Hàng xuất khẩu Việt Nam - Tiềm năng và hiện thực
ASEAN và niềm tin hàng Việt
“Chưa bao giờ người tiêu dùng trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) lại biết nhiều đến hàng hóa mang thương hiệu “Made in Vietnam” như hiện nay. Hàng Việt đã có sức cạnh tranh rất lớn, trở thành đối thủ đáng gờm của Thái Lan, Trung Quốc tại nhiều nước ASEAN”, đây là nhận xét chung của các đối tác về vị thế của hàng Việt tại các hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư tổ chức tại Ấn Độ, Myanmar và Campuchia.
Hàng Việt tại Campuchia: nghe và thấy
Đầu tháng 4-2011, trong chuyến tháp tùng đoàn lãnh đạo của TPHCM và doanh nghiệp (DN) tham dự Hội chợ triển lãm Thương mại – dịch vụ Việt Nam – Campuchia 2011 (Ho Chi Minh City Expo 2011), chúng tôi đã chứng kiến người dân Campuchia “khát” hàng Việt đến nhường nào.
Gần 300 gian hàng giới thiệu và bày bán khoảng 10 nhóm mặt hàng của gần 150 DN Việt Nam đã được bán hết sau gần 2 ngày khai mạc hội chợ. Người ta đi mua hàng Việt đi như đi hội. Không cầm lên đặt xuống, không trả giá, hầu hết người tiêu dùng ở đây tỏ ra rất sành điệu khi kể tên các DN, những nhãn hàng nổi tiếng của VN như Vinamilk, Vissan, Kinh Đô,…
* Theo Bộ Công thương VN, năm 2010 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường Indonesia và sự phát triển bền vững của các thị trường Campuchia và Myanmar đối với xuất khẩu của VN. Xuất khẩu sang Indonesia tăng 91,6%, Brunei tăng 84%, Myanmar tăng 47% và Campuchia 35,2%. Đáng chú ý, Đông Timo là thị trường mới và không có chỉ tiêu trong kế hoạch xuất khẩu năm 2010, nhưng kim ngạch cũng đạt 53 triệu USD, cao hơn kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Myanmar (50 triệu USD). |
Tại khu vực chợ trung tâm ở Thủ đô Phnôm Pênh, hàng Việt Nam xuất hiện chủ yếu là quần áo, giày dép, mì gói và các mặt hàng hóa phẩm. Giá bán hàng Việt tại Campuchia cao hơn bình quân khoảng 20%-25% so với sản phẩm cùng loại bán tại TPHCM. Với mức giá này, hàng Việt đang cạnh tranh ngang ngửa về giá so với hàng Thái và Trung Quốc nhưng về chất lượng được người dân Campchia tin tưởng tuyệt đối.
Tại các cửa hàng tạp hóa, hàng Việt chiếm khoảng 1/3 trong tổng số các mặt hàng bày bán. Có đi mới biết, tại Phnôm Pênh, tỷ lệ người nói rành tiếng Việt rất nhiều. Từ các chợ, cửa hàng tạp hóa đến các khách sạn 5 sao, đến đâu chúng tôi cũng thấy thân quen từ hàng hóa, cho đến sinh hoạt và lời nói. Ở Campuchia, cùng một lúc người ta có thể sử dụng 3 đồng tiền chính: riel, USD và VND.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, trong 2 năm gần đây, Campuchia đã trở thành thị trường xuất khẩu chủ lực của Vissan. Dự kiến trong năm 2011, Vissan sẽ chi khoảng 1 triệu USD cho công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh sản phẩm của Vissan tại đất nước này.
Ông Ming Seng, Giám đốc siêu thị Việt Nam tại Campuchia cũng cho rằng, Thái Lan, Trung Quốc và VN là 3 quốc gia đang tạm chia nhau thị phần tại Campuchia. Tuy nhiên, gần đây hàng VN đã vươn lên vị trí thứ 2 tại thị trường này. Quan hệ thương mại Việt Nam – Campuchia từ năm 2000 đến nay đã có những bước phát triển mạnh mẽ, kim ngạch thương mại hai chiều không ngừng tăng nhanh, trung bình trên 30%/năm.
Theo Bộ Thương mại Campuchia, VN trong những năm gần đây luôn là nước có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất sang Campuchia. Năm 2010, kim ngạch thương mại hai nước đạt hơn 1,8 tỷ USD; tăng 35,6% so với 2009. Trong đó VN xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD, tăng 34,5%. Campuchia là một trong các thị trường hiếm hoi của ASEAN mà VN xuất siêu với khoảng 1,3 tỷ USD; bằng 83% tổng giá trị xuất khẩu.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Campuchia không chỉ phát triển mạnh về số lượng và giá trị hàng hóa, mà còn có những bước tiến mạnh mẽ về tính chất quan hệ thương mại. DN hai nước đã và đang chuyển từ quan hệ thương mại thuần túy mua bán theo hợp đồng sang hình thức đầu tư, liên doanh, liên kết làm ăn để thiết lập hệ thống phân phối đến từng làng, xã nông thôn Campuchia.
Hướng đến xuất khẩu bền vững
Cùng với Campuchia, Myanmar là một thị trường mới nổi có sức hút lớn đối với DN VN. Mặt khác, quan hệ chính trị tốt đẹp và những ưu tiên đặc biệt được Chính phủ Myanmar dành cho quan hệ kinh tế thương mại với VN sẽ là bàn đạp vững chắc cho việc phát triển kinh tế giữa hai nước.
Theo ông Chu Công Phùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Myanmar, Myanmar đã có 13 năm thực hiện đổi mới, song đến nay nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ Myanmar còn bỏ ngỏ. Sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu người dân, 90% hàng tiêu dùng và công nghiệp của Myanmar phải nhập khẩu.
Theo Đại sứ Chu Công Phùng, trong kỳ tổ chức hội chợ triển lãm hàng hóa VN tại Myanmar vào tháng 10-2010 vừa qua, người dân nơi đây đã tranh nhau mới mua được hàng. Hàng Việt đã làm hài lòng người dân Myanmar cả về chất lượng lẫn mẫu mã và giá thành sản phẩm. Ông Win Wyint, Chủ tịch Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar kêu gọi các DN VN hãy mạnh dạn đầu tư, mở rộng quan hệ giao thương hơn nữa với Myanmar. Ông cũng mong muốn, với mối quan hệ chính trị tốt đẹp, trong thời gian không xa, VN sẽ trở thành đối tác kinh tế hàng đầu tại nước này.
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang các nước ASEAN cũng đã từng bước được cải thiện. Nếu như trước đây hàng xuất khẩu chủ yếu là dầu thô, gạo, nông thủy sản sơ chế, gần đây đã xuất hiện một số chủng loại hàng công nghiệp, chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng, phương tiện vận chuyển, dược phẩm, thực phẩm chế biến (đặc biệt mì ăn liền), hàng may mặc, và đồ dùng gia dụng. Để đẩy mạnh xuất khẩu của VN vào các thị trường trong khối, Bộ Công thương cũng đã xây dựng các đề án chiến lược xuất khẩu đến năm 2015, định hướng 2020.
Thúy Hải
Sài Gòn Giải phóng
|