Giá phân bón còn tăng
Mặc dù thuộc diện hàng hoá được bình ổn giá, thế nhưng những ngày gần đây, giá bán các loại phân bón trên thị trường lại thay đổi liên tục theo ngày, thậm chí có ngày thay đổi tới ba lần.
Theo Bộ Công Thương, trong quý I/2011, bên cạnh việc sản lượng các loại phân bón tăng thì giá cả loại mặt hàng này cũng tăng đáng kể. Cụ thể, phân urê tăng 18,3%; phân lân 2,6%; phân NPK 37,9%; phân bón DAP 66,3%.
Theo các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân chủ yếu khiến giá phân bón liên tục tăng từ đầu năm tới nay là do một số loại phân như urê nước ta phải nhập 50%; SA, kali nhập 100%, DAP trong nước mới đáp ứng được 20% nên giá phân bón bị tác động nhiều bởi giá thế giới. Bên cạnh đó, theo ông Bùi Thế Chuyên – Trưởng ban kế hoạch kinh doanh Tập đoàn Hóa chất VN cho biết, từ 1/4/2011, giá than bán cho sản xuất phân bón đã tăng 20% với than cục, còn than cám tăng 40%. Các mức giá này sau khi tăng đã bằng 90% giá than bán trên thị trường. Với các hộ tiêu thụ than lớn như phân bón thì giá bán như trên không có ưu đãi gì nữa. Việc giá than tăng làm cho các DN sản xuất và kinh doanh phân bón không thể không tăng chi phí và giá bán sản phẩm.
Ông Nguyễn Tiến Dũng- Tổng giám đốc Cty cổ phần đầu tư nông sản cho biết, hiện tại DN chúng tôi đã phải tăng giá bán phân bón lên tới mức bình quân 150.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, mức tăng này nếu so với giá nguyên liệu đầu vào thì vẫn chưa phải là cao. Còn đại diện Cty CP thương mại Tân Trường Sinh cho biết, hiện tại Trung Quốc đang áp dụng mức thuế 110%, nhằm hạn chế xuất khẩu, ưu tiên cho nhu cầu trong nước. Vì vậy, phân bón còn tiếp tục bất ổn cả về giá và nguồn cung từ giờ đến khoảng tháng 6, tháng 7 tới. Như vậy, bức tranh của thị trường phân bón trong thời gian tiếp theo sẽ chỉ tăng, tuy nhiên mức tăng như thế nào thì chưa thể khẳng định.
Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương Nguyễn Lộc An cho rằng để chủ động hơn trong việc kiểm soát biến động của giá cả bán lẻ phân bón trên thị trường và phù hợp hơn với cơ chế thị trường, giải pháp bình ổn thông qua việc điều tiết cân đối cung cầu hàng hóa sẽ tối ưu hơn những biện pháp khác. Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ ban hành quy định yêu cầu các DN sản xuất, nhập khẩu phân bón phải duy trì một lượng hàng dự trữ bắt buộc để sẵn sàng cung ứng khi thị trường có biến động lớn hoặc mất cân đối cung cầu. Để thực hiện tốt việc dự trữ hàng, DN sẽ nhận được những hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua các ưu đãi về tín dụng, thuế, đầu tư kho bãi, tiếp cận nguồn cung ngoại tệ...
Bên cạnh đó, vấn đề tổ chức lại hệ thống phân phối phân bón cũng là giải pháp rất quan trọng để đảm bảo mức chênh lệch giá từ nhà sản xuất đến tay người nông dân sao cho thấp nhất. Trên cơ sở đó, các DN phải mở rộng mạng lưới cung ứng phân bón trực tiếp cho người nông dân, nhằm tăng cường kiểm soát giá bán trong hệ thống, hạn chế sự tăng giá bất hợp lý trong khâu lưu thông. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính sẽ chủ động điều tiết cung - cầu phân bón qua các chính sách thuế, chính sách XNK như: tăng thuế XK, giảm thuế NK hoặc đề xuất tạm thời ngừng xuất khẩu đối với một số chủng loại phân bón quan trọng trong một thời gian nhất định. Cục Quản lý giá cũng tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá thông qua việc thanh, kiểm tra phương án tính giá phân bón và mức giá phân bón của DN, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp lệnh giá.
Mai Thanh
Diễn đàn doanh nghiệp
|