Giá sữa và câu chuyện quản lý
Trong bối cảnh lạm phát, người tiêu dùng rất bức xúc trước tình trạng giá sữa tăng chóng mặt, chất lượng sữa lại mập mờ.
Giá sữa mặc sức tung hoành
Bộ Tài chính cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, chưa nhận được hồ sơ xin đăng ký tăng giá bán của doanh nghiệp sữa nào thuộc diện phải đăng ký giá theo quy định. Nhiều hãng sữa cũng khẳng định chưa có kế hoạch tăng giá bán các sản phẩm trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, trên thị trường giá một số mặt hàng sữa đã tăng chóng mặt.
Tại một số đại lý bán sữa tại Hà Nội, giá bán rất nhiều sản phẩm sữa của các hãng Abbott, Enfagrow và X.O, Nestle tăng khoảng 5-7%, tùy địa điểm. Nhiều đại lý, siêu thị còn dùng chiêu kinh doanh theo kiểu bán sữa có kèm khuyến mãi, sau một tháng khi hết khuyến mãi thì nghiễm nhiên người tiêu dùng (NTD) phải chịu giá sữa mới. Khi giá bán của các hãng sữa chưa tăng, giá bán tại các đại lý lại lên bậc mới, nhiều ý kiến cho rằng “thủ phạm” chính là do khâu phân phối. Bên cạnh đó, việc “mua đứt bán đoạn” giữa hãng sữa với các đại lý dẫn đến tình trạng các hãng sữa không kiểm soát được giá bán sữa tại các đại lý.
Bà Nguyễn Quỳnh Chi - Chủ nhiệm Câu lạc bộ người tiêu dùng nữ - Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, NTD “sốt ruột” vì cách quản lý giá sữa: “Tôi thấy năm 2009, các ngành chức năng đã cam kết không tăng giá sữa, nhưng từ cuối năm 2010 đến nay, giá sữa cứ tăng liên tục. Khi doanh nghiệp sữa ra sản phẩm mới phải đăng ký giá sữa với cơ quan quản lý giá. Nhưng hiện nay, giá sữa cứ tung hoành, vì vậy NTD rất mong muốn có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra thị trường”.
Trong khi giá sữa bột đang leo thang thì chất lượng sữa nước trên thị trường lại bát nháo, gây lo lắng cho NTD. Các ngành chức năng khuyến cáo, một số doanh nghiệp sữa đã quảng cáo gây nhầm lẫn cho NTD, như quảng cáo bổ sung vi chất nhưng thực tế lại không có, nhập nhèm giữa sữa tươi và sữa hoàn nguyên... Hoặc một số doanh nghiệp đã quảng cáo, tiếp thị sữa vào trong các trường học, bệnh viện khiến giá cả có xu hướng tăng.
Đâu là giải pháp?
Từ 1/7, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD sẽ có hiệu lực. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xử phạt các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, nhất là sữa - một mặt hàng liên quan đến sức khoẻ NTD. Bà Vũ Thị Bạch Nga - Trưởng ban Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết: “Chất lượng sữa so với tiêu chuẩn công bố, theo quy định hiện nay vẫn đang là vấn đề nan giải. Bộ Y tế đang thực hiện chế độ hậu kiểm, tức là các công ty cứ thực hiện theo tiêu chuẩn mình công bố còn Bộ Y tế sẽ hậu kiểm. Tuy nhiên, việc này chưa được làm thường xuyên”.
Vậy đâu là giải pháp cho giá sữa ở Việt Nam? Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, hiện nay nhà nhập khẩu sữa bột tư nhân chiếm 20-30% thị phần. Do đó, việc kiểm soát hành chính như đăng ký giá, kê khai giá với hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm sữa là rất khó khăn. Mặt khác, các cơ quan chức năng vẫn chưa nắm được giá gốc của các sản phẩm sữa nhập khẩu. Để quản lý giá, giải pháp được đưa ra dựa trên nguyên tắc “lấy hàng hóa áp đảo hàng hóa, lấy giá cả áp đảo giá cả”. Hiệp hội kiến nghị phải yêu cầu các Tổng Công ty Thương mại Nhà nước nhập khẩu sữa thì mới đảm bảo giá sữa không bị các nhà nhập khẩu tư nhân làm mưa làm gió trên thị trường”.
Việc tăng giá vô tội vạ của các hãng sữa được nói đến từ lâu nhưng không mấy được cải thiện. Hơn bao giờ hết, thị trường sữa hiện cần những biện pháp mạnh để tránh thiệt hại cho NTD./.
Xuân Lan
TNVN, VOV
|