Kinh tế châu Á tăng trưởng ngoạn mục
Kinh tế châu Á trải qua gần nửa năm “vượt lên chính mình” để khắc phục khó khăn do lạm phát, thiên tai nhưng đã tăng trưởng một cách ngoạn mục. Những chỉ số khả quan cho thấy có thể hy vọng vào sức bật châu Á.
Những chỉ số khả quan
Hãng tin Reuters ngày 25-5 có bài phân tích những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế Thái Lan, một trong những nền kinh tế đầu tàu của khu vực ASEAN. Dù những bất ổn chính trị vẫn còn hiện diện tại đây, GDP của Thái Lan trong quý 1 vừa qua tăng 12% so với cùng kỳ năm 2009.
Đây là mức tăng mạnh nhất trong 15 năm qua trong khi con số dự báo của các chuyên gia phân tích chỉ là 9%. Chỉ số tăng trưởng kinh tế trong quý 1-2011 của Thái Lan đạt 3,8% so với quý 4 năm ngoái, gấp đôi mức 1,8% giới phân tích đưa ra. Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan, Bandid Nijathaworn, nói rằng nguyên nhân tạo ra kết quả tích cực này là từ xuất khẩu tăng mạnh, chính sách tài chính, tiền tệ phù hợp.
Mặc dù Mỹ vẫn giữ vị trí đối tác số 1 ở châu Á nhưng Trung Quốc đang dần rút ngắn khoảng cách trong cuộc đua thay thế vị trí của Mỹ trong quan hệ thương mại với các nền kinh tế nhiều triển vọng như Hàn Quốc, Philippines… Nợ công của nước này khoảng 17% GDP, thấp hơn nhiều so với Mỹ (hơn 100%) và các nước châu Âu.
IMF dự báo Trung Quốc có thể vẫn tăng trưởng mạnh trong năm nay và điều này sẽ giúp thúc đẩy các nền kinh tế khác trong khu vực tăng trưởng theo. Theo đó, kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 9,5% trong 2 năm tới. Nhu cầu ở nước này đang chuyển từ lĩnh vực công sang lĩnh vực tư, khi mức tiêu thụ được thúc đẩy qua việc tăng tín dụng và các chính sách của chính phủ nhằm nâng thu nhập của các gia đình.
Tờ Economist cũng đã có bài viết đánh giá về mức độ lạc quan của nền kinh tế châu Á trong vài năm tới. Bộ phận phân tích thông tin (EIU) của tạp chí này cho rằng, châu Á sẽ vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2011-2015.
Các khoản nợ (nợ công và những khoản nợ khác) ở các quốc gia châu Á vẫn ở mức thấp, an toàn. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng của phần lớn các nền kinh tế tại đây không dễ bị tác động từ các khoản nợ dưới chuẩn của cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ hay các quốc gia trong khu vực Eurozone.
Những mối lo hiện tại
Văn phòng Nội các Nhật Bản tuần qua cho biết, GDP quý 1 của nước này giảm 3,7% do hậu quả của thảm họa kép động đất - sóng thần ngày 11-3. Con số này gần gấp đôi con số dự báo 1,9% do nhóm chuyên gia kinh tế của hãng Bloomberg đưa ra. AFP ngày 25-5 đưa tin, Nhật Bản đã rơi vào tình trạng thâm hụt thương mại trong tháng 4 ở mức 5,6 tỷ USD khi xuất khẩu của nước này giảm tốc nhanh nhất trong vòng 18 tháng do gián đoạn chuỗi cung ứng sau thảm họa…
Xét về cục diện chung, trong báo cáo thường niên, IMF dự báo mức tăng trưởng xuất khẩu ở châu Á năm nay sẽ giảm nhẹ so với năm ngoái và cũng cảnh báo khu vực này đang đối mặt với nhiều nguy cơ, khi tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Bên cạnh đó là mối lo về tình hình lạm phát và những biến động xoay quanh an ninh lương thực.
Tạp chí Economist cũng đã đưa ra những dự báo khả quan dành cho kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 với mức tăng trưởng dự kiến khoảng 7,2%/năm bởi tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Theo phân tích, điều kiện kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện trong thời gian tới, nhu cầu đối với hàng hóa của Việt Nam tăng, lĩnh vực sản xuất sẽ có thêm điều kiện phát triển.
Sản xuất phát triển tạo thêm nhiều công ăn việc làm, giúp tăng mức thu nhập của người lao động, từ đó người lao động sẽ chi tiêu nhiều hơn và quay lại thúc đẩy sản xuất. Ngoài ra, kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cùng lúc đó, ngành dịch vụ tài chính phát triển, tín dụng tiêu dùng trở nên thuận lợi hơn, tiêu dùng cá nhân có thêm yếu tố hỗ trợ. |
Như Quỳnh
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|