Thứ Năm, 05/05/2011 06:42

Hàng xuất khẩu Việt Nam: Lớn mạnh trong hội nhập

Việt Nam đã và đang có nhiều lợi thế trong việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu những sản phẩm từ nông nghiệp. Rất nhiều mặt hàng đặc sản của VN đã lọt vào “bản đồ” săn tìm của các nhà buôn trên thế giới.

* ASEAN và niềm tin hàng Việt

Vị thế mới

Năm 2010, các nhà nhập khẩu lại một lần nữa chứng kiến hàng loạt mặt hàng của VN tiếp tục vươn lên hoặc giữ vững vị trí nhất nhì tại các sàn giao dịch thế giới. Ở vị trí đầu bảng, có thể kể đến hồ tiêu hiện chiếm 50% sản lượng tiêu thụ trên toàn thế giới.

Trong 3 năm liên tục gần đây, tiêu VN đã và đang “làm mưa, làm gió” và hoàn toàn điều khiển được giá tiêu thế giới. Giá tiêu xô trong tháng 3-2011 đã lên tới 106.000 đồng/kg, càng để lâu, tiêu càng có giá. Kể từ năm 2006, hạt điều VN đã qua mặt Ấn Độ để giành vị trí hàng đầu thế giới cho đến hiện nay.

Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều VN cho biết, trong tháng 5-2011, hội nghị thường niên về hạt điều sẽ được tổ chức tại Hungary, trong đó VN sẽ là một trong 4 quốc gia đồng sáng lập Hiệp hội Điều thế giới (gồm VN, Ấn Độ, châu Phi và Brazil).

Ở mặt hàng cà phê, loại cà phê Robusta của VN vẫn dẫn đầu thế giới, với sản lượng chiếm gần 50%. Cà phê VN đã xuất hiện tại nhiều sàn giao dịch nổi tiếng thế giới London, ICE New York. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu cà phê đã mang về cho VN 1,39 tỷ USD.

Đối với gạo, dù VN vẫn chưa thể bứt phá để giành ngôi vị đầu bảng, nhưng giá gạo của VN đã đứng ngang bằng so với giá của Thái Lan (quốc gia đang chiếm giữ vị trí đầu bảng)…

Ngoài ra, nhiều sản phẩm của VN đã gắn liền và làm rạng danh nhiều vùng miền của VN, lọt vào “bản đồ” săn tìm những đặc sản nổi tiếng của các nhà buôn thế giới như: hồ tiêu Chư Sê; thanh long Bình Thuận; bưởi Năm Roi (Vĩnh Long); xoài cát Hòa Lộc…

Liên tục trong 2 năm gần đây, ngành dệt may đã qua mặt dầu thô để nắm giữ vị trí đầu bảng các mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 11,2 tỷ USD; vươn lên vị trí thứ 3 trên thế giới.

Cùng với da giày, nhiều doanh nghiệp dệt may VN đã được các tập đoàn lớn chọn làm nơi để sản xuất cho hầu hết các nhãn hàng cao cấp, nổi tiếng toàn cầu như Adidas, Puma, Nike… Năm 2010, người ta cũng chứng kiến sự chuyển dịch các đơn hàng dệt may rất lớn từ Trung Quốc sang VN.

Ngành điện tử, kim ngạch xuất khẩu năm nay dự kiến đạt khoảng 4 tỷ USD, đứng thứ 5 trong số những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất. Hiện hàng điện tử VN cũng đã có mặt ở hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là gia công và lắp ráp. Xuất khẩu đồ gỗ VN đã tự tin vươn lên vị trí thứ 2 trong khu vực, đang dần khẳng định vị thế tại nhiều nước.

Gần đây, mặt hàng thủy sản của VN đã tiếp tục thắng thế tại nhiều thị trường thế giới. Lần đầu tiên thủy sản đã leo lên vị trí thứ 2 trong khu vực về sản lượng xuất khẩu cũng như chất lượng sản phẩm.

Tại một số thị trường mới như Ấn Độ, Myanmar, đã bắt đầu nhập khẩu khá nhiều mã hàng của VN, thay vì từ một số nước khác.

Bà Ngô Lệ Thu, Phó Giám đốc Phòng Thị trường Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết, cuối năm 2010 vừa qua, chủ tịch hội đồng quản trị một tập đoàn phân phối lớn của Mỹ đã đích thân đến VN, thuyết phục và đề nghị Satra làm đầu mối cung cấp các mặt hàng nông sản và thủy hải sản chế biến để xuất trực tiếp sang Mỹ.

