Vụ ALC II: Không thể tiếp tục như thế
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ án hình sự liên quan đến các sai phạm tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II), doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2009 ALC II đã thua lỗ 3.000 tỉ đồng và còn có khả năng thua lỗ tiềm ẩn với khoản tiền đầu tư tài sản cho thuê trị giá gần 4.600 tỉ đồng.
Đáng nói là, ngay từ năm 2007, trong khi ALC II đang nợ ngân hàng tới 2.555 tỉ đồng, vượt hạn mức 1.325 tỉ đồng theo quy định, thì chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lúc ấy vẫn phê duyệt kế hoạch kinh doanh cho công ty với hạn mức vay vốn trong năm đến 3.770 tỉ đồng.
Những thông tin do Kiểm toán Nhà nước đưa ra cho thấy lãnh đạo công ty này đã vi phạm các quy định về quản lý kinh doanh vốn nhà nước, làm thất thoát vốn nhà nước một cách quá dễ dàng. Chẳng hạn, chỉ riêng khoản trả lãi cho khách hàng không đúng theo hợp đồng đã gây thiệt hại trên 1,1 tỉ đồng; huy động 26 hợp đồng trị giá hơn 1.300 tỉ đồng với mức lãi suất trên 17,5%/năm, vượt trần lãi suất quy định; tiếp tục cho nhiều khách hàng thuê thêm tài sản khi họ đã không trả được nợ gốc và lãi; mua và cho thuê một số tàu biển sử dụng chưa được bao lâu đã phải sửa chữa, nâng cấp với chi phí trên 100 tỉ đồng...
Đầu tư tài sản cho thuê nhưng ALC II lại không xác định cơ sở định giá tài sản hoặc có dấu hiệu không bình thường trong việc xác định giá tài sản đầu tư, như vụ mua xe cẩu thủy lực 250 tấn của một công ty với giá 65 tỉ đồng trong khi bảy ngày trước đó công ty này mua lại của một công ty khác với giá chỉ gần 32 tỉ đồng. ALC II cũng giải ngân không căn cứ trên tiến độ thực hiện hợp đồng, như giải ngân cho hợp đồng đầu tư mua một dây chuyền nghiền đá trị giá 7,1 tỉ đồng, nhưng đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa nhận được tài sản; ký hợp đồng mua năm tàu biển cho khách hàng thuê với tổng trị giá 633 tỉ đồng nhưng đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa có tài sản; thậm chí mua tài sản không thuộc sở hữu của bên bán...
Những sự vi phạm quy định một cách quá dễ dàng và kéo dài (từ cuối năm 2006 đến khi bị kiểm toán phát hiện) như thế cho thấy hoặc là hệ thống giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước này đã bị tê liệt, vô hiệu hóa, hoặc đã có sự thông đồng giữa lãnh đạo công ty này với những người chịu trách nhiệm giám sát để ăn chia, bỏ túi riêng. Dù thế nào thì tài sản nhà nước vẫn như một hũ gạo không được bảo vệ, mặc cho chuột bọ tha hồ đục khoét.
Không thể để tình trạng như thế tiếp tục kéo dài. Không thể để doanh nghiệp nhà nước, nắm trong tay tài sản của nhân dân, mà lớn thì gây thất thoát lớn, nhỏ thì gây thất thoát nhỏ, hết vụ này đến vụ khác. Các cơ quan quản lý đã nói nhiều đến việc tăng cường cơ chế kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn nhà nước, việc phải có luật về quản lý kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước. Đó là điều thực sự cấp bách. Nhưng bổ sung quy định, tăng cường bộ máy giám sát là một việc, điều quan trọng hơn là phải xác định rõ ràng người chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm cuối cùng về những tài sản ấy và phải có cơ chế thưởng phạt phân minh. Bằng không, tài sản của nhân dân sẽ tiếp tục đội nón ra đi.
tbktsg
|