Đằng sau những cuộc “sinh nở” dễ dàng
Việc thành lập các công ty con, công ty liên doanh, liên kết để mở rộng quy mô, tầm vóc của doanh nghiệp đã rất phổ biến ở nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lẫn doanh nghiệp dân doanh. Sinh thì dễ nhưng nuôi các công ty con, dù dưới bất kỳ hình thức nào, là cả một vấn đề rất phức tạp và nảy sinh nhiều hệ lụy.
* Lập công ty con, lợi thì có lợi
Mỗi nơi sinh mỗi kiểu
Cách đây đúng một tháng, Quốc hội khóa XII thông qua cho tập đoàn Dầu khí (PVN) dùng 3.500 tỉ đồng tiền ngân sách để đầu tư cho các dự án trọng điểm và mở rộng sản xuất. Điều đáng nói là quyết định thông qua của Quốc hội được thực hiện sau khi hơn một nửa số đại biểu không đồng tình về khoản chi, theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến trước đó của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một trong số những lý do không đồng tình là vì, theo báo cáo của Chính phủ, PVN dùng gần 12.000 tỉ trong tổng số 34.515 tỉ đồng tiền lãi từ dầu, khí để lại cho PVN trong giai đoạn 2006-2010 để cấp vốn đầu tư trực tiếp cho Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP). Từ năm 2009, Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định việc cấp vốn như vậy là không phù hợp với quy định của Chính phủ về quy chế quản lý tài chính của công ty mẹ - PVN.
Chuyện thành lập công ty con thế nào, rót vốn cho các công ty con ra sao ở các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nói chung (trừ doanh nghiệp niêm yết) ít công khai, ngoại trừ trường hợp của PVEP được biết đến vì PVN phải giải trình việc dùng số tiền rất lớn từ ngân sách cấp cho. Nhờ vậy, kiểm toán phát hiện là không đúng quy định. Cũng nhờ kiểm toán, người ta mới biết được các sai phạm tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II), một thành viên hạch toán độc lập của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). “Con đẻ” này được Agribank cấp hạn mức vay vốn tới gần 4.000 tỉ trong năm 2009, khi đang nợ ngân hàng khoảng 2.500 tỉ.
Các trường hợp nêu trên là công ty con được công ty mẹ nuông chiều hết mức, bất chấp các quy định về quản lý tài chính. Còn trường hợp khác là có sinh nhưng không dưỡng. Việc thành lập ồ ạt các công ty con ở Vinashin năm 2007 là ví dụ. Với việc mỗi ngày có một công ty ra đời vào thời điểm đó, Vinashin chủ yếu đẻ ra loại hình công ty con, công ty liên doanh, liên kết qua hình thức góp vốn bằng thương hiệu.
Cuối năm 2009, trong một cuộc họp của Chính phủ với Vinashin và tất cả các bộ, ngành liên quan về tình hình tài chính tập đoàn này, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phải xem xét và đề ra quy chế rõ ràng cho việc góp vốn bằng giá trị thương hiệu ở các tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt là Vinashin. Nhưng kể từ khi Vinashin có hơn 200 công ty con và công ty lớn nhỏ các loại đến khi tiến đến chỗ phá sản, phải tái cơ cấu còn lại 42 công ty, thì yêu cầu của Chính phủ với Bộ Tài chính vẫn chưa được thực hiện. Đến nay, Bộ Tài chính vẫn đang lấy ý kiến dự thảo thông tư hướng dẫn việc góp vốn và nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu.
Mới đây, việc PVN công bố quy chế sử dụng nhãn hiệu, hay nói khác đi là PVN thu phí sử dụng thương hiệu đối với 147 công ty sử dụng nhãn hiệu của tập đoàn dưới các hình thức khác nhau cũng cho thấy phần nào sự sinh sôi nảy nở của các dạng công ty con, cháu, chắt của tập đoàn này.
Sức mạnh doanh nghiệp không phải là bài toán cộng
Chuyện sinh, đẻ ồ ạt các công ty con không phải là chuyện của riêng các DNNN. Bản thân nhiều công ty, tập đoàn ngoài quốc doanh cũng say sưa với cách thức mở rộng quản trị theo kiểu này. Thành công có, thất bại cũng nhiều. Tuy nhiên, nếu theo quy luật đào thải của thị trường thì không nói làm gì. Đằng này, Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thực hiện năm 2010 cho thấy, trong ngành thép, nhiều công ty nhỏ, lạc hậu là công ty con của nhiều tập đoàn, tổng công ty vẫn không rút lui khỏi thị trường được: “Chi phí cơ hội cho việc rút lui là rất lớn”. Các chi phí được thống kê bao gồm khó bán lại tài sản, dây chuyền do tính đặc dụng ngành nghề, chi phí trả lương, thất nghiệp, rủi ro nợ nần… không gánh được khiến nhiều công ty vẫn tiếp tục tồn tại, mặc dù thua lỗ.
Hoặc mới đây, báo cáo sau kiểm toán 2010 của nhiều doanh nghiệp niêm yết đã phải điều chỉnh hàng trăm tỉ đồng do hạch toán doanh thu, lợi nhuận từ các công ty con, công ty liên kết không chính xác.
