Thứ Tư, 20/04/2011 23:11

TPHCM cần hơn 40 tỉ đô la cho phát triển hạ tầng

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, ông Bùi Xuân Cường cho biết thành phố sẽ cần hơn 40 tỉ đô la Mỹ cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhưng ngân sách thành phố chỉ có thể đáp ứng khoảng 15-20% số vốn này.

Ông Cường đưa ra thông tin trên tại buổi đối thoại tại TPHCM ngày 20-4 giữa đại diện lãnh đạo và các ban ngành TPHCM với thành viên của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

Ông Cường cho biết hơn 40 tỉ đô la Mỹ là “số vốn khổng lồ” mà TPHCM cần cho phát triển hạ tầng giao thông từ nay đến 2020 theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do vậy, một trong các giải pháp là tập trung tìm kiếm vốn đầu tư cho hạ tầng từ nhiều nguồn vốn khách nhau, như vốn hỗ trợ phát triển (ODA), các hình thức đầu tư BOT, BT và nhất là hợp tác công tư (PPP) mà thành phố đang kết hợp với Bộ Kế hoạch-Đầu tư triển khai thí điểm dự án theo mô hình này.

TPHCM hy vọng PPP sẽ là kênh huy động vốn hiệu quả cho các dự án phát triển hạ tầng và sẽ có chính sách minh bạch kêu gọi đầu tư để góp phần đẩy mạnh chương trình phát triển hệ thống giao thông đô thị.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề buổi đối thoại, Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho rằng vốn cho đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng tại TPHCM không thiếu mà cái thiếu ở đây là những chính sách, hướng dẫn rõ ràng để các nhà đầu tư tự tin tham gia vào các dự án lớn, đặc biệt là các dự án sẽ được thực hiện theo hình thức PPP.

Ông Cany nói TPHCM vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư và các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại đây mong muốn được mở rộng hoạt động tại thị trường này. Nhưng, ông cho rằng các nhà đầu tư phàn nàn rằng thực hiện đầu tư ở TPHCM đôi lúc khó hơn ở một số tỉnh thành khác, và việc TPHCM sụt giảm thứ hạng về chỉ số cạnh tranh (PCI) năm 2010 có thể phản ánh một phần về môi trường đầu tư ở thành phố này.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín cho rằng thành phố luôn dẫn đầu về số lượng các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, và điều này cho thấy rằng thủ tục hành chính, thời gian giải quyết chắc chắn là phải tốt, môi trường đầu tư tốt.

Ông Tín nói nếu có dự án phải chờ lâu mới được cấp phép thì chỉ là trường hợp cá biệt, và có những dự án được cấp phép nhanh ở các địa phương khác thì thành phố không có chủ trương thu hút. TPHCM hiện đã chọn lọc trong việc thu hút các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, tập trung vào các dự án sử dụng công nghệ cao, sạch, sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao và có sức cạnh tranh mạnh, ít sử dụng lao động giản đơn.

Theo Sở Kế hoạch-Đầu tư TPHCM, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 3.857 dự án đầu tư nước ngoài trong giai đoạn từ năm 1988 đến 2010, với tổng vốn đầu tư hơn 29,4 tỉ đô la Mỹ. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2011, thành phố đã cấp 88 dự án đầu tư với tổng vốn là 1,33 tỉ đô la Mỹ, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2010.

Câu hỏi về các giải pháp cho nạn kẹt xe trong bối cảnh xe máy và xe hơi ngày càng tăng cũng được ông Cany nêu ra tại buổi đối thoại trên. Ông Cường cho biết TPHCM có nhiều nguyên nhân dẫn đến kẹt xe, bao gồm phát triển kết cấu hạ tầng không theo kịp với phát triển chung về kinh tế xã hội, phương tiện vận tải hành khách công cộng không đáp ứng được nhu cầu nên người dân phải sử dụng phương tiện cá nhân.

Theo ông Cường, TPHCM hiện có khoảng 5,1 triệu xe các loại trong, trong đó 4,6 triệu là xe hai bánh. Do vậy, tình trạng kẹt xe là không thể tránh khỏi trong tình hình điều kiện về hạ tầng hiện nay, và thành phố sẽ tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư cho các công trình giao thông trọng yếu khi nguồn vốn còn hạn chế.

Các công trình giao thông quan trọng là đường vành đai số 2 đã nối với cầu Phú Mỹ và sẽ được nối với xa lộ Hà Nội trong thời gian sắp tới; đầu tư mở rộng các đường tại cửa ngõ như xa lộ Hà Nội, phía Tây Bắc; một số tuyến đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây; các đường nối với các cảng biển như Hiệp Phước, Tân Cảng và Cát Lái cũng như khu công nghiệp và khu chế xuất.

Ông Cường cho biết dự kiến cuối năm 2012 sẽ đưa vào thác tuyến đường cao tốc TPHCM-Long Thành. TPHCM cũng tập trung phát triển các phương tiện vận tải hành khách công cộng, bao gồm 6 tuyến tàu điện ngầm (metro) có tổng chiều dài 110 kí-lô-mét, và 3 tuyến đường sắt nhẹ có tổng chiều dài khoảng 45 kí-lô-mét.

Ông Cường nói thêm mặc dù đã có nhiều nỗ lực của các bên liên quan để giải quyết các khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng, vốn và chính sách, nhưng tuyến metro số 1 chỉ có thể được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2016 nếu tiến độ được đảm bảo. Theo kế hoạch trước đây, tuyến metro này, có tổng chiều dài 19,7 kí-lô-mét từ Bến Thành đến Suối Tiên, sẽ hoàn thành vào năm 2015.

TPHCM cũng sẽ sắp xếp lại đội xe buýt gồm 3.096 chiếc và 148 tuyến xe, xúc tiến đầu tư các tuyến đường sắt nhẹ để đảm bảo sẽ đưa các tuyến này vào sử dụng 2015 để đáp ứng 15% nhu cầu đi lại bằng các phương tiện giao thông công cộng.

Bình Nguyên

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Khánh thành trung tâm kho vận trị giá 4 triệu USD (20/04/2011)

>   Nhập siêu tháng 3 vượt 1,4 tỷ USD (20/04/2011)

>   Vinalines tiếp tục tranh chấp với bên thứ ba vụ mất 800.000 USD (20/04/2011)

>   Xuất khẩu thủy sản: Khó hoàn thuế vì vướng thủ tục (20/04/2011)

>   Khai thác khoáng sản: Cân nhắc lại điều kiện cấp phép ! (20/04/2011)

>   Điệp khúc… cảng chờ đường! (20/04/2011)

>   EVN nợ TKV trên 1.600 tỉ đồng (20/04/2011)

>   Giá điện tăng giảm, phải qua cửa giám sát (20/04/2011)

>   Xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhanh (20/04/2011)

>   Xuất khẩu: Lấy công làm lời (20/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật