Doanh nghiệp đón đầu cơ hội mới
Đang có không ít DN vẫn mạnh dạn mở rộng đầu tư trong thời điểm này để đón đầu những cơ hội phát triển mới.
Lãnh đạo Cty CP thiết bị điện (Thibidi) tại KCN Biên Hòa 1 cho biết, DN đang liên doanh với một đơn vị khác thực hiện dự án xây dựng nhà xưởng ở Campuchia có số vốn đầu tư gần 2 triệu USD.
Ưu tiên hạng mục đầu tư
Theo đó, dự án này đã được chuẩn bị từ nhiều năm nay nhằm mục đích mở rộng thị trường tại Campuchia - thị trường này Thibidi hiện có kim ngạch xuất khẩu trên dưới 3 triệu USD/năm. Đầu tư sang Campuchia là bài toán chiến lược của DN này.
Tương tự, Cty CP bao bì Biên Hòa (Sovi) cũng đang chuẩn bị cho việc triển khai dự án nhà máy mới ở Bình Dương với tổng số vốn đầu tư 175 tỉ đồng. Ông Lê Quốc Tuyên - Chủ tịch HĐQT Sovi, cho hay, mặc dù đang trong thời điểm khó khăn nhưng DN vẫn phải triển khai dự án, bởi càng kéo dài thì mức độ trượt giá càng lớn. Đây cũng là dự án đã được Cty chuẩn bị từ lâu và mang tính chiến lược. "Đầu tư trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi phải ưu tiên một số hạng mục trước, thay vì làm đồng loạt như dự kiến trước đây" - ông Tuyên nói. Theo kế hoạch, nhà máy sản xuất mới của Sovi sẽ đưa vào hoạt động trong năm tới - 2012. Phó giám đốc một DN khá lớn đóng tại KCN Biên Hòa 2 chia sẻ, đầu tư mở rộng sản xuất trong giai đoạn này là một bài toán không đơn giản. tuy nhiên, có nhiều lý do khiến DN vẫn đẩy mạnh đầu tư như đón bắt cơ hội mở rộng thị trường, dự án mang tính lâu dài không thể chậm chân hoặc đơn giản là DN đã lỡ "lên lưng cọp" khi đang thực hiện dự án dở dang.
Trong cuộc họp nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN của UBND tỉnh mới đây, ông Nguyễn Thanh Tâm - Phó TGĐ TCty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) cho hay, hiện tại dù khó khăn Dofico vẫn cần thực hiện những dự án như đầu tư hoàn thiện nhà xưởng cho nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai D&F, xây dựng trại chăn nuôi bò sữa ở Lâm Đồng, đổi mới thiết bị tại một số đơn vị thành viên và xúc tiến một số dự án trọng điểm. Cũng trong tâm thế đầu tư mở rộng ở giai đoạn hiện nay một số DN khác như: Tập đoàn Tân Mai, Cty CP Vinacafé Biên Hòa, CP An Phú Thịnh, Donagamex đều tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án của mình để sớm đưa các công trình đi vào hoạt động.
Cân nhắc kỹ hiệu quả
Lãnh đạo Cty CP Thibidi chia sẻ, công ty cũng rất thận trọng khi xem xét thực hiện dự án mới ở Campuchia trong bối cảnh hiện nay, song cũng không thể bỏ qua cơ hội đầu tư khi thị trường này đang được rộng mở. Hiện Campuchia chưa có nhà máy sản xuất biến thế điện nào và Thibidi đang cạnh tranh với hàng của Thái Lan xuất khẩu qua đây. Với ngành sản xuất máy biến thế điện khá đặc thù, việc chăm sóc khách hàng và bảo trì máy móc là khâu rất quan trọng, nên DN phải đầu tư nhà máy tại đó để nắm phần chủ động. Khi nhà máy mới hoàn thành, Thibidi vừa có cơ hội chăm sóc khách hàng cũ cũng như mở rộng thị phần và nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, DN lại có đầu mối giao thương ổn định tạo đà cho việc đầu tư sang Lào trong tương lai.
Ngành chế biến gỗ được xem là khá khó khăn trong giai đoạn hiện nay, nhưng để đạt được hiệu quả sản xuất, có những DN vẫn tính đến đầu tư đổi mới. Chị Nguyễn Thị Loan - Phó giám đốc Cty CP Thanh Hà (huyện Trảng Bom), chuyên chế biến gỗ xuất khẩu, cũng cho biết, DN đã đầu tư máy móc mới để giảm lao động. "Công nhân của ngành chế biến gỗ hiện rất khan hiếm, nếu không đầu tư vào máy móc hiện đại sẽ khó đáp ứng nổi đơn hàng và không cạnh tranh nổi" - chị Loan nói.
Ông Trần Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Tân Mai khẳng định, dù tình hình sản xuất - kinh doanh hiện nay đang khó khăn nhưng Tân Mai vẫn đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án đầu tư mới: nhà máy sản xuất bột giấy và giấy ở Kon Tum, Quảng Ngãi và Đồng Nai. Bởi, đây là những dự án rất lớn với tổng vốn lên tới cả trăm triệu USD, quyết định "số phận" của Tập đoàn Tân Mai trong nhiều năm tới, đồng thời nó nằm trong quy hoạch phát triển ngành giấy VN đã được Chính phủ quy hoạch và góp phần phát triển kinh tế cho các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung.
Trong diễn đàn kinh doanh lần hai tổ chức tại TP HCM vừa qua, với sự có mặt của hơn 400 DN, cụm từ "mở rộng sản xuất hay đầu tư mới" không được các DN nhắc đến nhiều. Tuy nhiên, thông qua vấn đề tái cấu trúc DN, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc rà soát các dự án mở rộng sản xuất hoặc đầu tư không có nghĩa là ngưng hay cắt giảm hoàn toàn, mà ở tình hình khó khăn buộc DN phải thận trọng, tập trung thực hiện các dự án có hiệu quả và cắt giảm những phần đầu tư có tính khả thi thấp, lâu hoàn vốn.
K. Ngân - V. Nam
Diễn đàn doanh nghiệp
|