Khơi thông sản xuất
Không chỉ doanh nghiệp, mà ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã bắt đầu thừa nhận, chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát đang ảnh hưởng tới sản xuất - kinh doanh.
|
Ảnh minh họa |
Vì thế, việc có nên tiếp tục thắt chặt tiền tệ thêm nữa, và có nên có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm này hay không đã được đặt ra?
Thực tế cho thấy, khó tiếp cận vốn ngân hàng đã đành, nếu có vay được, thì với lãi suất cao như hiện nay, trung bình khoảng 20%, cộng thêm mức giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào rất cao, doanh nghiệp khó có thể kinh doanh hiệu quả và vì thế, tất yếu sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Đã xuất hiện các thông tin về một số doanh nghiệp đã phải dừng sản xuất, hoặc chỉ chấp nhận sản xuất cầm chừng.
Thậm chí, ở một chiều hướng khác, không ít doanh nghiệp vay được vốn với lãi suất cao đã sẵn sàng bỏ vốn vào những lĩnh vực kinh doanh có khả năng thu lời cao, nhưng rủi ro lớn, khiến nợ xấu của ngân hàng có khả năng tăng cao trong thời gian tới. Nếu xu hướng này lan rộng, và rủi ro là hoàn toàn có thể xảy ra, thì hệ lụy là không nhỏ.
Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, có quan điểm cho rằng, sang quý II, quý III, doanh nghiệp sẽ còn ngấm “đòn” nặng hơn. Sản xuất suy giảm, không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, mà còn là việc làm, an sinh xã hội…
Cho dù trong bối cảnh lạm phát đang khá căng thẳng, dự báo có thể lên tới mức tương đương năm ngoái (11,75%), Chính phủ đã chấp nhận hy sinh mục tiêu tăng trưởng, để hướng tới mục tiêu ưu tiên hơn là kiềm chế lạm phát, song rõ ràng, nền kinh tế không thể không có tăng trưởng, một mức tăng trưởng hợp lý - ít nhất khoảng 6-6,5%.
Thực tế là, rất khó có thể đòi hỏi lãi suất cho vay sẽ hạ, bởi mức lạm phát cao đang cản trở kế hoạch này. Cũng không nên nới lỏng tiền tệ, bởi nếu vậy, sẽ lại đẩy lạm phát lên cao. Kêu gọi doanh nghiệp cùng chung tay với Chính phủ kiềm chế lạm phát là đúng đắn, nhưng trên một khía cạnh nào đó, cũng cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2011, Chính phủ cũng đã chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh.
Nên chăng, đã đến lúc cần tính tới những biện pháp trợ giúp doanh nghiệp, giống như vừa rồi, Chính phủ đã quyết định giãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa… Kiềm chế lạm phát, nhưng không thể quên khơi thông sản xuất.
Nguyên Đức
đầu tư
|