Theo Tiến sĩ Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán - Kiểm toán (VAA), để được xem là những tập đoàn kinh tế mạnh, cả Nhà nước lẫn tư nhân, nên xét về năng lực quản trị doanh nghiệp, về hiệu quả kinh doanh vốn, thay vì xét về tốc độ phát triển doanh nghiệp.
Ông Thanh cho rằng chỉ có con đường công khai, minh bạch qua niêm yết trên thị trường chứng khoán thì xã hội mới biết được doanh nghiệp hoạt động ra sao, quản trị thế nào và việc mở rộng kinh doanh, thành lập các công ty con có hiệu quả hay không.
Một chuyên gia kinh tế khác cho rằng: việc niêm yết trên thị trường muốn đạt được thành công hơn hiện tại thì phải tăng tiêu chuẩn niêm yết tại các sàn thay vì biện pháp tăng cung hàng hóa. Nếu không, nhiều doanh nghiệp niêm yết “vươn tay” ra nhiều công ty con không khác nào một hình thức pha loãng giá trị cổ phiếu, giá trị thương hiệu trong mắt nhà đầu tư.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói trên Vietnamnet rằng việc Quốc hội quyết định đầu tư cụ thể số tiền cho tập đoàn như trường hợp PVN là không cần thiết. Nếu đúng ra, để đạt được hiệu quả giám sát cao, Quốc hội chỉ xem xét hiệu quả quản trị doanh nghiệp của PVN qua Chính phủ, qua việc sử dụng đồng vốn mà Chính phủ cấp ra sao. Nếu cấp vốn cho các công ty con sai quy định như ở PVN và ALC II thì đồng vốn đó phải được thu lại hoặc quy trách nhiệm rõ ràng mới đúng.
Doanh nghiệp nào có nhiều công ty con nhất?
Có các số liệu thống kê đầy đủ và chính xác là rất cần cho sự phát triển đất nước. Đáng tiếc chúng ta chưa có ý thức đúng về vấn đề này. Tôi không có số liệu thống kê chính xác để trả lời câu hỏi “doanh nghiệp nào có nhiều công ty con nhất” một cách dứt khoát. Ở đây chỉ xin lấy trường hợp của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để xem thử họ có bao nhiêu công ty con, công ty cháu.
Theo trang tin điện tử của PVN, tập đoàn này có 39 đơn vị thành viên (11 ban quản lý dự án và chi nhánh), 6 công ty con do PVN sở hữu 100%, 11 công ty do PVN chi phối, 8 công ty liên kết, 1 viện nghiên cứu, 1 đại học và 1 trường cao đẳng, và các công ty liên doanh với nước ngoài.
Riêng Tổng công ty Điện lực dầu khí (do PVN sở hữu 100%) lại có 9 công ty con và 1 ban quản lý dự án.
Còn Tổng công ty cổ phần Xây dựng dầu khí (PVX), do PVN nắm cổ phần chi phối, thì có 18 công ty con trong đó có 5 công ty bất động sản; 35 công ty liên kết. Các công ty con của PVX lại có thể có nhiều công ty con khác (cháu của PVX, chắt của PVN).
Nếu tính trung bình mỗi công ty con và công ty do PVN chi phối có 10 công ty con, thì số công ty cháu của PVN phải lên đến 170 và số công ty con cháu của PVN cỡ vài trăm. Nếu tính đến công ty chắt có lẽ còn nhiều gấp bội.
Ngoài các công ty con, cháu, chắt chính thức, các tập đoàn kinh tế nhà nước còn có các công ty con, cháu “hờ”, tức là các công ty sử dụng “tên” hay “thương hiệu” của các tập đoàn này để làm ăn, đấy là một sự mập mờ cần phải loại bỏ.
Thí dụ, các đơn vị trực thuộc PVN, các cơ sở nghiên cứu khoa học, các cơ sở đào tạo do PVN sở hữu 100% vốn, các công ty con của PVN, các đơn vị trực thuộc công ty con của PVN (tức là công ty cháu của PVN) được miễn phí chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu của PVN, còn các công ty khác nếu sử dụng logo của PVN thì phải trả phí 1 tỉ đồng/năm. Theo PVN, hiện có 70/147 công ty sử dụng nhãn hiệu của PVN đã ký kết hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu. Không rõ các công ty con cháu của PVN được sử dụng miễn phí logo PVN có nằm trong 70/148 công ty nêu trên hay không? Có lẽ không. Nếu đúng thế thì 148 công ty này rất có thể chỉ là công ty con, cháu “hờ” mà thôi.
Thực ra không khó để vẽ “gia phả” của PVN và tính xem nó có bao nhiêu con, cháu, chắt... đáng tiếc chúng ta không biết mà lẽ ra các số liệu như vậy phải được công khai (như ở tất cả các nước văn minh) để cho nhà nước, các nhà nghiên cứu và dân chúng được biết (cùng với các số liệu thống kê khác như vốn, doanh thu, lợi nhuận...). Chắc chắn các cơ quan nhà nước có các số liệu ấy nhưng số liệu chưa được tổ chức một cách khoa học để dễ tiếp cận cũng như xử lý - một việc cần được cải thiện.
Nguyễn Quang A |
Ngọc Lan
tbktsg
|