Sản phẩm đột phá

Không ai có thể phủ nhận sự có mặt ngày càng nhiều những sản phẩm “Made in Vietnam” trên quầy kệ siêu thị các nước. Điển hình trong số này có thể kể đến những loại củ, quả sấy khô của Vinamit; cà phê Trung Nguyên, Vinacafe; mây tre lá Ba Nhất; bánh phồng tôm Sa Giang, kẹo dừa Bến Tre, cân Nhơn Hòa…

Sản xuất mít sấy tại Công ty Vinamit.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm HTX Ba Nhất cho biết, trước đây HTX thường chọn cách sản xuất theo đơn đặt hàng (từ nguyên liệu đến mẫu mã, hoa văn) cho các đối tác nước ngoài. Gần đây, Ba Nhất đã bắt đầu đổi “chiến thuật”, đó là sản xuất nhiều hàng mẫu riêng rồi chào hàng. Cách làm này không chỉ tạo điều kiện cho thương hiệu Ba Nhất phát triển mà còn khẳng định vị thế, gia tăng giá trị sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Trong “bộ sưu tập” các sản phẩm xuất khẩu đột phá của VN còn có gốm sứ Minh Long, gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, lụa Hà Đông… Phở 24 - món ăn thuần túy của VN - đã xuất ngoại dưới hình thức nhượng quyền thương hiệu tại nhiều nước.

Cái giá của thương hiệu nổi tiếng đã kéo rất nhiều khách hàng nước ngoài tự tìm đến để thương thuyết mà không cần phải tốn nhiều thời gian cho tiếp thị, đó là nhận xét chung của hầu hết các DN có sản phẩm xuất khẩu đột phá.

Đi tìm chiến lược dài hơi

Dù còn nhiều vấn đề đặt ra cho ngành công nghiệp xuất khẩu, nhưng VN vẫn được các đối tác đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa. Điều này không chỉ biểu hiện ở năng suất lao động, nguồn nhân lực dồi dào, lao động giá rẻ, mà VN còn sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cộng với nền chính trị ổn định.

Các DN xuất khẩu cũng không ngừng hoàn thiện để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất từ các đối tác. Biểu hiện rõ nhất là việc Tập đoàn Nike chọn đích danh Công ty May Tây Đô (thuộc Tổng công ty Việt Tiến), DN duy nhất trong khu vực Đông Nam Á tham gia vào quá trình sản xuất, gia công các sản phẩm giày dép, áo lạnh cung cấp cho các đại lý của Nike toàn cầu.

Bằng những gì đã nói ở trên, có thể khẳng định, VN đã và đang có những sản phẩm mạnh trên thế giới.

Nhưng để trả lời câu hỏi: “VN đã có những thương hiệu quốc gia và mang tầm toàn cầu chưa?”, nhiều người sẽ rất lúng túng! Làm gì để định hình sản phẩm Việt, thương hiệu Việt trong đầu người tiêu dùng thế giới? Đây chính là vấn đề đã được bàn luận tại nhiều cuộc họp, hội thảo. Nhiều ý kiến nhận xét, những sản phẩm Việt đi ra nước ngoài mới chỉ dừng ở dạng vô thức, tự phát.

Trên thực tế, chúng ta chưa có ý thức để biến những sản phẩm mang tính đột phá của VN thành những thương hiệu nổi tiếng. Nói cách khác, VN chưa có một chiến lược dài hơi trong việc xây dựng những sản phẩm mang tính toàn cầu.

Thúy Hải

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Các tin tức khác

>   Giá lúa cao, ai lợi? (05/05/2011)

>   Hàng Trung Quốc đang mất lợi thế giá rẻ (04/05/2011)

>   Cổ đông Gtel Mobile hoàn tất giao dịch đầu tư vốn 500 triệu USD (05/05/2011)

>   Petrolimex đảm bảo không thiếu xăng dầu (04/05/2011)

>   Hàng xa xỉ nhập khẩu vẫn tăng-mối lo nhập siêu (04/05/2011)

>   Hàng loạt thuê bao EVN Telecom nguy cơ mất số (04/05/2011)

>   Xuất khẩu gỗ tăng mạnh (04/05/2011)

>   Tiếp tục cho các đơn vị thuộc Vinashin kéo dài thời hạn trả nợ (04/05/2011)

>   Tháng 8, VTC sẽ trình Chính phủ đề án lập tập đoàn (04/05/2011)

>   ASEAN và niềm tin hàng Việt (04/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật