VFF: Giàu hay nghèo?
Năm 2011, VFF được hỗ trợ 200.000 USD từ ngân sách Tổng cục TDTT để cho thi đấu quốc tế, thì riêng đội nữ trong chuyến đi Đài Loan (vòng loại Olympic London 2012) đã chi hết 87.000 USD. Ngân hàng Eximbank, đơn vị vừa ký hợp đồng tài trợ 90 tỷ đồng/3 mùa giải V.League liệu có làm cho VFF rủng rỉnh?
|
Hồi ở Việt Nam, ông Calisto vẫn kiếm thêm từ quảng cáo |
Giàu, đóng đụn ăn xin...
Đã có không ít người nghĩ như vậy, trước cảnh Liên đoàn cứ mỗi năm lại được Tổng cục TDTT “rót” hơn chục tỷ đồng, trong khi vốn là đơn vị thu hút được nguồn tài chính dồi dào nhất từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân. Đặc biệt trong thời điểm VFF công bố kế hoạch đầu tư tài chính vào Ngân hàng Tập đoàn dầu khí VN cách đây vài năm, thì càng có nhiều ý kiến phán đoán liên quan đến thực lực tài chính của VFF.
Những khoản tiền tỷ tài trợ của các doanh nghiệp, lời lãi từ các trận đấu giao hữu quốc tế, rồi hàng tỷ đồng treo thưởng cho các đội tuyển U23 hay ĐTQG... ở các giải đấu như SEA Games hay AFF cup càng khiến cho những ai vốn tin rằng VFF giàu càng thêm chộn rộn. SEA Games 25 (Lào), một nguồn tin từ VFF cho biết, trước trận chung kết với U23 Malaysia, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã bay thẳng sang thủ đô Vientiane, kèm theo “bịch” tiền hơn nửa chục tỷ đồng. AFF cup 2010, trong một lần nhắc lại, ông Hỷ cũng than thở, không hề tiếc “chúng nó” tí nào. Thắng là thưởng. Mà đấy chưa phải là khoản tiền duy nhất. Thế nhưng thầy trò HLV Calisto lại thua. Vui miệng là VFF muốn mất tiền mà không được. Mới đây nhất, VFF vừa ký hợp đồng tài trợ V.League với ngân hàng Eximbank. Số tiền 90 tỷ đồng/3 mùa giải là kỷ lục từ trước đến nay.
Đấy là nguyên nhân xuất hiện những so sánh, kiểu như VFF tiền nhiều, nhưng vẫn ngửa tay xin tiền Tổng cục như ở trên, trong khi các môn khác phải “chạy ăn” mướt mồ hôi. Các tuyển thủ bóng đá cũng là đối tượng bị ghen tị nhiều nhất so với đồng nghiệp thể thao ở các môn khác. Ở khách sạn, ăn nhà hàng, mặc quần áo đẹp, lương thưởng cao...
Hay nghèo, chưa thoát cảnh ăn đong?
Sau chuyến đi Đài Loan của đội tuyển nữ, khoản hỗ trợ thi đấu quốc tế của Tổng cục coi như cũng gần hết một nửa. Như thế, tất cả các giải quốc tế khác chỉ còn hơn 100.000 USD. Trong khi tuyển nữ đã lọt vào vòng sau của vòng loại Olympic London 2010. Tức lại tốn thêm một lần tiền nữa.
Nói như một lãnh đạo VFF, vui thì vui thật, vì bóng đá mình có tiến bộ, nhưng lo cũng nhân đôi. Mà đấy là các cầu thủ nữ chỉ được chi theo chế độ nhà nước, tức là ngoài tiền máy bay, chi phí sinh hoạt chỉ 70.000 đồng/ngày. Dĩ nhiên khoản tiền bổ sung (lớn hơn rất nhiều), VFF phải cáng đáng cả. Nếu khoán theo chế độ nhà nước dành cho cán bộ đi công tác nước ngoài thì ngân sách Tổng cục không lo nổi.
Các đội tuyển khác cũng tương tự, tức Tổng cục lo phần chế độ nhà nước, phần lớn hơn là khoản bù thêm, VFF lo. Theo luật thể thao, các đội tuyển quốc gia đều được cấp kinh phí từ ngân sách Tổng cục TDTT. Bóng đá, chỉ các đội trên U23 và đội tuyển nữ được hưởng chế độ này. Các đội trẻ, từ U19, U17... cùng chi phí tổ chức giải đấu (V.League, hạng Nhất, Nhì, giải nữ...) thuộc trách nhiệm của VFF. Riêng năm nay do Futsal phải thi đấu SEA Games 26 nên cũng được hỗ trợ.
Theo tìm hiểu, mỗi năm ngân sách Tổng cục hỗ trợ cho Liên đoàn khoảng 14 -15 tỷ, tùy từng năm. Nhìn thì tưởng nhiều, nhưng nếu so với chi phí vài chục tỷ mỗi năm VFF phải trả, thì lại hóa nhỏ. Như trả lương cho HLV ngoại, chỉ riêng ông Calisto mỗi năm đã tốn hơn 2 tỷ đồng (tiền Tổng cục hỗ trợ). Trong số hơn 22.000 USD/tháng trả cho ông thầy người Bồ Đào Nha, phần hỗ trợ của Tổng cục chủ yếu dùng để trả thuế. Phần còn lại, VFF chịu.
Nhưng đấy chưa phải là khoản lớn nhất bởi theo tính toán thì tiền nhà ở, đi lại, vé máy bay... cộng lặt vặt cũng tốn thêm vài tỷ đồng, và dĩ nhiên, khoản này VFF phải lo 100%. HLV trưởng tuyển nữ Trần Vân Phát, lương có thấp hơn, Tổng cục chỉ hỗ trợ khoảng gần 2.000 USD/tháng (khoảng 40-50%).
Thế mới có chuyện, trong lần tái ký hợp đồng với HLV Calisto, thì “căng” và tốn thời gian nhất lại chính là các lần đàm phán liên quan tới các điều khoản “lặt vặt”. Lương bổng kèm các điều khoản chính khác, ông thầy người Bồ gần như bị thuyết phục ngay trong buổi tiếp xúc đầu tiên.
Eximbank tài trợ 90 tỷ đồng/3 mùa giải, thoạt nghe thấy lớn, nhưng nếu tính chi phí phải lo cho cả hệ thống ở dưới thì chưa thấm vào đâu. Trong khi ngoài V.League, các giải khác đều chung cảnh vắng tài trợ. Tài trợ của các doanh nghiệp chủ yếu cũng tập trung cho giải thưởng, nên chi phí tổ chức VFF phải gánh.
Giải quốc tế, chỉ riêng trận đấu với Olympic Brazil năm 2008 là VFF thu lợi lớn (nghe đâu chừng 6 tỷ đồng lãi), còn lại đều lỗ do không bán được vé. Có năm, đầu năm báo cáo tài chính, lãnh đạo Liên đoàn than thở còn thiếu vài chục tỷ đồng chưa biết kiếm đâu ra.
Liên đoàn, như một cán bộ lãnh đạo Tổng cục TDTT nói, “cứ bảo VFF nhiều tiền, nhưng bức tranh không phải như bên ngoài nhìn, mà vẫn chưa thoát cảnh ăn đong”.
TTK LĐBĐVN Trần Quốc Tuấn
Chỉ riêng các đội tuyển, chi phí đã rất lớn rồi chứ chưa nói đến các giải đấu khác. Ngân sách nhà nước thực ra hỗ trợ còn rất thấp, và chỉ hỗ trợ một phần kinh phí cho 3 đội lớn (ĐTQG nam, U23 VN, ĐTQG nữ). Trong mức chuẩn hóa (ví như đội tuyển không ở trung tâm HLTT quốc gia), VFF phải bù số tiền rất lớn. Các đội trẻ năm ngoái, mỗi đội đi thi đấu quốc tế đã tốn gần 2 tỷ đồng. Trong khi đội trẻ đâu có thương hiệu. Thắng, vẫn phải thưởng, vì đấy là công sức thực sự của các cháu, phải động viên, khích lệ chứ không thể không nghĩ đến. Mình hiện nay hòa nhập rất lớn, như trước chỉ có đội U16, U19 nam, giờ thêm cả U16, U19 nữ. Càng thắng nhiều thì càng phải chi, nhưng đấy là sự phát triển, không thể vì tốn tiền mà lại muốn thua được. V.League cùng các giải đấu khác cũng rất tốn kém.
N.Ph |
Nguyên Phong
TIỀN PHONG
|