quả thăm dò tốt thì không nói gì nhưng nếu kết quả ngược lại thì doanh nghiệp coi như trắng tay.
Tuy vậy, cuối cùng Bộ TN-MT cũng đã chọn phương án quy định việc đấu giá ở những nơi chưa thăm dò sẽ tính theo giá trị phần trăm trữ lượng (rồi quy thành tiền). Điều quan trọng hơn là doanh nghiệp sẽ trả số tiền này cho nhà nước ngay sau khi trúng đấu giá. Điểm bất hợp lý ở đây là, theo ông Thuận, chưa tiến hành thăm dò thì lấy đâu ra trữ lượng khoáng sản để tính toán giá, nhất là giá khởi điểm để đấu. Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, cũng gọi quy định đấu giá ở những nơi chưa thăm dò là phi lý.
Hơn nữa, nếu nói đến giá khởi điểm để đấu giá quyền thăm dò, còn nhiều việc phức tạp phải tính đến. Chẳng hạn như các chi phí về điều tra địa chất cơ bản, lập bản đồ địa chất, đánh giá tiềm năng, xác định nơi có triển vọng... Đây là những khoản mà doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều kinh phí để thực hiện, vậy có đưa vào công thức tính giá khởi điểm và tính tiền trúng đấu giá hay không?
Những “lỗ dò” phải lấp
Đó là những trường hợp đã phát sinh trong thực tế mà dự thảo Nghị định cần điều chỉnh, nhằm tránh lách luật hoặc dựa vào luật này để lách luật khác. Ông Sơn đưa ra một ví dụ gần đây, cuối tháng 3-2011, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp cho Công ty Thương mại Hoàng Anh Thanh Hóa giấy phép khai thác 120.000 tấn quặng sắt và thu hồi 254 héc ta đất để công ty này thuê. “Như vậy là lạm dụng việc cấp giấy phép khai khoáng để thu hồi đất không cần thiết”, theo ông Sơn. Bởi vì để khai thác và chế biến trữ lượng quặng manhetit nêu trên (kể cả thân quặng phân tán) chỉ cần diện tích khai trường và diện tích để lắp đặt hai dây chuyền quặng, tối đa là 12-15 héc ta. Trong khi đó, nông dân ở đây bị thu hồi diện tích đất gấp hơn 20 lần diện tích cần sử dụng.
Dự thảo cũng mới chỉ đề cập đến việc cấp, gia hạn và trả lại các loại giấy phép, còn phần “thay đổi” nội dung giấy phép lại bỏ trống, trong khi trên thực tế đây là vấn đề nóng. Nếu không quy định rõ thì việc các doanh nghiệp lách luật để chuyển nhượng quyền thăm dò hay quyền khai thác, mà thực chất là mua- bán giấy phép, sẽ lại xảy ra mà nhà nước không quản được. Ông cũng yêu cầu, nghị định phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp có các quyền khác theo quy định của pháp luật, như quyền được dùng giấy phép thăm dò hay giấy phép khai khoáng để góp vốn.
Ngọc Lan
tbktsg
|